Tráng bánh tráng

Thời tiết tháng ba thường đỏng đảnh. Buổi sáng lành lạnh mờ hơi sương, buổi trưa oi oi pha chút hanh hao bức bối. Mặt trời lúc nào cũng thường trực cùng những tia nắng chói chang. Hôm qua nghe ba má bàn với nhau: “Trời đây tráng bánh là ngon nhứt!”. Ấy là sáng hôm nay, khói lửa đã nghi ngút dưới tán ổi bên hè.

Nhà tôi quanh năm chẳng mấy khi có cơ hội đi chợ mua bánh tráng. Vì khi xấp bánh trong chum thấp thoáng dấu hiệu vơi đi, ba má lại lụi cụi sửa sang lò cũ để tráng đợt bánh khác.

Mỗi lần dự định tráng bánh, ba má phải chuẩn bị mọi thứ tươm tất từ ngày hôm trước. Ba có nhiệm vụ tìm củi. Dù luôn tay với việc đồng áng, nhưng hễ má nói tráng bánh là chiều hôm đó ba tranh thủ mang về những đoạn củi tre to, tàu dừa khô chất thành đống bên lò. Ba đắp lại lò ở những chỗ xập xệ bằng thứ đất sét cạnh bờ ao rồi đặt lên trên một cái khuôn vừa vặn miệng lò. Khuôn là một chiếc nồi lớn chỉ dành riêng cho việc tráng bánh nên thời gian nằm trên gác bếp nhiều hơn trên lửa.

Má ngâm gạo để đi xay. Chuẩn bị nguyên liệu có lẽ là khâu quan trọng nhất bởi nó quyết định chất lượng bánh tráng. Với kinh nghiệm bao năm, má lựa gạo thật kỹ. Má nói, gạo tráng bánh phải dùng loại gạo khô cơm, không được chọn gạo lúa mới vì khi nhúng vào nước bánh tráng nhanh rã, cũng chẳng được lấy gạo quá cũ vì bánh ra lò không được thơm, ăn mất ngon.

Cơm tối xong xuôi, má khệ nệ thùng gạo đi xay. Từ muôn vàn hạt gạo trắng ngần, nở đều mũm mĩm, má mang về một thùng bột nhuyễn trắng tinh. Má thêm vào chút muối để khi bánh tráng ra có vị mằn mặn, đậm đà dễ ăn. Má đậy nắp hờ để bột lắng xuống, sáng hôm sau lọc bỏ phần nước chua bên trên.

Sáng sớm hôm tráng bánh, khi sương còn mịt mờ giăng khắp lối đi, ba đã thức dậy nhóm lửa, căng tấm vải lên trên nồi. Ba cột những hòn đá nhỏ xung quanh để tấm vải căng đều tối đa. Đó là lúc chiếc khuôn đầy đủ và hoàn thiện nhất. Những gáo nước giếng được ba đổ vào chừng hai phần ba khuôn, chụm cho sôi lửa. Khi nước bắt đầu réo nồi cũng là lúc má đã pha xong tỉ lệ bột và nước. Bột tráng bánh không thể quá đặc, cũng không được quá lỏng. Có lần, tôi thấy má còn cho thêm ít bột sắn. Má bảo làm như vậy để bánh được dẻo, dễ phơi lên vỉ và khi nhúng nước, bánh ít bị nứt nhưng đổi lại bánh hơi dày, độ cứng nhiều hơn.

Khói là đà bay lên trên mặt khuôn, má múc bột vào chiếc vá cạn, hình tròn. Độ chừng nửa phút, má rục rịch mở nắp khuôn. Nhìn những đợt bánh mỏng manh nhưng tròn trịa, đều đặn trên mặt khuôn, tôi thầm ngưỡng mộ đôi bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của má. Lửa vẫn đều đặn lách tách, liu riu trong lò vừa đủ duy trì sức nóng cho nước luôn sôi.

Má vớt bánh vắt qua một ống phơi bằng tre dài chừng ba gang tay để phơi lên vỉ. Chồng vỉ được đan bằng cây mò o giống như tre hoặc trúc, nhưng thân dẻo và bền hơn đã được má lau sạch qua một lớp dầu ăn, để khi gỡ bánh khô không dính lại, làm vỡ bánh. Những vỉ bánh lần lượt xếp hàng bên mái hiên, tầm giữa trưa dễ dàng bắt gặp tiếng răng rắc, ấy là lúc bánh tráng sắp sửa vào bao.

Mỗi lần nhà tráng bánh, tôi mê nhất là lúc má ngưng tráng bánh phơi để cả nhà được ăn bánh ướt. Những mẻ bánh ướt nóng hổi vừa ra lò, phết lên chút hành phi, cuộn bên trong ít rau sống rồi chấm với chén mắm nêm mới giã hay chén nước mắm cay là y như rằng sơn hào hải vị khó bề sánh nổi. Tôi còn nhớ hồi đi học xa, mỗi lần trở lại thành phố, thứ gói ghém nhiều nhất mang theo là những xấp bánh tráng của má. Món bánh tráng nhúng nước chấm với nước mắm đã đồng hành không chỉ riêng tôi mà cả lũ bạn chung phòng suốt bao năm tháng đại học.

Ngày nay, nhiều máy móc thiết bị hiện đại ra đời, trong đó có cả máy tráng bánh. Những bánh tráng vuông ra lò nhanh chóng, bỏ qua nhiều khâu thủ công nhưng cả nhà tôi đều ưng chiếc bánh được làm ra từ chính đôi bàn tay má, những chiếc bánh chứa chan hương vị gia đình.

LÊ TRƯƠNG THÚY DIM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/314813/trang-banh-trang.html