Trăm năm ngời sáng khí tiết người cộng sản - Kỳ 3: Nhà tù thành trường học cách mạng

Trong chốn tối tăm, tàn ác của ngục tù, các tổ chức đảng trong nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị, tổ chức học chữ, học văn hóa, học tập Di chúc của Bác Hồ... 'Địa ngục trần gian' trở thành trường học cách mạng, tôi luyện lớp lớp đảng viên, quần chúng cách mạng kiên gan bền chí đi đến thắng lợi cuối cùng.

Truyền lửa từ Di chúc Bác Hồ

Đầu năm 1970, tập thể nữ tù chính trị ở Chuồng Cọp, Hầm Đá tổ chức nhiều đợt học tập Di chúc của Bác Hồ. Trong cuốn truyện ký “Một ngày tháng Năm trong Chuồng Cọp”, tác giả, nữ cựu tù Lê Hồng Quân, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng hoạt động trong nội đô Sài Gòn, đã mô tả về sự kiện tổ chức học tập Di chúc của Bác. Lê Hồng Quân lúc ấy bị giam ở Hầm Đá cùng với 13 nữ tù nhân. Bà học thuộc lòng Di chúc của Bác Hồ, chép lại vào một tờ giấy nhỏ rồi nhét vào vắt cơm, các tù nhân trong trại chuyền tay nhau đọc. Nếu chẳng may bị địch phát hiện, tù nhân có thể cho vào miệng nhai, nuốt chửng. Ngày 19-5-1970, trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Bác Hồ, sau khi các nữ tù nhân cùng cất cao các bài hát về Bác, Lê Hồng Quân đã đọc bản Di chúc của Bác khiến các nữ tù ở Hầm Đá lặng đi vì ngạc nhiên, xúc động, càng thêm ý chí đấu tranh cách mạng. Chiều tối hôm ấy, bọn cai ngục tổ chức đàn áp các nữ tù tham gia sự kiện, nhưng phong trào đấu tranh vẫn tiếp tục lan rộng qua các trại khác khiến bọn địch khiếp sợ, đáp ứng một số yêu sách của ta.

 Du khách tham quan Chuồng Cọp ở nhà tù Côn Đảo. Ảnh: ĐÌNH HÙNG

Du khách tham quan Chuồng Cọp ở nhà tù Côn Đảo. Ảnh: ĐÌNH HÙNG

Cựu tù chính trị Trần Thị Phú (quê Chương Mỹ, Hà Tây, nay là Hà Nội) lục lại trí nhớ, cho chúng tôi hay: “Biết tập thể nữ tù chính trị ở Chuồng Cọp, Hầm Đá tổ chức học tập Di chúc của Bác Hồ, bọn cai ngục cay cú lắm. Chúng thường xuyên giở trò như không phát nước cho chị em tắm rửa, vệ sinh cá nhân, không cho đổ thùng cầu, có phòng không cho đổ thùng cầu suốt gần 2 tháng. Chúng giở đủ trò đồi bại khiến nhiều chị em ra tù sống trong tàn tật, tổn thương tinh thần, có người hóa điên hóa dại, di chứng kéo dài, nhiều người không có chồng con”.

Trưởng thành trong chốn lao tù

Ở các trại, các chuồng giam, tù chính trị và tổ chức phong trào luôn ra sức truyền cho nhau kinh nghiệm đối phó với bọn cai ngục. Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa nhiều lần kể chuyện về quãng thời gian ở ngục tù Côn Đảo, những ngày đấu tranh chống lăn tay, chụp hình, bẻ gãy âm mưu thâm độc của kẻ thù nhằm đánh đồng tù chính trị với các đối tượng tù nhân khác, khiến những người yêu nước không có cơ hội trở về. Để chống lại âm mưu này, mỗi ngày bà và các bạn tù đều thấm ướt đầu ngón tay, mài xuống nền xi măng đến độ chảy máu để làm mòn dấu vân tay. Việc chụp hình cũng bị tù chính trị phá bằng cách lè lưỡi, há họng, nhắm mắt đến biến dạng khuôn mặt, khiến bọn địch không thể chụp được hình thật.

Cựu tù Hoàng Thị Khánh, Trưởng ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP Hồ Chí Minh kiêm Trưởng ban liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày, kể về kinh nghiệm được các tù nhân chia sẻ với nhau nhằm đối phó với bọn cai ngục: “Chúng tôi truyền đạt cho nhau nguyên tắc “nhất lý, nhì lỳ, tam suy, tứ tử” với địch trong chống khai thác. “Lý” là phải tạo cho mình một nhân thân giả, một lý do chính đáng để địch không bắt bẻ được. “Lỳ” là phải biết chịu đựng sự tra tấn của kẻ thù, khiến chúng phải dừng khi tra tấn mãi mà không khai thác được gì. “Suy” là phải tỏ ra suy kiệt do bị tra tấn, ít nói để kẻ thù ngại tù nhân chết mà không đánh mạnh tay. “Tử” là lựa chọn cuối cùng nhưng cũng là lựa chọn ngay từ đầu khi chúng tôi ra Côn Đảo, để giữ lấy khí tiết cộng sản”.

Mang chuyện bà Hoàng Thị Khánh kể, tử tù Lê Hồng Tư trải lòng: “Chị Khánh nói đúng đấy”, đồng thời nhấn mạnh “những tử tù, tù nhân Côn Đảo luôn tâm niệm hai việc: “Chống và xây”. “Chống” là chống lại âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù. “Xây” là xây dựng tổ chức vững mạnh. Các hoạt động đấu tranh tạo những dấu ấn, sự kiện để tố cáo địch. Nhiều tù chính trị đã tuyệt thực dài ngày, mổ bụng, tranh nhau hy sinh để đấu tranh giúp phong trào lan rộng trong các trại, buộc chúa đảo, cai ngục phải nhượng bộ, chấp thuận yêu cầu của ta”.

Cựu tù Võ Ái Dân có hơn 8 năm bị giam ở Côn Đảo, hiện sống ở TP Hồ Chí Minh. Ông có chuyến trở lại thăm Di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo năm 2023. Nhớ lại chuyện cũ, ông chia sẻ: “Trải qua những khắc nghiệt, tàn ác chốn lao tù, bản thân tôi và không ít tù nhân đã có lần dao động tư tưởng. Nhưng với vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, nhớ những gương sáng đấu tranh của tù chính trị, lời thề quyết tử trước bao đồng đội đã hy sinh trong xà lim, Chuồng Cọp đã giúp tôi cùng một số đồng chí thức tỉnh, vượt qua gian khổ với tinh thần “Quyết tâm-quyết tử-tự lực-trường kỳ”.

Biểu tượng nắm đấm thép tại Bảo tàng Côn Đảo đại diện cho sự kiên trung và sức mạnh đoàn kết. Ảnh: ĐÌNH HÙNG

Biểu tượng nắm đấm thép tại Bảo tàng Côn Đảo đại diện cho sự kiên trung và sức mạnh đoàn kết. Ảnh: ĐÌNH HÙNG

Cao trào Đồng khởi 1970

Cựu tử tù Trương Thanh Danh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, sinh năm 1939, từng là Chính trị viên Đội võ trang Nguyễn Văn Trỗi, bị địch bắt, tuyên án tử hình rồi đày ra Côn Đảo năm 1967, nhớ lại: “Quá trình biệt giam ở trạm giam Chí Hòa đến những năm tháng ở Côn Đảo, tôi xác định luôn phải lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm của các cựu tù đi trước. Ở Côn Đảo khác với Chí Hòa là khi ra đảo bị đưa vào Chuồng Cọp tra tấn phủ đầu. Nếu tinh thần không vững sẽ đầu hàng hoặc điên loạn. Khi ở Chuồng Cọp, chúng tôi thành lập chi bộ tử hình để quán triệt đồng chí, đồng đội, kể cả tù chống chào cờ chưa phải là đảng viên, phải luôn kiên định, vững vàng, nhất quyết không xin ra khỏi Chuồng Cọp. Chi bộ tử hình khi ấy có 10 đảng viên, chi ủy 3 đảng viên, sinh hoạt đơn tuyến, giữ bí mật rất cao, đã phát huy được đoàn kết, luôn nhắc nhở anh em giữ khí tiết, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ trong tù, liên lạc với các phòng khác để nắm tình hình, tuyên truyền các tin tức, Hiệp định Paris, Nghị định thư trao trả tù chính trị...”.

Cựu tù Lê Tú Cẩm, sinh năm 1948, là vợ của cựu tử tù Trương Thanh Danh, hồi tưởng: Trong số nữ tù bị đày ra Côn Đảo, không thiếu những chị em không biết chữ, kiến thức văn hóa, chính trị rất hạn chế. Bọn cai ngục giám sát rất gắt gao nên việc dạy học chủ yếu tổ chức vào ban đêm hoặc theo từng cụm nhỏ, tùy vào điều kiện sinh hoạt trong tù để bảo đảm bí mật. Nội dung phổ biến học tập là các nghị quyết mới của Đảng, các vấn đề thời sự quan trọng được tổ chức đảng trong nhà tù tiếp nhận qua đường dây liên lạc bí mật, qua radio.

Nếu như bà Phùng Ngọc Anh (quê Gò Quao, Kiên Giang) nổi tiếng với biệt danh “Tiểu long nữ” bắn súng hai tay như một), bà Đoàn Thị Luân (quê Hà Đông, Hà Tây), bà Nguyễn Ngọc Ánh (quê Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) cùng bị địch đưa ra Côn Đảo tháng 11-1969, thì bà Trần Thị Phú bị đày ra “địa ngục trần gian” trước đó 2 tháng. Các bà hồi tưởng, trong năm 1970, còn có một sự kiện chấn động ở Côn Đảo, đó là vào ngày 31-8, hơn 4.000 tù chính trị đã đồng loạt bãi công, chống chào cờ, tạo khí thế đấu tranh rộng khắp, mạnh mẽ. Tên chúa đảo Nguyễn Văn Vệ lúng túng, bọn địch phải kiếm củi, hái rau, dọn dẹp vệ sinh trên đảo. Đến ngày 3-9-1970, toàn thể các trại đều làm lễ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức học tập Di chúc của Người. Bà Phùng Ngọc Anh kể: “Sau này, tù chính trị Côn Đảo gọi đợt đấu tranh tháng 8-1970 là cao trào Đồng khởi chống khổ sai, chống chào cờ, mở màn cho giai đoạn đấu tranh quyết liệt ở tầm cao mới với địch”.

“Tăng cường tuyên truyền ý nghĩa lịch sử của Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo để phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc đến thế hệ trẻ, bạn bè quốc tế; góp phần quan trọng để Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo luôn xứng đáng là địa chỉ đỏ-không chỉ là “trường học cách mạng” của thế hệ cha anh mà còn là nơi truyền lửa sống, thắp sáng lên bầu nhiệt huyết cách mạng giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

(Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu ngày 26-4-2019 tại Nghĩa trang Hàng Dương, nhân Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày công nhận Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo)

(còn nữa)

Ký sự của ĐÌNH HÙNG - TRUNG KIÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/tram-nam-ngoi-sang-khi-tiet-nguoi-cong-san-ky-3-nha-tu-thanh-truong-hoc-cach-mang-764150