'Trái ngọt' giảm nghèo ở Tiền Giang

Giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân tại Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong những năm qua nhờ thúc đẩy phát triển thế mạnh nông nghiệp của các địa phương, từ đó xây dựng được những chuỗi giá trị nông sản chủ lực, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Xã Tân Mỹ Chánh (TP Mỹ Tho) là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh Tiền Giang trong giảm nghèo. Để có được điều này, về lĩnh vực nông nghiệp, xã lấy kinh tế tập thể, HTX làm đòn bẩy phát triển kinh tế hộ. Chính vì vậy mà đến nay, trên địa bàn xã có 2 HTX, 1 quỹ tín dụng nhân dân, 4 tổ hợp tác.

"Lá cờ đầu" Tân Mỹ Chánh

Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Tân Mỹ Chánh đang cung ứng các dịch vụ đầu vào và đầu tư dây chuyền giết mổ gia súc bán tự động tập trung tại xã Song Bình (huyện Chợ Gạo) gần 5 tỷ đồng, công suất giết mổ gần 200 con/ngày đêm đã giúp rút ngắn thời gian trong quá trình giết mổ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần tạo nguồn thịt an toàn cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, hằng năm, HTX còn tổ chức, hỗ trợ cho thành viên tiêu thụ gần 100 ngàn chậu hoa tươi và trên 8.800 gốc mai vàng... HTX cũng đứng ra hỗ trợ vốn đối với những hộ dân khó khăn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, từ đó trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều người dân địa phương.

Trong khi đó, HTX sản xuất thức ăn chăn nuôi Bình Minh đã đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến thức ăn hiện đại theo công nghệ tiên tiến nhất của châu Âu và Mỹ. Với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, HTX không chỉ cung cấp thức ăn chăn nuôi đạt tiêu chuẩn ra thị trường, mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức lương ổn định khoảng 6-7 triệu đồng/tháng.

Việc phát huy thế mạnh của kinh tế tập thể, HTX đã giúp Tân Mỹ Chánh giải quyết bài toán việc làm, giảm nghèo. Năm 2020, toàn xã có 56 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,26%; đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 1,11%. Mức thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của xã là 70,8 triệu đồng/năm.

Đa dạng mô hình kinh tế

Thực tế cho thấy, giảm tỷ lệ hộ nghèo là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Đây cũng là tiêu chí liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong khi đó, Tiền Giang là một trong những địa phương bị tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân.

Tuy nhiên, tùy vào đặc điểm từng địa phương, Tiền Giang đã có những bước hỗ trợ người dân một cách phù hợp trong quá trình giảm nghèo.

Sầu riêng là một trong những nông sản chủ lực giúp không ít hộ dân ở Tiền Giang thoát nghèo.

Điển hình, tại huyện Châu Thành, việc phát triển ngành nghề truyền thống, giải quyết sinh kế cho lao động nông thôn, giảm nghèo bền vững được quan tâm. Cụ thể như nghề dệt chiếu tại xã Long Định đang phát triển, thu hút hàng trăm lao động nữ nông thôn với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Nghề dệt chiếu đã giúp người dân nơi đây có cuộc sống ổn định, an cư lạc nghiệp.

Hay tại huyện Gò Công Tây, thế mạnh phát triển chăn nuôi bò đang được quan tâm nhằm giúp các hộ dân nông thôn tăng thu nhập, ổn định sinh kế, vươn lên thoát nghèo.

Chị Châu Thị Mai (xã Đồng Thạnh) cho biết, gia đình chị nghèo, không có đất canh tác phải làm thuê, làm mướn kiếm sống. Nhưng nhờ được hỗ trợ 1 con bò sinh sản, hằng năm, chị có thêm thu nhập nhờ vào tiền bán bê con. Cuộc sống gia đình chị dần ổn định.

Còn tại thị xã Gò Công, mô hình chăn nuôi gà hàng hóa đang giúp không ít hộ dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Trong đó có HTX chăn nuôi và thủy sản Gò Công mỗi tháng cung ứng ra thị trường 20.000-25.000 con gà thịt theo hợp đồng cung ứng ổn định cả năm với các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, HTX cũng đã liên kết với người dân các xã như: Tân Trung, Bình Đông, Bình Xuân, Long Chánh, Bình Ân (huyện Gò Công Đông), Long Bình, Bình Tân (huyện Gò Công Tây)... nhằm giúp bà con có cơ hội tìm hướng vượt khó, thoát nghèo một cách phù hợp.

Thế mạnh HTX

Có thể thấy, một trong những điểm nhấn trong giảm nghèo ở Tiền Giang đó chính là coi trọng phát triển mô hình HTX, làm nền tảng cho người dân phát triển kinh tế.

Đến nay, tỉnh có nhiều HTX hoạt động khá hiệu quả như HTX Nông nghiệp Hiệp Đức và HTX Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) xây dựng mã số vùng trồng, liên kết xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc; HTX Dịch vụ nông nghiệp Việt Hà (huyện Châu Thành) chuyên cung cấp cá Koi, các loại cá kiểng. HTX Hươu sao Tây Nam Bộ (huyện Chợ Gạo) chuyên cung cấp các sản phẩm từ nhung hươu. HTX Rau quả Long Thuận (thị xã Gò Công) chuyên cung cấp rau cho các siêu thị, nhà hàng, khu công nghiệp,…

Các HTX đang tham gia tích cực vào các dự án trong khuôn khổ Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023 như: Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin… hướng tới các mục tiêu cụ thể giúp người dân phát triển sản xuất, mở mang kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh…

Qua các dự án này, nhiều việc làm, sinh kế bền vững đã được tạo ra giúp người nghèo có thu nhập tốt hơn, từ đó thúc đẩy thoát nghèo, nhất là người dân sinh sống tại những địa bàn khó khăn như vùng ven biển, các cù lao nhiễm mặn trên sông Tiền, vùng Đồng Tháp Mười..

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Lý Văn Cẩm, năm 2023, tỉnh chỉ còn 4.925 hộ nghèo, chiếm 0,97% tổng số hộ toàn tỉnh, giảm 0,43% số hộ nghèo so với năm 2022. Đây chính là trái ngọt từ nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ hộ nghèo đa dạng hóa các mô hình sinh kế phù hợp với đặc thù từng vùng, từng địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/apos-trai-ngot-apos-giam-ngheo-o-tien-giang-1097206.html