Trận địa S-400 Nga ở Crimea ra sao sau khi bị Ukraine tập kích?

Hình ảnh mới công bố cho thấy các vụ nổ sau đòn tập kích của Ukraine và ít nhất 3 xe bệ phóng S-400 Nga bị phá hủy tại sân bay Dzhankoy trên bán đảo Crimea. Tuy nhiên đây là các thông tin nguồn mở, phía Nga chưa lên tiếng xác nhận vụ việc.

S-400 là một trong những hệ thống phòng thủ chủ đạo trong lưới lửa phòng không đa tầng của Nga, "rồng lửa" này cũng được Nga triển khai tại bán đảo Crimea để bảo vệ những mục tiêu quan trọng trong đó có sân bay quân sự Dzhankoy.

Video được công bố hôm 17/4 cho thấy hàng loạt vụ nổ lớn xảy ra rạng sáng cùng ngày ở sân bay quân sự Dzhankoy, phía bắc bán đảo Crimea.

Tài khoản ZSU-War ủng hộ quân đội Ukraine trên Telegram nói rằng cuộc tập kích diễn ra theo hai đợt.

Mở đầu là đòn đánh nhằm vào trận địa tên lửa phòng không S-400, phá hủy ba xe chở đạn kiêm bệ phóng và một đài radar. (Các xe bệ phóng bị phá hủy và hư hại trong ảnh công bố hôm 17/4).

Đợt tấn công thứ hai nhằm vào cơ sở sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị tại sân bay, nhưng không rõ mức độ thiệt hại.

Natalia Humeniuk, người phát ngôn Bộ tư lệnh Tác chiến miền Nam quân đội Ukraine, tuyên bố sân bay Dzhankoy là mục tiêu hợp pháp nhưng không nêu chi tiết về cuộc tấn công.

"Nga thường xuyên di chuyển khí tài giữa các khu vực để đối phó nguy cơ tập kích, nhưng không phải lần nào cũng thành công", bà nói.

Rybar, tài khoản ủng hộ quân đội Nga với hơn một triệu người theo dõi trên Telegram, nói rằng Ukraine đã sử dụng hơn 10 tên lửa đạn đạo ATACMS trong đòn tập kích.

Hiện Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin. Mảnh vỡ được cho là của tên lửa ATACMS.

Sân bay Dzhankoy nằm cách tiền tuyến hơn 140 km, là sân bay quân sự và đầu mối hậu cần quan trọng của Nga trên bán đảo Crimea. Dữ liệu nguồn mở cho thấy ít nhất 12 trực thăng vũ trang Ka-52 và Mi-28, cùng 4 cường kích Su-25 triển khai ở căn cứ này hồi tháng trước.

Tuy nhiên, chưa rõ có phi cơ nào bị hư hại trong đòn tập kích ngày 17/4 hay không, do có thông tin Nga đã di chuyển các trực thăng từ Dzhankoy đến sân bay Kirovski ở phía đông Crimea trước đó.

S-400 do phòng thiết kế của tập đoàn Almaz-Antey (Nga) phát triển, đây là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa đất đối không S-300.

Hệ thống này được tích hợp radar đa chức năng chống nhiễu, hệ thống phát hiện và ngắm bắn tự động, tên lửa phòng không, bệ phóng và trung tâm chỉ huy điều khiển.

Bán kính đánh chặn của S-400 là 400km và nó có khả năng theo dõi và tiêu diệt tất cả các mục tiêu trên không hiện tại, bao gồm cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.

Khả năng phát hiện đa mục tiêu, cự ly phát hiện lớn, và có khả năng tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc khiến S-400 là sát thủ canh bầu trời tại nơi mà nó được triển khai.

Một khẩu đội hệ thống tên lửa phòng không S-400 có thể thiết lập một khu vực phòng không với chu vi lên đến 800 km.

S-400 có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.

Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút.

Đạn tên lửa có thể tiêu diệt tất cả các mục tiêu xuất hiện trên không bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.

Với những tính năng vượt trội, S-400 được đánh giá là một trong những vũ khí phòng không hàng đầu thế giới.

Ngoài Nga thì Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã biên chế hệ thống phòng không S-400 tối tân này.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tran-dia-s-400-nga-o-crimea-ra-sao-sau-khi-bi-ukraine-tap-kich-post573739.antd