Trăn trở Mường Lý

Mường Lý vào tháng 4 trời nóng rát. Gió phơn Tây Nam thổi ràn rạt. Những vạt rừng lau, lách ngả màu vàng úa, chỉ một mồi lửa là có thể bùng cháy.

Một góc bản Nàng 1, xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Mường Lý thuộc huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hóa). Địa phương còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, địa hình phức tạp. Thế nhưng, công chức, viên chức, giáo viên nơi đây không được hưởng chế độ như các xã biên giới khác ở Mường Lát.

Những điều trông thấy

Mường Lý vào tháng 4 trời nóng rát. Gió phơn Tây Nam thổi ràn rạt. Những vạt rừng lau, lách ngả màu vàng úa, chỉ một mồi lửa là có thể bùng cháy. Nhiều quả đồi trơ trọi, thâm xì vì người dân đốt nương, làm rẫy.

Ông Quách Văn Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý cho biết: “Mường Lý còn nhiều khó khăn. So với các xã khác ở Mường Lát thì người dân Mường Lý, cán bộ công chức, viên chức, đội ngũ giáo viên chịu thiệt thòi hơn bởi là xã duy nhất của huyện vùng cao, biên giới Mường Lát không được hưởng chế độ vùng biên giới”.

Xã Mường Lý hiện có 1.036 hộ, với 5.548 nhân khẩu, chia thành 15 bản. Trong đó, có 10 bản người Mông, còn lại 5 bản người Thái, Mường và một số ít người dân tộc khác.

Theo số liệu báo cáo (tháng 12/2023) của UBND xã Mường Lý, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương ở mức 74,24%; hộ cận nghèo là 4,82%. Đến tháng 3/2024, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống 64,42% và 7,04% hộ cận nghèo.

Trước băn khoăn về tỷ lệ hộ nghèo theo báo cáo của xã thời điểm tháng 12/2023, ông Tùng, lý giải: “Đây là con số thực tế tháng 10/2022 bởi cứ đến tháng 10 hằng năm, địa phương lại thực hiện rà soát hộ nghèo năm đó. Sang tháng 3/2024, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 64,42% - đó là kết quả rà soát của đợt tháng 10/2023”. Như vậy, từ năm 2022 đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của Mường Lý đã giảm gần 10%.

Do đặc điểm thổ nhưỡng của vùng là đất pha cát, khô cằn, thiếu nước tưới, nên năng suất cây lương thực có hạt khá hạn chế. Nghề chính của bà con chủ yếu trồng ngô, sắn và lúa nương. Đối với cây lúa nước, cả xã Mường Lý chỉ có khoảng dăm chục ha. Năng suất bình quân ở mức “khiêm tốn”, ước chừng đạt 46 - 48 tạ/ha.

Có một số bản, người dân trồng luồng, cây xoan nhưng không đáng kể. Do cây xoan kém phát triển, không đem lại hiệu quả, nên chính quyền địa phương đã và đang vận động bà con trồng rừng thay thế. Đến nay toàn xã đã trồng thay thế được 178ha bằng các loại cây trồng khác.

Người dân Mường Lý trồng sắn trên nương.

“Cho cần câu hơn cho cá”

Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý Quách Văn Tùng, bày tỏ: “Để Mường Lý sớm thoát cảnh nghèo khó là bài toán mà lãnh đạo địa phương luôn trăn trở”. Cái khó ở đây quả thực không sai bởi theo khảo sát cho thấy, một số bản dù nhiều hộ gia đình nghèo đói nhưng vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Nhiều vợ chồng trẻ tuổi, diện hộ nghèo được hỗ trợ tiền làm nhà mới, mỗi tháng có 15kg gạo/khẩu do Nhà nước cấp. Như vậy, nếu cặp vợ chồng này sinh thêm 2 con thì đương nhiên mỗi tháng được cấp 60kg gạo theo chế độ.

Mặt khác, trẻ đến trường học, không phải đóng góp khoản nào... Với “điểm tựa” như vậy, nhiều gia đình không thay đổi tư duy, từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại nên vẫn chưa thể thoát nghèo.

“Năm 2023, xã Mường Lý có 101 hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng mới, sửa chữa nhà ở theo Thông tư 01/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Trong đó, 40 hộ làm nhà mới với mức kinh phí hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ và 61 hộ sửa chữa nhà, với mức 20 triệu đồng”, ông Tùng thông tin và cho rằng, hiện người dân Mường Lý rất cần sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước để phát triển kinh tế.

Cụ thể, dân cần vốn, trình độ kỹ thuật, các loại cây, con giống phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và cách thức làm ăn… Nói đúng hơn, dân đang thiếu “cần câu” và dạy cách “câu cá” chứ không thể mãi trông chờ Nhà nước cấp “cá” giúp dân no bụng.

Đề cập đến giải pháp thoát nghèo, Phó Chủ tịch Quách Văn Tùng cho hay, chính quyền xã đã và đang giúp người dân địa phương chuyển đổi cây trồng, vận động đăng ký tham gia mô hình trồng tre Bát độ để lấy măng. Đến thời điểm này, hơn 100 hộ dân ở các bản Nàng 1, Muống 2 và Tài Chánh đăng ký, với diện tích khoảng 80ha.

Cùng đó, UBND xã phối hợp với doanh nghiệp ký hợp đồng trồng cây sả, để chiết xuất tinh dầu. Cán bộ xã, trưởng bản đang vận động bà con đăng ký tham gia mô hình này bởi cây sả khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Mường Lý.

“Ngoài chuyển đổi cây trồng, vừa rồi, lãnh đạo xã phối hợp với một doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình thực hiện mô hình trồng cây lá giang xuất khẩu. Để vận động được dân tham gia, lãnh đạo xã đã tổ chức đưa những người đăng ký mô hình đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế ở tỉnh Hà Giang.

Dự kiến, khi áp dụng mô hình trồng cây lá giang xuất khẩu, Mường Lý sẽ phát triển trên diện tích khoảng 200ha. Phía doanh nghiệp cung cấp cây giống, hỗ trợ kỹ thuật chăm bón. Khi có sản phẩm thu hoạch đạt yêu cầu, công ty sẽ bao tiêu ổn định. Hy vọng, những dự án, mô hình chuyển đổi cây trồng sẽ tăng nguồn thu nhập, giúp địa phương có cơ hội giảm nghèo”, ông Tùng tâm sự.

Công sở xã Mường Lý.

Thách thức với sự nghiệp… “trồng người”

Thời điểm này tại Mường Lý đang là mùa khô, cây cối cằn cỗi. Nguồn nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt hàng trăm học sinh ở trường bán trú trở nên thiếu thốn, đáng lo ngại.

Đến thăm Trường PTDTBT THCS Mường Lý, thầy Nguyễn Văn Quý - Phó Hiệu trưởng nhà trường kể về “hành trình” đi tìm, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt hằng ngày cho học sinh bán trú mới thấu hiểu nỗi vất vả của những người thầy nơi đây.

Theo chân thầy Quý leo dốc lên bản Nàng 2 (Mường Lý), đi vào rừng sâu kiểm tra mó nước đầu nguồn dẫn về trường. Trên đường đi, thầy Quý tâm sự: “Để có nước sinh hoạt cho gần 400 học sinh, giáo viên nhà trường, huyện phải lắp đặt đường ống nhựa (loại phi 90), với độ dài khoảng 8km, từ trong mó nước khu rừng giáp tỉnh Sơn La. Do đường ống kéo dài, vắt qua nhiều đồi núi, ruộng của người dân, nên mỗi khi có sự cố, giáo viên phải đi khắc phục rất vất vả”.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ đi bộ, leo dốc vào rừng sâu, chúng tôi mới đến được địa điểm mó nước suối. Ở đầu nguồn có xây một bể lắng, hệ thống lọc cát, ngăn chặn đất, đá, lá rừng với diện tích hơn chục mét vuông.

Vào thời điểm trời ít mưa, nguồn nước khá trong và không có nhiều lá rừng, tạp chất trôi xuống. Nhưng khi trời mưa to, nước từ trên núi đổ xuống, nước đục ngầu, thậm chí hệ thống lắng, lọc bị vùi lấp. Nhà trường phải cử thầy cô giáo vào tận nơi dọn vệ sinh để ổn định nguồn nước về bể chứa tại trường.

“Dù nhà trường có 2 giếng khoan nhưng vẫn không đủ để cung cấp cho hơn 300 học sinh ăn, ở bán trú mỗi ngày. Nguồn nước dẫn từ mó trong rừng sâu về chỉ dùng để học sinh tắm giặt, xả nhà vệ sinh. Còn nước ăn, uống phải dùng bằng nguồn giếng khoan và nước lọc.

Thời gian qua, dù không dư dả nhưng trường vẫn phải thuê một nhân viên vừa làm bảo vệ trường, vừa có trách nhiệm kiểm tra đường ống nước thường xuyên, với mức thù lao 3 triệu đồng/tháng”, thầy Quý thông tin.

Những khó khăn của Mường Lý đã rõ, nhưng điều đáng tiếc là những cán bộ, công chức, viên chức lẫn học sinh nơi đây không được hưởng chế độ biên giới như các xã khác trong huyện. Với mức phụ cấp 30% nhân hệ số lương, là một khoản thu nhập không nhỏ đối với cán bộ công chức, viên chức và giáo viên để có thể bình ổn, cải thiện cuộc sống.

Cô và trò điểm trường Sài Khao, xã Mường Lý.

Học sinh Trường PTDTBT THCS Mường Lý trong giờ học.

Thầy Hoàng Sỹ Xuân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Lý bày tỏ: “Do không được hưởng chế độ phụ cấp biên giới, nên giáo viên nhà trường chịu thiệt thòi. Từ trước đến nay, ở Mường Lý chỉ có giáo viên xin chuyển công tác đi nơi khác, ít có người từ nơi khác xin chuyển về”.

Thầy Xuân chia sẻ thêm, ví như với hệ số lương hiện tại (5.02), nếu được hưởng 30% phụ cấp biên giới thì mỗi tháng thầy có thêm hơn 3 triệu đồng. Số tiền ấy, đối với thầy Xuân, có thể lo tiền ăn cả tháng, với mức 100.000/ngày.

Thầy Hoàng Lê Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Lý cũng trao đổi về những thiếu thốn của giáo viên, học sinh. “Do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nên cơ sở vật chất nhà trường chưa đầy đủ, thiếu hệ thống nước sạch, nước uống.

Các khu sinh hoạt, học tập trong trường chưa ổn định, sân chơi bãi tập không đảm bảo, khuôn viên sơ sài, chỗ bảo quản trang thiết bị dạy và học chưa tốt. Mức đóng góp của nhân dân gần như không có, ngân sách xã nghèo nên chưa đầu tư đúng mức cho giáo dục nói chung, nhà trường nói riêng...”, thầy Thành chia sẻ.

Theo Chương trình GDPT mới, học sinh lớp 3 bắt buộc học môn Tiếng Anh và Tin học. Thế nhưng, Trường Tiểu học Mường Lý đến nay chưa có giáo viên dạy môn Tin học và thiếu phòng máy. Để khắc phục tình trạng này, thầy Thành phải đảm nhiệm dạy môn Tin học.

“Do nhà trường không có giáo viên dạy Tin học trong khi tôi có bằng Tin học nên đã tranh thủ thời gian để dạy chay cho các em dù biết rằng, môn Tin học phải dạy và học chay thì hiệu quả không cao. Nhà trường đang đặt vấn đề với Trường PTDTBT THCS Mường Lý, hợp đồng giáo viên, mượn phòng máy của trường, để dạy cho học sinh”, thầy Thành chia sẻ.

Chia tay Mường Lý, những trăn trở về sự khó khăn, vất vả của người dân, cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh nơi đây không dứt. Tất cả đang phải “gồng mình” để chống chọi với thách thức.

Làm sao để người dân sớm thoát nghèo, đội ngũ công chức, viên chức, đặc biệt giáo viên, học sinh Mường Lý đỡ thiệt thòi là vấn đề rất cần sự quan tâm của cơ quan, ban, ngành từ Trung ương tới địa phương.

“Điều cơ bản là bà con nhân dân ở Mường Lý chưa có cơ hội được tiếp cận với cách thức làm ăn và phát triển kinh tế mới. Ai cũng muốn thoát khỏi cảnh nghèo, đói. Nhưng, để vượt qua được cái nghèo khó hiện nay và làm sao để tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống mức tối thiểu, đó là một bài toán khó”, ông Quách Văn Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý trăn trở.

Thế Lượng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tran-tro-muong-ly-post680642.html