Trấn Yên thúc đẩy nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển bền vững

Để nghề trồng dâu, nuôi tằm phát triển bền vững, gần đây, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp (DVHTPTNN) huyện Trấn Yên phối hợp triển khai Dự án 'Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật (KHKT) tổng hợp thâm canh cây dâu và nuôi tằm trên địa bàn huyện' và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Nông dân xã Việt Thành, huyện Trấn Yên được hỗ trợ giàn khay trượt để nuôi tằm.

Cùng một giống dâu trồng ven sông Hồng, song những vườn dâu tại thôn Lan Đình, xã Việt Thành lại cho sản lượng cao hơn các ruộng dâu khác từ 15% - 20%. Kết quả này là bởi một số hộ trồng dâu đã thực hiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây dâu do Trung tâm DVHTPTNN huyện Trấn Yên triển khai thực hiện.

Ông Trần Văn Việt, thôn Lan Đình cho biết: "Trước đây, chúng tôi chủ yếu sử dụng NPK 5-10 - 3 và đạm urê để bón cho dâu nên năng suất, chất lượng chưa cao, cây dâu hay bị bệnh gỉ sắt, bạc thau, rệp muội, tuyến trùng… Sau khi được tập huấn, hướng dẫn, tôi đã biết làm chế phẩm sinh học vi sinh vật (IMO) và sử dụng nguồn phế phụ thải nông nghiệp để ủ phân hữu cơ vi sinh bón cho dâu nên sâu bệnh giảm hẳn, cây dâu cho lá nhiều hơn, dày, to hơn”.

Để thay đổi tư duy, phương pháp trồng dâu của người dân, quá trình thực hiện Dự án, các hộ tham gia đã được hướng dẫn kỹ thuật đốn tỉa, bón phân NPK 14 - 5 - 6 + 5 S+TE chuyên dụng và phân hữu cơ vi sinh cho cây dâu; cách sử dụng chế phẩm vi sinh vật IMO trong thâm canh cây dâu giai đoạn kinh doanh.

Theo kỹ sư nông nghiệp Vũ Thị Thủy - Trung tâm DVHTPTNN huyện Trấn Yên, chế phẩm sinh học IMO có chứa nhiều loại vi sinh vật có lợi cho cây trồng, vật nuôi. Những vi sinh vật này không chỉ có tác dụng tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng mà còn hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng cho động, thực vật.

Ngoài ra, các loài vi khuẩn có trong IMO còn giúp phân giải các chất hữu cơ trong đất từ dạng khó tiêu thành dạng dễ hấp thụ, ức chế, loại trừ những loại vi sinh vật có hại, gây bệnh cho các loại động, thực vật. Trong IMO chứa nhiều loại chất khoáng, Vitamin, giúp cải tạo đất, kích thích thực vật ra chồi, rễ và phục hồi những cây còi cọc... Do đó, việc sử dụng chế phẩm vi sinh vật IMO góp xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, bảo vệ môi trường nông thôn không bị ô nhiễm.

Cùng với ứng dụng tiến bộ KHKT tổng hợp thâm canh cây dâu, để nâng cao giá trị cho nghề trồng dâu nuôi tằm, Dự án còn thực hiện hỗ trợ, chuyển giao cho các hộ tham gia áp dụng mô hình nuôi tằm trên khay trượt. Đây là một trong những tiến bộ mới đã được áp dụng tại một số tỉnh và mang lại hiệu quả so với cách nuôi tằm truyền thống.

Chị Nguyễn Thị Phương, thôn Đồng Trạng, xã Báo Đáp cho hay: "Với thiết kế giàn khay trượt nên phù hợp với cả những nhà tằm nhỏ. Hệ thống khay trượt có bánh xe dễ di chuyển, dễ vệ sinh. Khi cho tằm ăn, chỉ cần kéo lần lượt các khay nên không tốn nhiều công, việc cho ăn nhanh hơn, đảm bảo vệ sinh hơn so với cách nuôi truyền thống”.

Hiện tại, Dự án "Ứng dụng tiến bộ KHKT tổng hợp thâm canh cây dâu và nuôi tằm trên địa bàn huyện Trấn Yên” đang được thực hiện tại 3 xã trọng điểm trồng dâu nuôi tằm của huyện là: Tân Đồng, Việt Thành, Báo Đáp. Ứng dụng kỹ thuật thâm canh được thực hiện trên diện tích 10 ha dâu. Tham gia Dự án, bên cạnh việc được tập huấn chuyển giao các kỹ thuật mới, các hộ còn được hỗ trợ phân bón, vật tư nông nghiệp và 8 bìa trứng tằm (tương đương 80 vòng tằm và 5 bộ giàn khay trượt sử dụng để nuôi tằm).

Hiện tại, huyện Trấn Yên đã hình thành được vùng trồng dâu rộng lớn với hơn 1.500 hộ nuôi tằm, sản lượng kén tằm toàn huyện năm 2022 đạt 1.168 tấn, giá trị sản phẩm bình quân đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm; năm 2023 ước đạt 300 triệu đồng/ha. Huyện đang phấn đấu mở rộng quy mô trồng dâu nuôi tằm đến năm 2025 lên 1.200 ha, sản lượng kén tằm hàng năm đạt trên 2.200 tấn, giá trị thu về trên 300 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ của địa phương thì việc triển khai Dự án "Ứng dụng tiến bộ KHKT tổng hợp thâm canh cây dâu và nuôi tằm trên địa bàn huyện” cũng đã và đang góp phần cải thiện chất lượng cây dâu, giảm áp lực về diện tích làm nhà tằm, giảm tình trạng nuôi tằm gối lứa, hạn chế dịch bệnh do có thời gian cách ly giữa các lứa nuôi, giải phóng được sức lao động mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi tằm. Đây chính là tiền đề để nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển bền vững, làm giàu cho nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện.

Hồng Oanh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/304632/tran-yen-thuc-day-nghe-trong-dau-nuoi-tam-phat-trien-ben-vung.aspx