Trái ngọt trên một chặng đường văn chương

Theo nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, sáng tạo văn chương là hành trình của mỗi cá nhân. Trên hành trình đó, niềm đam mê và nỗ lực của mỗi cá nhân là yếu tố quyết định.

Các hội viên Chi hội Văn học thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên trong chương trình ra mắt tập tản văn Có hẹn với thanh xuân của tác giả Cao Vĩ Nhánh. Ảnh: YÊN LAN

Trong 3 năm 2021-2023, các tác giả là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đã xuất bản hơn chục tác phẩm, trong đó có 3 tác phẩm được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng, gồm tập truyện ngắn Thiên đường không có tòa án của nhà văn Y Nguyên - giải B, tập thơ Nhớ sông của nhà thơ Huỳnh Văn Quốc - giải khuyến khích (năm 2022) và tập truyện ngắn Bảy ngày của một bà giá của tác giả Nguyễn Thị Bích Nhàn - giải C (năm 2023).

Đây không chỉ là niềm vui của riêng các tác giả đoạt giải, mà còn là niềm vui chung của những người sáng tác văn chương ở Phú Yên.

Tập truyện ngắn Thiên đường không có tòa án được trình làng vào năm 2022, là sự tái xuất của nhà văn Y Nguyên qua những trang sách. Nếu tính kể từ khi anh ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn đầu tay Những đứa con của gió thì tròn 20 năm, còn nếu lấy mốc tập truyện ngắn thứ hai Người không có nơi về ấn hành thì cũng đã gần 2 thập kỷ.

Trong khoảng thời gian khá dài đó, Y Nguyên vẫn đều đặn sáng tác, để rồi tạo dấu ấn bằng 2 tập truyện ngắn ấn hành trong 2 năm: Thiên đường không có tòa án Phố núi mù sương.

Nếu như Phố núi mù sương chất chứa bao thân phận phụ nữ, thì Thiên đường không có tòa án phản ánh những vấn đề phát sinh trong xã hội đương đại. Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc cảm nhận: “Mỗi truyện ngắn trong tập sách của Y Nguyên đều để lại dư ba trong từng tác phẩm. Ở đó, cuộc đời mà không chỉ là cuộc đời. Văn chương mà không chỉ là văn chương. Khép sách lại, người đọc có thể lại mở ra cho mình những câu chuyện khác để tiếp tục suy tư và chiêm nghiệm”.

Năm 2023, khi Y Nguyên có Phố núi mù sương thì vợ anh - cô giáo dạy Ngữ văn Nguyễn Thị Bích Nhàn - ra mắt tập truyện ngắn thứ hai Bảy ngày của một bà giá. Phần lớn truyện ngắn trong tập sách này là những câu chuyện đắng chát về tình yêu, hôn nhân - gia đình. Nhân vật nữ trong tập truyện ngắn của Bích Nhàn mang nỗi đau trong trái tim, và cả những vết thương trên thân thể. Họ khát khao hạnh phúc nhưng đa phần đều không toại nguyện.

Ở mảng văn xuôi, ngoài những tập truyện ngắn kể trên còn có tiểu thuyết Dòng đời trôi - tác giả Mạnh Hoài Nam, tập truyện ngắn Dưới ánh sáng thiên đường - tác giả Phương Trà, tập tản văn Có hẹn với thanh xuân - tác giả Cao Vĩ Nhánh, tập truyện ngắn Kỷ niệm đời anh - tác giả Nguyễn Văn Hiền, tập bút ký Dọc đường gió bụi - tác giả Phan Thế Hữu Toàn và tập bút ký Những ngày ở Đức - tác giả Nguyễn Đắc Hoa. Trong đó, Có hẹn với thanh xuân như một làn gió nhẹ, mát lành.

Tác giả Cao Vĩ Nhánh tự bạch: “Trong những trang tản văn của tôi không ồn ào với lối viết đầy cái “tôi”, không lên gân với nỗi buồn nhân thế. Tôi chọn lối viết nhẹ nhàng, thiên về chất thơ, đôi lúc là những chiêm nghiệm về cuộc sống an nhiên. Những trang viết không khiến độc giả ưu tư hay dằn vặt, ở đó bàng bạc không khí tinh khôi, trong trẻo”.

Ở mảng thơ, nếu như tác giả Lê Hào có tập thơ Mắt cỏ tiếp nối hành trình sáng tạo của anh sau Tấm lòng của cây ra mắt bạn đọc vào năm 2018 thì nhà thơ Huỳnh Văn Quốc ghi dấu ấn bằng tập thơ thứ ba Nhớ sông, sau Vòng tay mẹ (1995) và Hát với luống cày (2006).

Đọc Nhớ sông, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cảm nhận: “Một đặc điểm rất quan trọng trong thơ Huỳnh Văn Quốc là sự giản dị mang tính hiện đại của ngôn từ, của cấu trúc mỗi bài thơ luôn vươn tới tính triết lý của nó. Nhiều câu thơ, nhiều bài thơ của Huỳnh Văn Quốc giản dị như một người ngồi xuống đâu đó và kể lại những gì đã đi qua trong cuộc đời mình.

Chính vậy mà sự chân thành luôn dâng lên mạnh mẽ và tạo ra một vùng tin cậy cho người đọc. Đó là hơi thở của nhà thơ và tiếng dội vang của trái tim nhà thơ. Và điều khởi đầu quan trọng nhất của mọi nhà thơ là viết những câu thơ bởi chính mình và cho chính mình. Và nhà thơ Huỳnh Văn Quốc đã viết những câu thơ như thế”.

Ngoài Mắt cỏ Nhớ sông, phải kể đến tập thơ Nụ cười vắt vẻo của nhà văn Trần Quốc Cưỡng. Tập thơ là tiếng lòng của một tâm hồn đa cảm, đã chứng kiến bao buồn - vui, được - mất giữa dòng đời. Trong tập sách thứ 12 này, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên trải lòng qua những bài thơ lục bát, phía sau nụ cười là biết bao day dứt, suy tư...

Ở cung bậc cảm xúc khác, tập thơ Tình biển của tác giả Bùi Văn Thành, Chi hội trưởng Chi hội Văn học, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, là tiếng lòng của một người con được sinh ra và lớn lên ở miền biển, tha thiết yêu biển, yêu quê hương. Tập thơ Đi về hướng mặt trời của tác giả Lê Tấn Nghĩa được ví như hành trình chinh phục cái đẹp của thi ca, còn tập thơ Em còn yêu mãi của tác giả Hải Sơn như bản tình ca nhẹ nhàng, dung dị.

Ở lĩnh vực nghiên cứu văn nghệ dân gian, tác giả Nguyễn Hoài Sơn, nguyên Phó Giám đốc Sở TT&TT, đã ra mắt công trình nghiên cứu thứ 8: Quyển Tục ngữ, câu đố, ca dao Tây Hòa - Di sản một vùng đất. Qua tập sách này, anh Nguyễn Hoài Sơn tiếp tục cho thấy niềm đam mê nghiên cứu và tâm huyết góp phần gìn giữ, tôn vinh giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Phú Yên nói chung, huyện Tây Hòa nói riêng.

Tác giả Nguyễn Văn Hiền, nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL tiếp tục thể hiện tình yêu quê hương qua công trình nghiên cứu Văn học dân gian huyện Đồng Xuân, sau các công trình nghiên cứu: Thơ ca dân gian Đồng Xuân Văn hóa ẩm thực huyện Đồng Xuân.

TS Nguyễn Định có công trình Ngôn ngữ và thể thơ ca dao Nam Trung Bộ. Đặc biệt, ông đã tổng kết một chặng đường nghiên cứu bằng cuốn sách Văn học dân gian Nam Trung Bộ, hai mươi năm, những tìm tòi và suy nghĩ. Đây là công trình thứ 5 của ông trong hành trình nghiên cứu văn học dân gian Nam Trung Bộ được ấn hành. Cuốn sách được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải 3A vào năm 2022...

Theo nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, những tác phẩm được xuất bản trong 3 năm qua có độ dày về số trang và dày về hàm lượng văn chương, tri thức. Một số tác phẩm đã ghi dấu ấn bằng các giải thưởng. Đó là điều rất đáng mừng.

“Trong thời gian tới, hội tiếp tục tạo “chất xúc tác” cho các hội viên cầm bút bằng những cuộc thi, cuộc vận động sáng tác, những đợt sinh hoạt chuyên môn nhằm kích hoạt ý tưởng sáng tạo, khích lệ hội viên hoàn thành tác phẩm. Tuy nhiên, sáng tạo văn chương là hành trình của mỗi cá nhân. Trên hành trình đó, niềm đam mê và nỗ lực của mỗi cá nhân mới là yếu tố quyết định”, nhà thơ Huỳnh Văn Quốc nói.

Những tác phẩm được xuất bản trong 3 năm qua có độ dày về số trang và dày về hàm lượng văn chương.

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/315348/trai-ngot-tren-mot-chang-duong-van-chuong.html