Trăn trở của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - người đề xuất ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam

'Những năm 1980, đời sống giáo viên rất khó khăn, tôi suy nghĩ, ngành giáo dục phải tìm kiếm động lực tinh thần để động viên giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Và đó là nguyên nhân ra đời ngày Nhà giáo Việt Nam', PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.

Hơn 40 năm qua, ngày 20/11 được chọn làm ngày Nhà giáo Việt Nam. Tuy nhiên, ít người biết được bối cảnh ra đời của ngày lễ hết sức ý nghĩa này.

Để hiểu hơn về ngày lễ ý nghĩa này, PV báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Đặc biệt, thầy Nhĩ chính là người đề xuất lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ngày Nhà giáo Việt Nam được ra đời như thế nào?

Thầy Trần Xuân Nhĩ chia sẻ: "Năm 1981, tôi được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình điều động từ Trường ĐH sư phạm Quy Nhơn ra làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Khi đó, Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp còn chưa nhập lại thành Bộ GD&ĐT như ngày nay. Tôi được phân công phụ trách mảng cơ sở vật chất và chăm lo đời sống của giáo viên. Chính vì vậy, khoảng thời gian đó, lúc nào tôi cũng suy nghĩ, trăn trở muốn chăm lo, cải thiện đời sống giáo viên thì cần phải làm gì?

Những năm 1980, khi đất nước đã thống nhất nhưng đời sống nhân dân còn rất khó khăn, ngành giáo dục cũng trong tình cảnh khó khăn chung đó nhưng tất cả giáo viên đều cố gắng hết sức để thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Dù khó khăn đến mấy cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt".

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục.

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục.

Nhận thấy tinh thần đáng quý đó của giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã gặp và giao tôi phụ trách việc chăm lo đời sống giáo viên thì có cách gì để giáo viên trụ vững để vượt qua khó khăn. Tôi nghĩ rằng, muốn cải thiện đời sống giáo viên thì trước hết phải cải thiện tiền lương. Tuy nhiên, trong lúc nền kinh tế còn đang khó khăn chung như vậy, việc đề xuất tăng lương là không khả thi. Và rồi, tôi suy nghĩ, ngành giáo dục phải tìm kiếm động lực tinh thần để động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Với cương vị là Thứ trưởng Bộ Giáo dục, tôi đã nghiên cứu lịch sử ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo và thấy rằng đây là nguồn cội động lực tinh thần mà ngành giáo dục nên tận dụng và phát huy. Tôi đã báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình về suy nghĩ của mình và đề xuất: Tuy ngày 20/11 - ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo đã kết thúc do Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng nó đã hoàn thành nhiệm vụ của mình từ cuối những năm 1970, nhưng ở Việt Nam tinh thần của Bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương, vẫn được ngành giáo dục và toàn xã hội quan tâm thực hiện.

Hàng năm ngành giáo dục đào tạo và nhân dân vẫn chào đón ngày 20/11 như một trong các ngày truyền thống lớn của cả nước. Nên chăng Bộ Giáo dục cùng với Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp làm tờ trình lên Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đề nghị lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam, để rồi hằng năm tổ chức để động viên các thầy cô giáo, coi đây là động lực tinh thần tiếp sức cho ngành giáo dục.

Đề xuất này của tôi được Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đồng ý và giao tôi chủ trì trao đổi với các bộ, ngành liên quan, với Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Sau khi có sự đồng thuận của các bên, soạn thảo văn bản, tờ trình gửi Hội đồng Bộ trưởng xem xét phê chuẩn.

Thể theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của các tổ chức như Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Hội đồng Bộ trưởng nhất trí và đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ký, quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tôi là người đề xuất nhưng quan trọng là người quyết định. Bộ trưởng là người đồng ý trình lên trên và người quyết định cuối cùng là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc bấy giờ ông là Phó Chủ tịch tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông đã ký quyết định đó.

Từ năm 1982 đến nay, mỗi khi đến ngày 20/11, nhà giáo luôn là đối tượng được tôn vinh, được tặng hoa, tặng quà nâng cao tinh thần để cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, làm tốt nhiệm vụ dạy và học. Tôi nghĩ rằng ngày 20/11 sẽ là ngày vĩnh viễn đối với ngày của người giáo viên – ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày mà toàn xã hội hội quan tâm đến giáo dục, quan tâm tới thầy cô để giáo viên có động lực phát triển nghề nghiệp.

Vai trò và vị trí người thầy vô cùng quan trọng

Theo thầy Trần Xuân Nhĩ, vai trò và vị trí người thầy vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện đội ngũ giáo viên trên cả nước còn thiếu gần 120.000 giáo viên và xu thế thiếu chắc chắn sẽ tăng lên với các lý do như dân số tăng, đô thị hóa tăng, đời sống của giáo viên thấp nên nhiều giáo viên bỏ việc… do vậy cần tìm giải pháp để lương giáo viên được tăng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thầy Nhĩ cho rằng, hiện nay, nhà giáo vẫn chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy rất nhiều giáo viên không thể lo được đầy đủ cho cuộc sống của họ đồng nghĩa với việc họ khó mà tận tâm tận lực làm việc và cống hiến. "Để giáo viên có mức lương tạm đủ sống thì ít nhất thu nhập của họ cần tăng lên gấp đôi so với mức lương quy định hiện nay. Theo tôi, cần tăng thêm những khoản phụ cấp như: phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên hay phụ cấp đặc biệt khi sinh viên theo học ngành sư phạm. Đặc biệt, những vùng khó khăn thì phải có phụ cấp vùng miền. Tất cả cộng lại thì giáo viên mới có thể có mức lương cao để giáo viên toàn tâm toàn ý cho giáo dục".

"Để giáo dục đạt được tốt, người giáo viên phải đem hết sức mình phục vụ sự nghiệp với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu. Vì học sinh mà mình tận tụy, mình dạy dỗ. Thời đại ngày nay người giáo viên phải học, tự học và học suốt đời, luôn luôn nâng cao trình độ của người giáo viên.

Trước đây, giáo viên đâu có học công nghệ thông tin, bây giờ phải dạy online nên nhà giáo cũng phải đổi mới để trở thành người thầy 4.0. Hay trong chương trình đổi mới giáo dục, đối với môn tích hợp đa phần giáo viên trước đây không được đào tạo tích hợp nên bây giờ giáo viên phải biết tự học và cố gắng nâng cao trình độ để đáp ứng với yêu cầu đề ra.

Đối với cán bộ quản lý ngành giáo dục cần quan tâm giải quyết những vấn đề mà hiện nay đang bị nghẽn, bị ách tắc như: làm sao có đủ giáo viên để phục vụ giảng dạy, làm thế nào để giáo viên có thể nâng cao trình độ để dạy tốt chương trình mới, đặc biệt là các môn tích hợp; làm thế nào để đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tìm nguồn chăm lo đời sống cho giáo viên. Đối với hệ thống các trường đại học học, làm thế nào nhanh chóng đưa vấn đề tự chủ vào trong các trường đại học… Đó là những vấn đề tôi thấy trong thời gian sắp tới cần phải làm.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi xin gửi lời chúc tới tất cả các thầy cô giáo trên mọi miền đất nước sức khỏe dồi dào, học tập tiến bộ để phục vụ học sinh ngày một tốt hơn".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tran-tro-cua-pgsts-tran-xuan-nhi-nguoi-de-xuat-ngay-20-11-la-ngay-nha-giao-viet-nam-169231120082508663.htm