Trận lụt lịch sử đã tàn phá Dubai thế nào?

Trận mưa lớn nhất trong lịch sử đã nhấn chìm nhiều thành phố lớn của UAE trong biển nước và có thể thấy rõ thiệt hại từ không gian.

Theo CNN, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), trong đó có thành phố Dubai đã hứng chịu trận mưa lớn nhất kể từ khi nước này bắt đầu thu thập dữ liệu năm 1949. Lượng mưa trút xuống Dubai trong 24 giờ tương đương gần hai năm, khiến thành phố này ngập trong biển nước, cả đô thị hiện đại gần như tê liệt trong nhiều ngày.

Trận lũ lớn do mưa kéo dài gây thiệt hại đến mức có thể thấy rõ các vùng bị ngập ở Dubai từ không gian dù mưa đã dừng được nhiều ngày.

Cũng theo CNN, vùng chịu thiệt hại nặng nhất trong trận lũ vừa qua ở Dubai nằm ở phía đông và phía bắc của thành phố. Tổng lượng mưa được ghi nhận từ 100 mm đến 200 mm, một khu vực lượng mưa lên đến 250 mm.

Các phương tiện di chuyển trên một tuyến đường còn ngập nước ở Dubai, UAE ngày 18/4. Ảnh: AP)

Theo các chuyên gia nước lũ lên nhanh và rút quá chậm là nguyên nhiên khiến nhiều vùng ở UAE chưa thoát khỏi cảnh bị ngập lụt.

Ảnh thám không do vệ tinh Landsat 9 của NASA và Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ chụp ngày 19/4 cho thấy khu vực Jebel Ali nằm ở phía nam Dubai trước và sau trận lũ có sự khác biệt rõ ràng với nhiều mảng xanh - vùng nước vẫn chưa rút, còn vùng màu vàng là khu vực đất cao và khô ráo.

Ảnh vệ tinh Dubai trước và sau trận mưa lịch sử. (Ảnh: NASA)

Chưa đầy hai ngày sau khi tạnh mưa, vệ tinh Landsat 9 đã bay qua UAE vào thứ Sáu, ngày 19/4 và chụp được hình ảnh những vũng nước lũ lớn kéo dài. Vệ tinh thu thập hình ảnh chi tiết về bề mặt Trái đất và được vận hành bởi NASA và Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ.

Landsat 9 cũng ghi lại hình ảnh ngập lụt ở thủ đô Abu Dhabi với những vùng ngập nhỏ, nông có màu xanh nhạt. Các vùng ngập diện rộng và sâu hơn có màu xanh đậm.

Ảnh vệ tinh cũng cho thấy nhiều vùng ở UAE vẫn khá ẩm ướt do mưa kéo dài dù chúng ở vị trí khá cao và không bị ngập lụt.

Hình ảnh vệ tinh chụp thủ đô Abu Dhabi trước (trái) và sau (phải) trận lụt lịch sử. (Ảnh: NASA)

Mặc dù các bức ảnh vệ tinh không thể ghi lại toàn bộ thiệt hại từ trận lũ lịch sử ở UAE nhưng chúng vẫn cung cấp cho các chuyên gia các thông tin quan trọng về địa hình trong khu vực trước những thay đổi bất thường của thời tiết.

Theo CNN, mưa lớn ở UAE có liên quan đến cơn bão đi qua Bán đảo Ả Rập và di chuyển qua Vịnh Oman trước đó. Hoàn lưu bão cũng gây ra mưa lớn Oman.

Những hiện tượng thời tiết bất thường như trận mưa ở UAE vừa qua ngày càng phổ biến hơn ở Trung Đông. Điều này có tác động một phần đáng kể đến từ biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Ở một mặt khác UAE và nhiều quốc gia Trung Đông thiếu cơ sở hạ tầng để đối phó với mưa lớn dẫn đến lũ trên diện rộng.

Trà Khánh (Nguồn: CNN)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tran-lut-lich-su-da-tan-pha-dubai-the-nao-ar866931.html