Trải nghiệm cách ly tại nhà của dân chung cư ở TP.HCM

Nhiều cư dân trở thành F0 đang phải trải qua quá trình cách ly tại nhà. Không ít người chia sẻ việc này khiến họ bối rối và gặp khó khăn trong việc sinh hoạt.

Giữa tháng 10, hay tin đồng nghiệp cùng công ty dương tính với virus SARS-CoV-2, N.K. (25 tuổi, cư dân The Botanica, quận Tân Bình) tự test nhanh tại nhà và nhận kết quả tương tự. N.K. báo ngay cho chủ căn hộ mình đang thuê và ban quản lý tòa nhà để được hướng dẫn quy trình cách ly tại nhà.

“Tôi cảm thấy khá may khi hai bạn cùng nhà của tôi thời điểm đó đang làm việc online ở quê chưa kịp lên thành phố, nếu không tình hình sẽ khá phức tạp. Tôi cũng không hoảng loạn, làm theo đúng sự hướng dẫn của chung cư về quy trình cách ly thôi”, N.K. chia sẻ về khoảng thời gian nhiễm bệnh.

“Có bỡ ngỡ nhưng vẫn thích nghi được”

Thời điểm thông báo với ban quản lý chung cư về tình trạng của mình, N.K. được hướng dẫn và hỗ trợ về y tế. N.K. cũng được một số “cựu” F0 chia sẻ kinh nghiệm, gửi thuốc cho anh.

“Vài người từng có kinh nghiệm về việc điều trị đã liên hệ và chia sẻ cho tôi các loại thuốc có sẵn. Có anh chị hàng xóm còn gửi cho mấy gói thuốc xông. Lúc mới có kết quả tôi lo lắng, có phần bỡ ngỡ nhưng rồi cũng thích nghi được”, N.K. bày tỏ.

Sau một tuần nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, N.K. nhận kết quả xét nghiệm âm tính trở lại, tuy nhiên để cẩn thận anh vẫn tiếp tục cách ly thêm 7 ngày tại căn hộ. Với chàng trai này, trải nghiệm nhiễm bệnh và tự cách ly tại nhà “khá ổn” bởi anh nhận được hỗ trợ của mọi người xung quanh, từ bạn bè, hàng xóm cho đến công ty.

Cư dân cách ly tại nhà nhận được sự hỗ trợ và theo dõi sát sao từ ban quản lý các chung cư. Ảnh minh họa: Ý Linh.

Một trường hợp khác cũng rơi vào cảnh phải cách ly tại nhà vì nhiễm Covid-19 là Thùy Trang (30 tuổi, cư dân D'Edge, TP Thủ Đức). Ngày thứ 5 sau khi xác định mắc Covid-19, Trang mất khứu giác lẫn vị giác. Trước đó, chị thông báo cho y tế phường và tòa nhà nơi mình sinh sống về kết quả test nhanh của mình.

“Y tế phường cử người xuống làm xét nghiệm PCR để xác nhận tình trạng bệnh. Về phần ban quản lý chung cư, họ ‘cắt’ thẻ thang máy của nhà tôi để hạn chế việc đi lại”, Thùy Trang kể.

Do không thể ra ngoài mua đồ dự trữ, hầu như người phụ nữ này phải đặt giao hàng online. Bảo vệ chung cư đã thay mặt giúp chị nhận hàng, song Thùy Trang chia sẻ số lần bị giới hạn trong khung giờ nhất định. Thông thường, chị sẽ tranh thủ mua hàng một lần rồi nhờ bạn bè giao tới. Việc làm này tiết kiệm thời gian giúp các chú bảo vệ đỡ đi lên đi xuống nhiều lần.

“Công việc chính của bảo vệ vẫn là trông coi an ninh cho tòa nhà nên nhờ vả họ nhận đồ nhiều lần giúp mình cũng khá bất tiện. Chính mình cũng không biết thực tế có bao nhiêu người trong tòa nhà đang là F0, hạn chế việc tiếp xúc vẫn tốt hơn”, chị bộc bạch.

Điều khiến Thùy Trang an tâm hơn cả là cách chung cư sắp xếp cho gia đình chị một túi rác riêng màu vàng. Qua tìm hiểu, chị biết rác thải và đồ dùng của F0 điều trị tại nhà cần được thu gom, xử lý hàng ngày. Phần nào, nó hạn chế khả năng lây lan mầm bệnh đến các cư dân khác.

Lời khuyên của chị Thùy Trang cho các bệnh nhân Covid-19 hiện cách ly tại gia là nên chuẩn bị sẵn đồ ăn dễ nuốt vì mọi thứ khi mất vị đều giống nhau. Đồng thời, mọi người nên thêm các thực phẩm chức năng bổ sung vitamin, xông lá, tinh dầu.

“Mọi người không còn cái nhìn khắt khe về F0”

Do nhà chỉ có một phòng ngủ, Mạnh Hà (28 tuổi, cư dân quận 7) phải nhường khu vực này cho bà xã là F0 ở riêng. Trong quá trình chăm sóc, anh bị lây nhiễm chéo.

Đối mặt với việc này, anh tỏ ra khá bình thản. “Với kinh nghiệm từ trước, tôi tự tin mình có thể tự lo cho bản thân”, Mạnh Hà chia sẻ.

Cũng như các trường hợp khác, người đàn ông này đi theo đúng quy trình gồm báo cáo với y tế phường, quản lý chung cư và bạn bè - những người có tiếp xúc gần.

May mắn cho Mạnh Hà, anh nhận được sự giúp đỡ của tổ hỗ trợ F0 trong tòa nhà. Họ gửi anh toa thuốc trị bệnh, một vài người còn gửi trái cây, thực phẩm để hai vợ chồng tẩm bổ.

Mạnh Hà nhận được sự hỗ trợ từ nhiều cư dân ở cùng tòa nhà. Ảnh: NVCC.

“Nhìn vào mặt tích cực, bệnh Covid-19 giúp tôi nhận ra tình hàng xóm nơi chung cư. Mọi người không còn cái nhìn khắt khe về F0”, Mạnh Hà cảm thán.

Sau 2 tuần tự cách ly trị bệnh, ngày 20/10, vợ chồng Mạnh Hà nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Cặp đôi tiếp tục cách ly tại nhà thêm một tuần trước khi trở về nhịp sống cũ.

Trong khi đó, Paul Lynn (34 tuổi, cư dân chung cư tại TP Thủ Đức) chia sẻ việc cách ly tại căn hộ của anh diễn ra khá suôn sẻ. Anh và vợ xác nhận dương tính sau khi vô tình tiếp xúc với đồng nghiệp là F0.

Cả hai báo với ban quản lý chung cư về tình trạng của mình và nhận được sự hướng dẫn chi tiết về các quy trình cần thực hiện. Anh Paul cho biết thuốc men và nhu yếu phẩm của mình được đặt mua và do các bảo vệ tại đây hỗ trợ mang đến căn hộ.

“Có một số bác sĩ là hàng xóm ở cùng khu vực đã liên lạc để hỗ trợ cho vợ chồng chúng tôi. Vì vợ tôi có triệu chứng mệt mỏi, chán ăn nên vài người khác cũng đã gửi trái cây đến tặng. Tôi cảm thấy xúc động khi mình gặp khó khăn và nhận được giúp đỡ bất ngờ này”, anh Paul chia sẻ.

Hiện, Paul và vợ đều đã âm tính với SARS-CoV-2 gần một tháng, song thỉnh thoảng cả hai vẫn hay bị mệt mỏi, váng đầu. Paul cho biết sau khi chia sẻ thông tin về quá trình điều trị, nhiều người cùng tòa nhà đã liên hệ để hỏi thêm về kinh nghiệm cũng như gửi tặng trái cây để bổ sung đề kháng.

“Tôi rất biết ơn sự quan tâm của mọi người, những niềm vui như thế cũng là cách giúp chúng tôi có năng lượng tích cực để điều trị bệnh”, Paul hào hứng nói.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Thịnh Vũ - Đông Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trai-nghiem-cach-ly-tai-nha-cua-dan-chung-cu-o-tphcm-post1279145.html