Trấn Thành bị suy tĩnh mạch: nguy hiểm ra sao?

Ngay sau khi Trấn Thành chia sẻ lý do ít xuất hiện trong các chương trình truyền hình do bị suy tĩnh mạch, đã xuất hiện những tin đồn anh có nguy cơ tàn phế nếu tiếp tục đứng lâu trên sân khấu. Chúng tôi ghi nhận ý kiến chuyên gia để làm rõ hơn mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.

Nghỉ ngơi vì sức khỏe lên tiếng

2023 dường như là “năm xui tháng hạn” của MC - nghệ sĩ Trấn Thành, khi anh liên tục vướng thị phi. Ồn ào xoay quanh phát ngôn “hào quang rực rỡ” còn chưa lắng thì mới đây dư luận tiếp tục chia phe tranh cãi quan điểm làm phim của Trấn Thành “không hợp vai thì diễn dở”. Từ việc này, trên một số diễn đàn mạng xuất hiện tin đồn anh đã bỏ nghề dẫn chương trình để chuyển sang làm phim vì chứng bệnh suy tĩnh mạch có nguy cơ gây tàn phế nếu tiếp tục đứng lâu trên sân khấu.

Tin đồn này khởi phát từ chia sẻ trước đó của Trấn Thành về lý do ít xuất hiện trong các chương trình truyền hình thời gian qua. Theo đó, anh cho biết đang bị giãn tĩnh mạch ở chân và bác sĩ khuyến cáo hạn chế hoạt động: “Tôi đang ở độ tuổi chọn lọc chương trình để tham gia, bởi không phải chương trình nào mình cũng có đủ thời gian theo được. Chưa kể, chủ trương năm nay của tôi là làm phim nhiều nên tôi vừa làm đạo diễn, sản xuất cho phim chính của mình là Mai hay những phim mình đầu tư như Đất rừng phương Nam...

Tôi muốn nghỉ ngơi vì thấy sức khỏe của mình đang lên tiếng, nên tôi sẽ ưu tiên tham gia những chương trình mang đến thông điệp cho xã hội. Mọi người sẽ thấy tôi ít xuất hiện chứ các nhà tổ chức lúc nào cũng ưu tiên và đặt lời mời tôi đầu tiên…”.

Tạo hình nhân vật bác Ba Phi của Trấn Thành trong 'Đất rừng phương Nam'. Ảnh: poster phim Đất rừng phương Nam.

Ai dễ bị suy tĩnh mạch?

PGS-TS-BS. Nguyễn Hoài Nam (Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM) cho biết, suy tĩnh mạch có thể xảy ra tại bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể nhưng ở tay ít gặp hơn ở chân vì hệ thống tĩnh mạch chi dưới dài và phức tạp hơn, chịu ảnh hưởng của trọng lực nhiều hơn.

“Máu di chuyển trong lòng tĩnh mạch theo chiều từ nông vào sâu, từ dưới lên trên nhờ hệ thống van mở ra khi máu đi về trung tâm, đóng lại không cho máu chảy ngược, và lực hút do hoạt động của cơ hoành, của tim, áp lực âm vùng trung thất cùng lực đẩy do hoạt động của hệ thống cơ... Khi máu trở về tim khó khăn, do các van tĩnh mạch hư hỏng hoặc tĩnh mạch tắc nghẽn, sẽ gây ra tình trạng ứ trệ tuần hoàn làm nặng chân, phù chân… đó là lúc bệnh nhân được chẩn đoán suy tĩnh mạch”, BS. Nam giải thích.

Những người có tiền sử gia đình bị suy tĩnh mạch có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác (yếu tố di truyền). Nữ thường bị nhiều hơn nam do ảnh hưởng nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch… Đáng chú ý, những người có nguy cơ cao thường là những người phải đứng lâu hoặc ngồi lâu mỗi ngày như nhân viên văn phòng, tài xế, nội trợ, nhân viên bán hàng, người dẫn chương trình, người thường xuyên mang giày cao gót hoặc giày chật, người từng trải qua phẫu thuật sản khoa và niệu khoa, chân bị bó bột, bất động lâu trong ngày... Tăng trọng quá mức cũng là yếu tố nguy cơ vì lực tác động từ phía trước để hút máu về bị giảm và các dòng trào ngược ly tâm phát sinh do gia tăng áp lực từ ổ bụng. Những bệnh nhân có chế độ ăn kiêng nhiều chất bột, ít chất xơ hay bị táo bón cũng rất dễ bị suy tĩnh mạch…

Những dấu hiệu cần cảnh giác

PGS-TS-BS. Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: minhanhhospital

Theo BS. Nam, các triệu chứng ban đầu của suy tĩnh mạch thường chỉ là cảm giác nặng chân, mỏi chân, phù nhẹ khi phải đứng nhiều, “chuột rút” vào buổi tối… Do đó, người bệnh dễ nghĩ không mấy nghiêm trọng, ít ảnh hưởng đến cuộc sống nên không đi khám. Đôi khi có đi khám nhưng bác sĩ không kiểm tra kỹ và bỏ qua các triệu chứng của bệnh. Hơn nữa, những triệu chứng này lại dễ nhầm lẫn với các bệnh lý xương khớp nên không ít bệnh nhân điều trị ở các thầy thuốc về chuyên khoa xương khớp trong thời gian dài trước khi phát hiện ra bệnh suy tĩnh mạch.

Bệnh nhân suy tĩnh mạch có thể gặp nhiều biến chứng khác nhau. Trước tiên là các biến chứng về rối loạn huyết động học: chân bệnh nhân sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, đêm hay bị “chuột rút”… Về sau, các triệu chứng nặng dần, xuất hiện các mảng rối loạn dinh dưỡng trên da, các tĩnh mạch giãn dần, nổi ngoằn ngoèo, có thể có những đợt viêm tắc tĩnh mạch với các triệu chứng nhiễm trùng toàn thân như sốt cao, chân nóng sưng đỏ, môi khô, lưỡi dơ, tĩnh mạch bị viêm đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ, bên trong lòng xuất hiện những cục thuyên tắc cứng...

Giai đoạn cuối cùng có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, các tĩnh mạch giãn rất lớn, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị. “Cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng vô cùng nguy hiểm, có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời”, BS. Nam lưu ý.

Đứng lâu dẫn chương trình được cho là nguyên nhân làm Trấn Thành bị suy tĩnh mạch ở chân. Ảnh: T.A.T

Điều trị cách nào?

BS. Nam cho biết, suy tĩnh mạch chi dưới nếu được chẩn đoán đúng và điều trị sớm thì có thể khỏi hoàn toàn. Những trường hợp điều trị lâu năm mà không khỏi là do không tuân thủ đúng chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa hoặc không thay đổi chế độ làm việc, lối sống và tạo thói quen tập thể dục mỗi ngày.

Hiện có một số phương pháp điều trị chính nhằm kiểm soát hay chặn đứng sự trào ngược, loại bỏ trào ngược từ các tĩnh mạch nhánh và từ các mạch nối, cuối cùng là ngăn ngừa sự tràn ngập mô kẽ do dịch thấm ra từ các vi quản. Điều trị thường bắt đầu bằng phương pháp phòng ngừa nhằm tăng cường lưu thông máu, bằng cách: kê chân cao khi nằm nghỉ, luyện tập cơ, tránh đứng hay ngồi lâu, băng ép (do thầy thuốc thực hiện) hoặc mang vớ y khoa (có hiệu quả hơn băng ép vì dễ sử dụng và lực ép lên thành tĩnh mạch cũng đều hơn, giúp chữa bệnh rất tốt nếu sử dụng ngay từ khi có những dấu hiệu đầu tiên), giảm cân nặng, tập hít thở sâu, chế độ ăn uống nhiều chất xơ…

Điều trị nội khoa với các thuốc làm bền thành mạch, chống phù, chống đông máu… Tuy nhiên phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu. Nếu bệnh đã ở mức độ nặng, bệnh nhân có thể được điều trị bằng các phương pháp ngoại khoa như phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch bị suy giãn, sử dụng laser để hủy các tĩnh mạch suy giãn, tiêm các loại thuốc gây xơ tĩnh mạch…
Phẫu thuật với hai phương pháp chính: lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn (Stripping) hoặc lấy các đoạn tĩnh mạch bị giãn của hệ thống xuyên (Muller). Điều trị khá triệt để, thường không gây biến chứng và có tỷ lệ tái phát rất thấp. Người ta còn áp dụng phương pháp làm lạnh với nitơ lỏng âm 90 độ C để làm nghẹt lòng tĩnh mạch qua một ống thông trong lòng tĩnh mạch, tuy nhiên có tỷ lệ tái phát đến 30%. Hiện nay sử dụng laser và sóng điện cao tần là những khuynh hướng hiện đại để điều trị suy tĩnh mạch với kết quả khá tốt.

“Điều trị bệnh suy tĩnh mạch đòi hỏi sự kết hợp giữa dùng thuốc, phẫu thuật và tập vật lý trị liệu. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là phòng bệnh. Điều này đơn giản hơn bạn tưởng: tránh béo phì, tránh đứng hoặc ngồi lâu, tránh táo bón, hít thở sâu và tập thể dục thường xuyên để làm tăng sức bền của thành mạch máu, uống nhiều nước, ăn các thức ăn giàu vitamin, nhiều chất xơ, kê chân cao khi nằm nghỉ…”, BS. Nam cho biết.

Hữu Đức - Anh Tuấn

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tran-thanh-bi-suy-tinh-mach-nguy-hiem-ra-sao-40875.html