Trạm Vũ trụ Quốc tế ra sao nếu không có sự tham gia của Nga?

Các lệnh trừng phạt kinh tế có thể khiến Nga dừng hợp tác trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy.

Trong hai thập kỷ, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) - vệ tinh nhân tạo lớn nhất thế giới - là biểu tượng của chiến thắng ngoại giao giữa Nga và Mỹ, thường được tách biệt với những căng thẳng trên Trái Đất.

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine tạo ra sự thay đổi đáng kể giữa hai đối tác lớn trong ISS.

Theo ông Dmitry Rogozin - người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, các lệnh trừng phạt có thể làm gián đoạn hoạt động của những tàu Nga phục vụ cho ISS. Ông nhấn mạnh việc khôi phục quan hệ bình thường với các đối tác trên trạm vũ trụ này chỉ được thực hiện khi phương Tây hoàn toàn dỡ bỏ lệnh trừng phạt, theo Guardian.

 Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Ảnh: Quartz.

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Ảnh: Quartz.

Nga có thể rút khỏi trạm vũ trụ không?

Joanne Gabrynowicz, một giáo sư chuyên về luật không gian, cho biết các thỏa thuận điều chỉnh ISS yêu cầu một đối tác khi muốn rút khỏi phải có sự đồng thuận từ các đối tác khác. Nếu không có sự cho phép đó, họ sẽ vi phạm thỏa thuận.

Các bên cần phải thảo luận vì trạm vũ trụ được thiết kế để phụ thuộc lẫn nhau. “Nếu Nga chỉ đơn giản nói 'chúng tôi đang rút khỏi', điều đó có thể dẫn đến hành động pháp lý và ngoại giao, nhưng vấn đề về các khía cạnh kỹ thuật, tính toàn vẹn của trạm vũ trụ, khả năng tồn tại, tính bền vững sẽ phải được giải quyết bởi những đối tác còn lại”, ông Gabrynowicz nói.

Thiếu Nga, ISS có 'hạ màn'?

Nếu Nga từ chối tham gia vào ISS, đối tác còn lại có thể giữ cho trạm vũ trụ vận hành ổn định, nhưng điều đó có thể mất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức.

Việc vận hành ISS đòi hỏi sự kết hợp của cả hai cường quốc không gian. Trong gần một thập kỷ từ khi tàu con thoi ngừng hoạt động, các phi hành gia của Mỹ chỉ có thể đến ISS và trở về Trái Đất trên tàu vũ trụ Soyuz.

Bên cạnh đó, các bộ phận do Nga và NASA chế tạo cũng được kết nối chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau. Bộ phận do Nga chế tạo phụ thuộc vào điện năng từ các tấm pin mặt trời của Mỹ, trong khi toàn bộ trạm vũ trụ phụ thuộc vào thiết bị của Moscow để điều chỉnh quỹ đạo, né tránh các mảnh vỡ trong không gian, theo New York Times.

Hiện nay, NASA đã có thể dùng tàu vũ trụ Dragon của Space X để tiếp cận và vận chuyển hàng hóa đến trạm vũ trụ, nhưng con tàu này không có khả năng nâng ISS. NASA cho biết công ty này vẫn đang nghiên cứu có thể làm gì để giữ trạm ổn định, theo Quartz.

Vì vậy, trong nhiều năm, cả NASA và Nga hướng tới một thỏa thuận chung. Theo đó, tàu vũ trụ Dragon sẽ đưa các phi hành gia đến trạm vũ trụ, và ngược lại, các phi hành gia Mỹ sẽ có chỗ trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Từ trước khi xung đột nổ ra ở Ukraine, Mỹ đã lên kế hoạch dài hạn để thay thế ISS bằng các trạm vũ trụ thương mại. Vào ngày 6/4, công ty hàng không vũ trụ thương mại Mỹ Axiom Space dự kiến lần đầu tiên đưa 4 phi hành gia lên ISS.

Đây là một bước quan trọng để Axiom Space xây dựng module riêng trên trạm vũ trụ quốc tế. NASA sẽ chi 100 triệu USD để hỗ trợ dự án này và các dự án tương tự trong năm nay.

Tuy nhiên, NASA vẫn muốn thu lợi nhuận từ khoản đầu tư vào trạm vũ trụ và Nga có nhiều động lực để tiếp tục hợp tác. Phần lớn công việc của họ là cung cấp và vận hành ISS, nếu không có điểm đến, không rõ Nga sẽ làm gì với tàu vũ trụ Soyuz và Progress.

Rất ít nhà phân tích tin rằng Nga có nguồn lực tài chính và cách thức để khởi động một trạm vũ trụ riêng trong thập kỷ tới. Nước này cũng không thể tiếp cận trạm vũ trụ mới của Trung Quốc từ các điểm phóng hiện tại.

Do đó, ông Gabrynowicz nhận định ISS có thể sẽ trở thành một điểm hòa giải thứ hai.

Hải Linh - Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tram-vu-tru-quoc-te-ra-sao-neu-khong-co-su-tham-gia-cua-nga-post1307392.html