Trăn trở giấc mơ xanh trên cánh đồng hữu cơ

Khi không khí xuân bắt đầu len lỏi vào đường làng, ngõ xóm cũng là lúc những người làm nông nghiệp hữu cơ ở Trác Văn (Duy Tiên, Hà Nam) nô nức 'trẩy hội' xuống đồng. Người thì khẩn trương thu hoạch nốt diện tích cây vụ đông, người thì nhanh tay vận chuyển rau màu... Không khí lao động ấy khiến nhiều người thêm khâm phục ý chí của những nông dân chân chính, nguyện gắn bó với nông nghiệp hữu cơ dù phải trải qua biết bao sóng gió, thăng trầm.

Ông Nguyễn Văn Phóng, Giám đốc HTX nông nghiệp Trác Văn cho biết, vùng sản xuất hữu cơ Trác Văn được hình thành từ năm 2014 trong một dự án của Hội Phụ nữ huyện Duy Tiên.

Say mê nông nghiệp hữu cơ

Khi đó, nhiều người không tin vào nông nghiệp hữu cơ trên cánh đồng Trác Văn có thể gặt hái quả ngọt. Họ cũng từng chứng kiến một cửa hàng kinh doanh rau hữu cơ ở xã kế bên trước đó đã nói là sản xuất rau hữu cơ nhưng lại trồng rau trên những mảnh đất không đủ điều kiện an toàn, đặc biệt nguồn nước tưới bị nhiễm Asen nặng. Tuy không bảo đảm yêu cầu sản xuất nhưng đơn vị này lại dán nhãn dưới danh nghĩa “rau hữu cơ Lương Sơn”.

Chính vì vậy mà không chỉ những người nông dân mà ngay cả những cán bộ làm nông nghiệp hữu cơ lúc bấy giờ cũng lờ Trác Văn đi vì cho rằng biết đâu, những nông dân Trác Văn cũng như thế, cũng làm ăn không chân chính, cũng bán rau không phải hữu cơ ra thị trường? Những nghi hoặc đó dường như trở thành những tảng đá ngáng đường những người nông dân nơi đây.

Tuy nhiên, nhớ lại những ngày đầu chập chững "khởi nghiệp", ông Nguyễn Văn Phóng không ngờ những người nông dân Trác Văn, trong đó có ông lại dấn thân được vào sản xuất rau hữu cơ và theo đuổi con đường này được 9 năm cho đến tận ngày nay.

Niềm vui của người nông dân hữu cơ.

“Nhớ mãi cái buổi sáng đó vào một ngày năm 2014, chị Huấn - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Duy Tiên dẫn đầu đoàn gồm 3 nông dân Trác Văn và Hội Phụ nữ xã, Phó Chủ tịch xã và cả tôi đã tìm đến văn phòng nông nghiệp hữu cơ PGS ở Hà Nội để mong được tư vấn, hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ”, ông Nguyễn Văn Phóng kể và cho biết "đội quân" Trác Văn sau khi nghe các chuyên gia tư vấn đã tha thiết xin được tham gia sản xuất theo quy trình hữu cơ PGS. Mọi người cũng cam kết rút kinh nghiệm từ sự vụ của một đơn vị kinh doanh rau của xã kế bên để những ngọn rau không bị gắn “tai tiếng” không sạch.

Thế rồi dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, những người nông dân Trác Văn dù lớn tuổi hay trẻ tuổi đều cùng nhau học cách làm phân hữu cơ vi sinh, “chế” thuốc trừ sâu sinh học với tham vọng phần nào xóa bỏ định kiến sản xuất rau hữu cơ nhưng không sạch.

Với người nông dân Trác Văn, chuyển đổi mô hình từ làm nông nghiệp truyền thống gắn liền với thuốc trừ sâu, phân bón hóa học sang nông nghiệp hữu cơ vốn đầy mới mẻ nhưng cũng hào hứng lạ thường.

Những buổi hội thảo đầu bờ, những giờ bổ túc về kiến thức về nông nghiệp hữu cơ được tổ chức ngay tại trụ sở xã luôn thu hút đông người dân Trác Văn tham gia. Hàng chục nhà nông dù lớn tuổi hay trẻ tuổi khi có mặt tại các buổi hội thảo đều lặng lẽ ghi chép nhưng cũng có lúc sôi nổi trao đổi, thảo luận.

Mắt nhìn, tai nghe, tay cầm bút, họ cẩn thận chép vào sổ những công thức tạo phân vi sinh, những cách bón phân, nhận biết sâu bệnh với ước mơ về một nền nông sản sạch và chuẩn hữu cơ.

Nông dân say mê làm phân hữu cơ từ kiến thức được học tại các lớp tập huấn.

Nhiều nông dân dù bận trăm công nghìn việc nhưng khi thấy HTX thông báo có các buổi tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ lại tạm gác việc nhà, mang sách bút đến học cách trồng rau bền vững.

Khi đã vững kiến thức, các hộ đều thực hiện kiểm tra đánh giá điều kiện sản xuất một cách cẩn trọng. HTX cũng thành lập các nhóm và nhất nhất tuân thủ theo hướng dẫn của các chuyên gia nông nghiệp hữu cơ. Chính vì vậy mà theo ông Nguyễn Văn Phóng, có những chuyên gia trước đây không tin vào nông dân Trác Văn đã lăn xả, ngày đêm chấp nhận xắn quần cùng người dân lội ruộng, thăm đồng.

Những năm tiếp theo sau đó, vùng trồng rau hữu cơ Trác Văn từng ngày khởi sắc, đồng ruộng đẹp như tranh vì bên những luống rau lại điểm xuyết bởi những khóm hoa để dẫn dụ côn trùng, tránh gây bệnh cho rau. Nhiều đơn vị sản xuất và kinh doanh nông sản hữu cơ như Bác Tôm hay đơn vị tư vấn sản xuất hữu cơ như Rhikolto cũng luôn bên cạnh hỗ trợ các nhóm sản xuất. Vì thế, diện tích rau được mở rộng. Liên nhóm duy trì các cuộc họp sôi nổi, nông dân luôn tự tin, rạng ngời trước những thành quả mình đạt được.

Sau nhiều năm phát triển từ diện tích thí điểm ban đầu, đến nay, HTX nông nghiệp Trác Văn đã xây dựng và mở rộng diện tích lên 7 ha rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn PGS. Mỗi tháng, HTX xuất ra thị trường 2,5 - 3 tấn rau hữu cơ các loại. So với trồng ngô, trồng lạc, hiệu quả kinh tế từ trồng rau hữu cơ cao gấp 7 - 8 lần. Đồng thời, thị trường tiêu thụ cũng ổn định, thương hiệu rau hữu cơ Trác Văn được nhiều người biết đến.

Trải qua thời gian gắn bó với nông nghiệp hữu cơ, những người nông dân Trác Văn giờ đây luôn cảm nhận được ích lợi lớn khi nhớ lại tác hại của việc lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học trước đây cho sức khỏe con người và môi trường. Nên khi có người hỏi và tìm hiểu về cách làm nông nghiệp hữu cơ, học cách nuôi cấy vi sinh..., ai trong HTX cũng đều vui vẻ, sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ.

Ông Nguyễn Văn Phóng, Giám đốc HTX Trác Văn (thứ hai từ phải qua trái) cùng cán bộ địa phương thăm đồng.

Chưa nói nhiều về những giá trị kinh tế nhưng những người tham gia mô hình này đều cảm thấy hạnh phúc vì sức khỏe đã dần cải thiện từ ngày học làm nông nghiệp bền vững.

Việc phổ biến kiến thức ngay giữa vườn, cùng nhau kiểm tra những mẻ phân vi sinh do tự tay mình làm từ những công thức vừa học được đã khiến họ thêm say mê nông nghiệp hữu cơ và coi đây là chuyện thường ngày.

"Chúng tôi tự hào vì toàn bộ thành viên, hộ liên kết dù đều là nông dân nhưng đã chuẩn hóa được quy trình sản xuất nông sản hữu cơ”, ông Nguyễn Văn Phóng chia sẻ.

Dù mưa hay nắng vẫn mỉm cười

Chín năm gắn bó với nông nghiệp hữu cơ tuy chưa phải là dài nhưng cũng đủ để những người nông dân Trác Văn hiểu về cái khó, cái khổ khi dấn thân vào làm nông nghiệp bền vững.

Theo họ, cuộc đời luôn là những nốt nhạc lúc thăng lúc giáng. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng vậy! Nông dân sau nhiều năm gắn bó với ngọn rau, cây cỏ thì tuổi càng cao, sức càng yếu. Nhưng hiện lại là lúc các doanh nghiệp phân phối nông sản càng đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của người tiêu dùng.

“Nông nghiệp hữu cơ phải bắt đầu từ người nông dân với tinh thần làm nông trung thực, tức là phải có một quy trình sản xuất đạt chuẩn và đảm bảo được chất lượng sản phẩm”, Giám đốc HTX nông nghiệp Trác Văn Nguyễn Văn Phóng chia sẻ.

Trong 3 năm qua, đặc biệt sau dịch Covid-19, dù đã có một số doanh nghiệp, đơn vị tư vấn vẫn đồng hành hỗ trợ nhưng thực chất, họ cũng không thể làm thay công việc sản xuất cho những người nông dân Trác Văn. Những người gắn bó với cánh đồng rau Trác Văn dù vẫn còn nhưng đã giảm do tuổi cao, sức khỏe có hạn. Trong khi lớp thanh niên lại chưa có mấy người hào hứng với nông nghiệp hữu cơ.

Chính vì vậy mà dù được đánh giá là một trong những vùng đất màu mỡ nhất trong những vùng sản xuất rau hữu cơ PGS, nhưng những người nông dân bám trụ với nền nông nghiệp bền vững ở Trác Văn chỉ còn vài người. Họ dù tâm huyết cũng không thể đủ sức canh tác hết trên những cánh đồng rộng mênh mông. Thậm chí có những người hỗ trợ điều hành HTX đã có ý kiến nên khép lại câu chuyện nông nghiệp hữu cơ Trác Văn, vì yếu tố con người ở đây, lực lượng sản xuất ở đây gần như không thể cải thiện được. “Thật sự bế tắc!”, ông Nguyễn Văn Phóng ngậm ngùi nói.

Trước thực tế này, Ban giám đốc HTX Trác Văn đã không thể ngồi yên. Họ đã xông xáo tìm cách đưa thêm các doanh nghiệp về tiếp tục đồng hành cùng HTX, đồng thời cùng ngồi lại với lãnh đạo xã để bàn cách khôi phục và phát triển rau hữu cơ Trác Văn.

Ngoài tìm cách hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống điện quanh khu vực sản xuất, những người đứng đầu HTX xác định, muốn thu hút thêm nhiều người vào sản xuất rau hữu cơ phải giúp họ thấy được những cái lợi khi tham gia mô hình này. Chính vì vậy, HTX đã thu hút thêm nhiều người bằng cách miễn các chi phí trong năm đầu sản xuất. Như vậy, năm đầu tiên, người dân ra đồng chỉ phải “lấy công làm lãi”, làm được bao nhiêu thì chia đều.

Còn đối với người đứng đầu HTX như ông Phóng, ông đã đề nghị với chính quyền địa phương khuyến khích cán bộ mua rau hỗ trợ người dân, từ đó tăng niềm tin cho người làm nông nghiệp hữu cơ, khuyến khích nhiều người gắn bó với HTX.

Không dừng lại ở đó, HTX Trác Văn cũng đã gắn kết được với các doanh nghiệp phân phối ở thành phố Hà Nội như hệ thống Bác Tôm, Tâm Đạt, Sói Biển, Biggreen,... để thu mua. Trước quy trình sản xuất minh bạch của HTX, không ít người có uy tín trong làng nông nghiệp hữu cơ đã giúp nông dân Trác Văn bán những sản phẩm dư thừa. Nghĩa là bà con ưu tiên bán sản phẩm cho các công ty đã ký hợp đồng, còn dư thì sẽ được những người có uy tín thu mua giúp và bán cho khách hàng.

Màu xanh đã phủ lại trên đồng đất Trác Văn.

Theo ông Phóng, xét về góc độ thị trường, việc hỗ trợ người dân bán những nông sản dư thừa là không hề tốt vì nông dân cần phải trồng những gì khách hàng mong muốn và thị trường cần. Nhưng xét về góc độ nào đó, người nông dân là thành phần yếu thế trong xã hội nên họ cần được hỗ trợ đẩy hàng bằng mọi cách.

Chính vì thế mà dù mưa xuống nắng lên, những cây rau không khác gì bị "luộc" trên đồng nhưng dưới bàn tay chăm bẵm của những người nông dân Trác Văn và sự khích lệ đầu ra của nhiều đơn vị mà dù vào vụ đông, rau tốt bời bời nhưng HTX vẫn luôn thiếu hàng để bán. Cánh đồng rau Trác Văn một thời chỉ toàn màu nâu của đất nay đã phủ lại màu xanh từ rau màu.

Trước đây, nhiều khách hàng nghi ngờ về chất lượng rau của HTX thì nay họ mua rau của HTX mà không cần hỏi giá hay mặc cả bởi những người nông dân Trác Văn tự biết làm gì để hài hòa lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng. Và mỗi khi làm việc vất vả, thành viên HTX lại nhận được lời khen rau hữu cơ ngon, giá hợp lý từ tin nhắn của một khách hàng là bao nhiêu mệt mỏi chợt tan biến.

Trải qua bao thăng trầm, trong cuộc họp gần đây nhất vào tháng 8/2023, những chuyên gia từng nghi ngại sự tan rã của mô hình rau hữu cơ Trác Văn đã phải thốt lên những lời khâm phục trước sự quyết tâm tha thiết xin gắn bó với nông nghiệp hữu cơ của những người nông dân nơi đây, dù thời gian với bao nhiêu vất vả đã khiến gương mặt họ thêm khắc khổ, đen sạm.

Và đến nay, Trác Văn đã có sự chuyển mình trên chính cánh đồng chiêm trũng của quê hương. Thật sự nể phục và chia sẻ với những khó nhọc, vất vả của những nông dân nhỏ bé, yếu thế đang quyết tâm bám ruộng sản xuất tạo ra những sản phẩm dù chưa được đẹp, chưa được chuyên nghiệp, nhưng lành và chất thật sự.

Huyền Trang

BOX 1:

Sau nhiều năm phát triển từ diện tích thí điểm ban đầu, đến nay, HTX nông nghiệp Trác Văn đã xây dựng và mở rộng diện tích lên 7 ha rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn PGS. Mỗi tháng, HTX xuất ra thị trường 2,5 - 3 tấn rau hữu cơ các loại. So với trồng ngô, trồng lạc, hiệu quả kinh tế từ trồng rau hữu cơ cao gấp 7 - 8 lần. Đồng thời, thị trường tiêu thụ cũng ổn định, thương hiệu rau hữu cơ Trác Văn được nhiều người biết đến.

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/tran-tro-giac-mo-xanh-tren-canh-dong-huu-co-1097625.html