Trạm Tấu đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa

Từ các nguồn hỗ trợ, nhiều người dân huyện Trạm Tấu mạnh dạn đầu tư, mở rộng chuồng trại, đàn vật nuôi theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, phát huy lợi thế về con giống bản địa đặc sản, nhiều mô hình nuôi gà đen, lợn bản địa đã mang lại giá trị, nguồn thu nhập cao cho người dân.

Mô hình nuôi gà đen theo hướng hàng hóa của gia đình chị Đồng Thị Thanh Giang, thôn Hát 1, xã Hát Lừu.

Mô hình nuôi gà đen theo hướng hàng hóa của gia đình chị Đồng Thị Thanh Giang, thôn Hát 1, xã Hát Lừu.

Nhận thấy giống gà đen bản địa mang lại giá trị, nguồn thu cao và ổn định, gia đình chị Đồng Thị Thanh Giang, thôn Hát 1, xã Hát Lừu đã học hỏi, tìm tòi kỹ thuật nhân giống và chăm sóc. Sau nhiều năm phát triển, đến nay, gia đình chị Giang được biết đến là một trong những mô hình nuôi gà đen hàng hóa lớn nhất huyện.

Chị Giang cho biết: "Nuôi gà đen đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh khó khăn, tỷ mỉ hơn nhưng giá trị lại cao hơn. Hiện tại, gia đình tôi đang duy trì khoảng 500 con gà/lứa; trong đó, hơn nửa là giống gà đen. Sau 5 - 6 tháng nuôi, mỗi con gà đen đạt trọng lượng trên dưới 2 kg, bán ra thị trường với giá từ 160.000 - 170.000 đồng/kg”. Được biết, cùng với nuôi gà đen, chị Giang còn duy trì khoảng 30 con lợn bản địa, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Gia đình anh Giàng A Dê, bản Sáng Pao, xã Xà Hồ vốn là hộ nghèo có thâm niên tại địa phương. Năm 2021, gia đình anh được hỗ trợ 30 triệu đồng theo chương trình Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh về hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa. Có vốn, anh Dê quyết định mua trâu, bò về nuôi nhốt theo phương thức bán chăn thả. Riêng trong mùa đông, anh sửa sang lại chuồng trại, dự trữ thức ăn để nuôi nhốt hoàn toàn, tránh cho trâu, bò không bị chết rét trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

"Từ những con giống ban đầu, nhờ chăm sóc, phòng bệnh cẩn trọng nên mỗi năm gia đình tôi có thêm từ 2 - 3 con trâu, bò, còn lại thì bán giống cho các hộ trong xã và có thu nhập gần 70 triệu đồng/năm. Đến cuối năm 2022, gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo” - anh Giàng A Dê cho biết.

Theo ông Chớ A Sinh - Phó Chủ tịch UBND xã Xà Hồ, từ chương trình Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, trên địa bàn xã đã có hơn 30 hộ được hỗ trợ vốn phát triển các mô hình chăn nuôi hàng hóa như: nuôi trâu, bò, lợn nái, lợn thịt, chăn nuôi gia cầm… Năm 2023, trong xã có gần 50 hộ dân thoát nghèo, chủ yếu là từ phát triển chăn nuôi hàng hóa.

Trạm Tấu là huyện vùng cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông; hoạt động chăn nuôi còn nhỏ lẻ, tự phát nên hiệu quả chưa cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật, kiến thức chăn nuôi và nguồn vốn cho người dân. Đặc biệt, từ năm 2021, sau khi Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh được triển khai, huyện Trạm Tấu đã xây dựng được hàng trăm mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Trong năm 2023, toàn huyện đã triển khai hỗ trợ cho 70 cơ sở và 3 tổ hợp tác chăn nuôi hàng hóa với tổng kinh phí 1,635 tỷ đồng. Qua đánh giá cho thấy, việc triển khai Nghị quyết 69 đã làm thay đổi nhận thức của người dân từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao, thu nhập ổn và giúp cho nhiều hộ thoát nghèo bền vững”.

Hà Hùng

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/317557/tram-tau-day-manh-chan-nuoi-theo-huong-hang-hoa.aspx