'Trăm điều phải có thần linh pháp quyền' - Bài 3: Đổi mới hoạt động giám sát - một giải pháp then chốt

Để thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân giao phó, Quốc hội Việt Nam không ngừng đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Trong đó, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát được xác định là một trong những khâu trọng tâm, then chốt. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ (GS, TS) Thái Vĩnh Thắng, nguyên Chủ nhiệm Khoa Pháp luật Hành chính-Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội xung quanh vấn đề này.

(Tiếp theo và hết)

Vấn đề cấp thiết

Phóng viên (PV): Thưa GS, TS Thái Vĩnh Thắng, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội cần tập trung vào những nội dung gì?

GS, TS Thái Vĩnh Thắng: Xuất phát từ vị trí là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội Việt Nam thực hiện ba chức năng lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước. Có thể nói, tính đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước quyết định phương thức hoạt động của Quốc hội. Do Quốc hội có ba chức năng nên nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội phải tập trung nâng cao hiệu quả ba mặt hoạt động của Quốc hội là: Lập pháp, ra những quyết định liên quan đến các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động giám sát tối cao.

PV: Trong đó, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát có ý nghĩa như thế nào trong việc góp phần kiểm soát quyền lực, bảo đảm việc tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước giai đoạn hiện nay, thưa ông?

GS, TS Thái Vĩnh Thắng: Hiện nay, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội thì việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt. Trong bài viết: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, góp phần kiểm soát quyền lực và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Đổi mới hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng và thực sự cấp thiết trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đề cao vấn đề kiểm soát quyền lực, nhằm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Vấn đề đồng chí Chủ tịch Quốc hội đề cập bắt nguồn từ mục đích thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội, nhằm bảo đảm cho những quy định của hiến pháp và pháp luật được thi hành triệt để, nghiêm chỉnh và thống nhất. Quốc hội giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm cho các cơ quan hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định, bộ máy Nhà nước hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả, chống những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những biểu hiện tiêu cực khác.

GS, TS Thái Vĩnh Thắng.

Xét trên tổng thể, mục tiêu giám sát của Quốc hội thể hiện trên ba khía cạnh. Thứ nhất, bảo đảm cho các quyết định của Quốc hội được thực thi phù hợp với các mục tiêu đề ra. Thứ hai, chống lại sự độc đoán, không công bằng trong quản lý nhà nước để bảo đảm các nguyên tắc pháp quyền và các quy trình thủ tục đề ra được tuân thủ. Thứ ba, chống lại sự tham nhũng, lãng phí và bảo đảm tính hiệu quả trong quá trình thực thi các chính sách.

Ở nhiều quốc gia, chức năng giám sát của Quốc hội/Nghị viện được thực hiện chủ yếu qua các hoạt động và cơ chế tổ chức cụ thể nhằm kiểm soát Chính phủ trong việc thực hiện các quy định của pháp luật. Thông qua kết quả giám sát Quốc hội có thể ra quyết định bãi miễn, bãi nhiệm các chức vụ trong Chính phủ; thậm chí đưa ra quyết định bất tín nhiệm đối với Chính phủ buộc Chính phủ phải giải tán.

Trên bình diện quy trình quản trị quốc gia thì giám sát của Quốc hội liên quan chặt chẽ với việc ban hành pháp luật: Giám sát trước và giám sát sau khi ban hành quyết định. Giám sát trước là để xem xét, cho ý kiến về việc ban hành quyết định (khâu thẩm định các dự luật). Giám sát sau là xem xét đánh giá việc thực hiện quyết định (thực hiện pháp luật).

Với mục đích nhằm bảo đảm việc tuân thủ hiến pháp và pháp luật, giám sát còn nhằm phát hiện những kẽ hở, những quy định chưa phù hợp với thực tiễn đời sống để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc giúp Quốc hội có những quyết định đúng đắn. Giám sát cũng nhằm để nắm tình hình đất nước, thu thập ý kiến công chúng về các chính sách quan trọng của quốc gia để sửa đổi, hình thành các chính sách mới. Giám sát là nguồn kiến nghị lập pháp và là cơ sở kiến nghị quy định về chính sách mới. Trong thời gian qua, hầu hết những vấn đề quan trọng của đất nước được Quốc hội quyết định đều dựa trên những đánh giá, thẩm định thực tế. Những vấn đề quan trọng được thông qua tại Quốc hội cũng chính là nội dung định hướng cho hoạt động giám sát.

Cần có cơ quan chuyên trách giám sát

PV: Theo các báo cáo của Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội còn bộc lộ một số hạn chế như phạm vi giám sát còn rộng, các chương trình, kế hoạch, nội dung giám sát đôi khi còn chưa sát với thực tế. Các cơ quan nhà nước chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa tập trung, xem xét, giải quyết nghiêm túc những vấn đề cơ quan giám sát cảnh báo. Theo ông, cần giải pháp gì để khắc phục hạn chế trên?

GS, TS Thái Vĩnh Thắng: Chức năng giám sát tối cao của Quốc hội là chức năng hiến định. Về mặt lý luận, giám sát tối cao là giám sát Quốc hội tại phiên họp toàn thể và là giám sát đối với các cơ quan nhà nước trung ương. Ngoài giám sát tối cao của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và cơ quan của Quốc hội Việt Nam cũng có thẩm quyền giám sát. Thực tiễn cho thấy các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội như: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội thực hiện quyền giám sát trong một số lĩnh vực có hiệu quả khá cao. Tuy nhiên, nếu Quốc hội có cơ quan chuyên trách về thực hiện chức năng giám sát như Ủy ban giám sát của Quốc hội chẳng hạn thì hiệu quả giám sát sẽ cao hơn rất nhiều so với hiện nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Văn phòng Quốc hội.

Theo tìm hiểu Quốc hội một số nước Bắc Âu như: Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, việc theo dõi và giải quyết đơn thư khiếu nại của các cử tri được giao cho một số ủy ban đặc biệt hoặc cơ quan thanh tra quốc hội. Theo xu hướng này, hoạt động giám sát không còn mang tính chung chung, hình thức mà được thực hiện bởi những tổ chức cụ thể, chuyên trách và chịu trách nhiệm báo cáo thường xuyên trước Quốc hội. Căn cứ điều kiện thực tế của Quốc hội nước ta, để nâng cao hoạt động giám sát về trước mắt cũng như lâu dài, Quốc hội cần nghiên cứu xây dựng các thiết chế hỗ trợ hoạt động giám sát như Thanh tra Quốc hội, Kiểm toán trực thuộc Quốc hội, cơ quan phân tích chính sách… để bảo đảm cho Quốc hội có đầy đủ công cụ tiến hành hoạt động giám sát một cách thực chất, đạt được các mục đích giám sát của Quốc hội về khía cạnh pháp lý và khía cạnh kinh tế. Cần tăng cường các phương tiện trợ giúp giám sát như Kiểm toán nhà nước, các dịch vụ thông tin khoa học và các phương tiện thông tin đại chúng.

PV: Thưa ông, cùng với việc nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội phụ thuộc vào yếu tố nào?

GS, TS Thái Vĩnh Thắng: Hiện nay, có một điều dễ nhận thấy việc thi hành luật đạt hiệu quả không cao là do chất lượng của các văn bản luật còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Nhiều luật của nước ta phải sửa đổi liên tục, thậm chí vừa ban hành đã phải sửa đổi do các lỗi trong văn bản luật, hoặc những quy định phi thực tế, rất khó thực hiện. Như vậy, cùng với nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, cần phải nâng cao chất lượng của hoạt động lập pháp.

Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Văn phòng Quốc hội.

Chất lượng của sản phẩm luật phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm lập pháp và chủ thể tiến hành lập pháp. Thực tế ở nước ta, cũng như nhiều nước khác trên thế giới cơ quan hành pháp được giao thực hiện hầu hết các dự án luật. Tuy vậy, chức năng lập pháp là của Quốc hội, nên việc quyết định nội dung luật như thế nào là công việc của Quốc hội. Quốc hội không “chuyển vai” lập pháp cho Chính phủ để pháp luật luôn luôn phải thể hiện ý chí của nhân dân và là đại lượng của công bằng, công lý. Do vậy, theo tôi, điều quan trọng nhất là nâng cao chất lượng các Ủy ban của Quốc hội. Thành viên các Ủy ban phải là các đại biểu Quốc hội có chuyên môn sâu về lĩnh vực mà Ủy ban phụ trách. Các chuyên gia có chuyên môn trong các Ủy ban không chỉ giúp thẩm định kỹ các dự án luật mà phải chủ động soạn thảo các dự án luật, có quan điểm lập pháp đúng đắn. Điều này là rất cần thiết nhằm bảo đảm tính chất công bằng, công lý, khoa học, hợp hiến, pháp quyền của các văn bản luật.

Bên cạnh đó, cũng cần phải nâng cao chất lượng việc tham vấn, lấy ý kiến các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dự án luật. Thời gian qua, việc này đã được quan tâm hơn. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, việc tham vấn ý kiến các đối tượng khi xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Nhiều ý kiến đóng góp của doanh nghiệp không được quan tâm, không tiếp thu nhưng cũng không giải thích nguyên nhân.

Như vậy, để quá trình tham vấn ý kiến đạt hiệu quả cao, khi đưa các dự án luật ra lấy ý kiến nên đưa cả bản giải trình của cơ quan soạn thảo, để rõ được ý đồ chính sách. Cần nhận thức rõ giá trị của việc tham vấn ý kiến khi xây dựng dự án luật, để nhờ đó các văn bản luật có giá trị cao và ổn định trong thực tiễn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tram-dieu-phai-co-than-linh-phap-quyen-bai-3-doi-moi-hoat-dong-giam-sat-mot-giai-phap-then-chot-726479