Trải nghiệm cùng 'Hải tặc' ở đảo Hòn Nghệ

Nhờ duyên của chị Nigita Hạnh, một Việt kiều Nhật, tôi có cơ hội được 'tháp tùng' đoàn làm phim của đạo diễn gạo cội Vĩnh Khương, khi đoàn bấm máy khai Xuân tại Hòn Nghệ - hòn đảo đẹp hoang sơ ở Kiên Giang.

Đoàn làm phim Vietking của đạo diễn Vĩnh Khương hợp tác với Công ty Giải trí Dream Makers làm bộ phim Hải tặc tại Kiên Giang, khai máy đầu Xuân. (Ảnh: MH)

Bốn giờ sáng, khi cả Sài Gòn vẫn say giấc, tôi đã có mặt tại nơi tập kết ở Quận 1 để xuất phát cùng đoàn làm phim. Đạo diễn Vĩnh Khương đến sớm hơn cả. Tiếng anh ấm mà sang sảng đốc thúc các thành viên trong đoàn xếp thiết bị nhanh gọn để đảm bảo thời gian khởi hành.

Vĩnh Khương là đạo diễn gạo cội trong làng điện ảnh phương Nam, với trên 30 bộ phim từ ngắn 30 phút đến phim dài 30 tập. Anh dựng phim bao giờ cũng công phu tỉ mỉ. Những cảnh quay được cho là “chưa bao giờ dễ” đã góp phần đưa bốn phim đoạt giải quốc gia. Có những phim bối cảnh diễn ra tại năm nước châu Á...

Không chỉ đổ mồ hôi…

Sau tám giờ di chuyển, chúng tôi ở cách Sài Gòn gần 350km. Đoàn nghỉ đêm tại Mũi Nai để hôm sau quay sớm tại hang Moso - nằm ngay trong đất liền. Lý do là Hòn Nghệ không có hang đủ lớn cho bối cảnh phim và các thiết bị nặng không thể mang được ra đảo.

Sáng hôm sau, đoàn quay cảnh thầy giáo dẫn các sinh viên đi khám phá hang động. Theo kịch bản thì các diễn viên đi men theo rìa cửa hang vào bên trong, nhưng hôm đó nước lớn, diễn viên Bi Nguyễn đang đi bỗng bị sụt chân, nước ngập luôn đến cổ. Lại phải diễn lại. Có những cảnh quay, tổ quay phim phải dầm mình trong nước ngập đến ngực.

Tham gia đoàn làm phim mới thấm thía câu nói: “Chỉ một sơ suất nhỏ, cả ê-kíp phải làm lại”. Trong phân đoạn công chúa bị tên cướp biển bắt cóc nhốt vào hang trên hoang đảo, nhóm diễn viên quay đi quay lại ba lần mới đạt, nhưng khi xem lại mới té ngửa khi nhìn thấy ở góc xa một đôi chân của ai vô tình lọt vào khuôn hình, vậy là phải quay lại cho đến khi cảnh quay hoàn hảo.

Mặc dù cả đoàn ai cũng thấm mệt khi phải làm đi làm lại trong bối cảnh trường quay dưới thì ngập nước, trên thì dơi bay, mùi phân dơi nồng nặc… nhưng các diễn viên vẫn lúc cười, khi khóc thật nhập tâm như kịch bản.

Thấy tôi kinh ngạc trước sức làm việc bền bỉ của cả đoàn, đạo diễn Vĩnh Khương chia sẻ: “Đây mới chỉ phải đổ mồ hôi vì cảnh quay ban ngày, trong hang khô. Những cảnh quay ban đêm, trên đá chông rất nguy hiểm. Đổ máu là chuyện như cơm bữa”.

Ngày hôm sau, chúng tôi có mặt tại đảo Hòn Nghệ. Bình minh và làn gió biển mang đến cho cả đoàn cảm giác vô cùng dễ chịu, xóa tan những mệt nhọc và ấn tượng nhớp nháp đầy phân dơi của cảnh quay hôm trước. Cả đoàn, ai cũng hiểu rõ con đường nghệ thuật chưa khi nào trải đầy hoa hồng.

Những cảnh quay tại đảo Hòn Nghệ là phần chính của phim Hải tặc. Ánh nắng sớm lấp lánh hay tiếng sóng biển rì rào, vui tươi chỉ giúp xoa dịu nỗi nhọc nhằn của nghề, còn những gian truân đang chờ phía trước.

Ngày thứ nhất tại Hòn Nghệ, đoàn tập trung cho một số cảnh quay nhẹ nhàng tại chùa và một số hang động. Đoàn quay từ sáng sớm nên nghỉ ăn trưa sớm để đầu giờ chiều lại quay tiếp. Các diễn viên cứ giữ nguyên phục trang mà ăn, kẻ đứng, người ngồi. Nhìn diễn viên Ngọc Tú bận cổ trang dài lướt thướt và đeo thêm vết sẹo to tướng trên mặt ngồi ăn cơm hộp để lấy sức cho cảnh quay tiếp theo, tôi vô cùng cảm phục. Khán giả thường chỉ nhìn thấy các diễn viên trên phim lấp lánh hoặc sang trọng trên bục nhận giải, còn những nhọc nhằn thế này thì hiếm người được chứng kiến.

Hỗ trợ đoàn làm phim tại đảo và cũng tham gia một vai phụ trong phim, Phó trụ trì chùa Linh Sơn - sư thầy Thích Minh Công dặn dò cả đoàn: “Bãi đá bàn chông kia là lối đi hang Vua, một bên là núi, một bên là biển, rất nguy hiểm. Các anh chị di chuyển phải hết sức cẩn thận vì trượt chân rơi xuống vực là mất mạng”.

Lao động dưới ánh trăng mờ

Buổi chiều thứ hai tại Hòn Nghệ không đủ cho cả đoàn hoàn thành các cảnh quay theo dự định. Cân nhắc hồi lâu, đạo diễn Vĩnh Khương quyết định quay tối. Tám giờ tối, đoàn tập trung. “Phù thủy” phục trang trang điểm Quỳnh Dao, vừa hoàn thành vai diễn sáng, giờ tay năm, tay mười “chuyển màu” cho các diễn viên. Trang phục: Xong! Máy quay: Xong! Nghe lệnh “Action!”(diễn).

Đầu tháng, trăng mờ. Dù có thêm đèn, đuốc làm đạo cụ diễn nhưng các diễn viên gần như phải vừa đi, vừa bò trong trang phục lụng thụng. Giọng đạo diễn Vĩnh Khương sang sảng, đều đều: “Toàn cảnh!”, “Trung cảnh!”, “Cận cảnh!”… Các diễn viên, quay phim và bộ phận kỹ thuật răm rắp làm theo.

Cứ thế, cả ê-kíp diễn đi, diễn lại…, thỉnh thoảng lại nghe tiếng ai đó xuýt xoa: “Chảy máu rồi!” xong lại nín bặt để tập trung tối đa vào công việc. Cứ hoàn thành một cảnh quay, tiếng trầm trồ của những người dân bản địa đến xem cảnh quay tại phim trường lại rộ lên.

12 giờ đêm, những người dân đến xem đã về hết. Tôi cũng nghĩ, muộn như vậy chắc đạo diễn sẽ cho mọi người nghỉ để lấy sức mai diễn tiếp. Nhưng không, nàng công chúa vẫn tiếp tục ngồi diễn giữa bãi đá chông lởm chởm. Kỹ thuật, quay phim vẫn điềm nhiên trèo núi, ngồi chót vót phía trên miệng hang…

Khi những cảnh quay mãn nhãn được hoàn thành, đồng hồ chỉ hai giờ sáng, Đạo diễn Vĩnh Khương mới hô một tiếng mà cả đoàn mong chờ: “Nghỉ!”. Dù các bộ phận thoăn thoắt thu dọn “chiến trường” nhưng cả tiếng đồng hồ sau, cả đoàn mới được nghỉ đúng nghĩa. Một đêm lao động thực sự căng thẳng!

Anh Vĩnh Khương chia sẻ: “Hải tặc nằm trong series phim nhiều phần của Hãng phim Vietking hợp tác với Công ty Giải trí Dream Makers. Chúng tôi đã quay xong các phần như Ma rừng, Virus gọi hồn. Hải tặc là phim thứ ba sắp được hoàn tất.

Tôi chọn Hòn Nghệ vì địa danh này còn hoang sơ, tôi muốn khơi mở tình yêu biển đảo quê hương của người dân nói chung và giới trẻ nói riêng qua những cảnh quay làm toát lên vẻ đẹp tuyệt vời của Hòn Nghệ”.

Anh nói thêm: “Nghe tên phim Hải tặc thì có vẻ giật gân, rùng rợn lắm, nhưng thật ra chúng tôi muốn nhắc lại một phần lịch sử ở quần đảo Hà Tiên này có một hòn đảo tên là đảo Hải tặc.

Khoảng hai trăm năm trước, đây là nơi cướp biển quốc tế lui tới chọn một hòn đảo hoang để làm “đại bản doanh” để cướp bóc những tàu thuyền qua lại khu vực này.

Bộ phim nói về một nhóm sinh viên cùng thầy giáo đi du lịch trải nghiệm để khám phá văn hóa, lịch sử của đất nước. Khi họ đến quần đảo này, nghe người dân kể lại và truyền thuyết được phục dựng. Khi đất nước thống nhất, sự yên bình được trả lại cho hòn đảo, nơi đây dần trở thành địa điểm du lịch trong tương lai gần”.

Trong phim Hải tặc, tôi ấn tượng với một diễn viên - chắc có lẽ là cao nhất nước, thậm chí có thể là diễn viên có chiều cao hàng đầu châu Á. Đó chính là Ngọc Tú. Anh cao tới 2m20. Đặc biệt, anh vừa giành tấm Huy chương Vàng hạng cân trên 92 kg nam tại giải vô địch các đội mạnh Vovinam toàn quốc 2021.

Dù là một người ngoại đạo, nhưng Ngọc Tú có thân hình đặc biệt, phù hợp với nhân vật. Khi được đào tạo, Ngọc Tú đã nắm bắt nghề diễn rất nhanh, vì vậy anh đã theo kịp được ê-kíp làm phim.

Trò chuyện với diễn viên Ngọc Khánh, người thủ vai hải tặc chính trong phim, anh chia sẻ: “Hải tặc là bộ phim dạng thực hiện lại giấc mơ nên nhân vật vừa là giang hồ hiện đại, lại vừa có những pha cổ trang, thêm chút yếu tố hài hước, nhẹ nhàng. Chính vì thế, phim về cướp biển mà lại không hề nặng nề. Khi đạo diễn đưa kịch bản, tôi thấy rất hay và ráng thể hiện hoàn hảo nhất vai diễn”.

Theo Ngọc Khánh, “Vĩnh Khương là đạo diễn đặc biệt. Ổng có phong cách nghệ thuật rất lạ, cả về kịch bản, cách quay hay bối cảnh… Ổng làm mỗi cảnh quay đều phải là một khung hình đẹp. Lúc hoành tráng, khi tỉ mỉ. Ổng tự viết kịch bản, tự làm đạo diễn và là thầy của các diễn viên nên ông hiểu rất rõ từng người. Ông truyền được niềm tự hào của người lao động nghệ thuật chân chính cho các diễn viên nên có thể thấy mọi người diễn quần quật mà không có ai kêu ca nửa lời”.

Cứ thế, sau gần một tuần vất vả làm việc tại Hòn Nghệ, cả ê-kíp đã hoàn thành các cảnh quay mãn nhãn. Dù vô cùng vất vả, thiếu ngủ triền miên, nhưng ánh mắt các thành viên trong đoàn đều lấp lánh niềm vui.

Rời Hòn Nghệ, tôi cùng đoàn làm phim lại di chuyển trên những chiếc ô tô chở thiết bị cồng kềnh đi từ Kiên Giang về Sài Gòn. Một bộ phim đã được khai máy suôn sẻ. Một niềm hy vọng, với lòng tự hào và niềm tin chắc chắn về một tương lai sáng lạn hơn của phim Việt, của du lịch biển đảo Việt Nam dường như đang dần dần mở ra…

Đạo diễn Vĩnh Khương có bốn phim đoạt giải Quốc gia với vai trò biên kịch và đạo diễn, gồm Hoang tưởng (2005), Xanh mãi đồi trà (2008), Sát thủ (2009) và Con phải sống (2010).

Ông đã viết trên 30 kịch bản phim các thể loại (phim ngắn 30 phút, phim dài 30 tập); làm đạo diễn 20 phim nhiều thể loại; làm biên kịch và đạo diễn bốn phim điện ảnh gồm Siêu thoát (2010), Quái nhân (2014), Ma nữ báo thù (2016), Biệt đội hotgirl (2020); làm diễn viên 20 phim với các vai lớn - nhỏ, chính - phụ. Đạo diễn tự thiết kế mỹ thuật, chỉnh sửa phim.

Minh Hòa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trai-nghiem-cung-hai-tac-o-dao-hon-nghe-174397.html