Trái bưởi… xảo trá!

Đánh tráo khái niệm, cố tình lồng luồn âm mưu chính trị vào những sự vật, hiện tượng bình thường của đời sống xã hội là bản chất, hành vi quen thuộc của bè lũ khủng bố, chống phá cách mạng. Chẳng mấy ai còn lạ, tin tưởng vào những luận điệu xảo quyệt, lập lờ đánh lận con đen này. Vậy mà buồn thay, vẫn có những kẻ cũng gọi là có học thức, mang danh học hàm, học vị này nọ, ít nhiều có danh tiếng, sống gần trọn tuổi đời mà vẫn mù quáng, hòa mình vào vũng nước đục mạo danh dân chủ để lên tiếng bảo vệ những kẻ vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích cộng đồng…

Hai mẹ con Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh tư liệu.

Tiếng là Phó Giáo sư, Tiến sỹ nhà khoa học hàng đầu trong ngành giáo dục, từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi nghỉ hưu năm 2002, nhưng cái tên Mạc Văn Trang chỉ bắt đầu nổi lên trên mạng xã hội khi tuyên bố bỏ Đảng (năm 2018), ra mặt chống đối Đảng, chính quyền bằng các hành vi tham gia vào các hoạt động tuần hành, biểu tình trái phép gây mất an ninh trật tự, đăng tải, chia sẻ các bài viết trên trang Facebook cá nhân nhiều bài viết với cái nhìn tiêu cực, phiến diện, phản đối đường lối lãnh đạo đất nước của Đảng.

Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, ông Phó Giáo sư, Tiến sỹ tuổi đã ngoài tám chục này đăng tải liên tiếp hai bài viết về việc kêu gọi mua bưởi giúp gia đình Cấn Thị Thêu với nội dung: “Như mọi người đã biết: Bà Cấn Thị Thêu và hai con Trịnh Bá Phương - Trịnh Bá Tư đều đang trong lao tù. Ông Trịnh Bá Khiêm và con gái là Trịnh Thị Thảo thật vô cùng khó khăn, nhọc nhằn khi phải đi thăm nuôi ba tù nhân bị giam chốn xa xôi ở cách xa nhau (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam), rồi lo cho cháu - con còn rất nhỏ, đồng thời phải chăm sóc vườn bưởi để làm kế mưu sinh. Nay vườn bưởi đã được thu hoạch, rất mong đồng bào chung tay mua bưởi giúp đỡ gia đình tù nhân lương tâm đang gặp khổ nạn này…”; “Đã đành có tiền thích thì mua ăn thôi. Nhưng cầm trái bưởi Diễn từ vườn nhà cô Cấn Thị Thêu, thấy thương xót nghĩa tình. Nhà ba mẹ con chỉ vì dân oan mất đất rồi đấu tranh mà phải đi tù hàng chục năm trời, gia cảnh biết bao khốn khổ...”, và đưa ra nhận định “Trái bưởi vàng thơm của quê hương chỉ thấm đẫm tình Người, không có “mùi giai cấp, địch – ta…”!

Thưa ông Phó Giáo sư, Tiến sỹ, đúng như ông nói, ở đâu không biết chứ trên quê hương đất Việt này, trái bưởi hay bất kỳ sản vật nào khác chưa bao giờ và không bao giờ có “mùi giai cấp, địch- ta” như ông nói. Kêu gọi, vận động mua bưởi cho cá nhân, tổ chức nào, hay gia đình ông mua quả nào, ăn cái gì là quyền công dân của ông, miễn là không phải hàng cấm, vi phạm quy định pháp luật hiện hành, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Trên thực tế, người nông dân trồng bưởi cả nước đều rất mong muốn được quảng bá, tiêu thụ trái ngọt do mình làm ra. Trên khía cạnh nào đó, mua một trái bưởi của nông dân, cũng ít nhiều góp phần giúp đỡ đồng bào mình.

Tuy nhiên, dường như việc mua, quảng bá bưởi (có giá đắt hơn hai lần tại gốc) đã được ông sử dụng cho mục đích khác ngoài ăn như những người bình thường. Ông cho rằng gia cảnh nhà Cấn Thị Thêu khốn khổ vì “Nhà ba mẹ con chỉ vì dân oan mất đất rồi đấu tranh mà phải đi tù hàng chục năm trời…”, rồi a dua theo bè lũ phản động, chống phá gọi đây là “Tù nhân lương tâm”.

Mang hàm Phó Giáo sư, Tiến sỹ thì chắc kiến thức cũng phải uyên thâm, ngôn từ ít nhiều phong phú. Tuy nhiên, dẫu ông có lập lờ đánh tráo khái niệm thế nào thì cũng không thể đưa khái niệm “Tù nhân lương tâm” ra nói ở đất nước Việt Nam này. Chưa và không bao giờ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có khái niệm “Tù nhân lương tâm” mà chỉ có các đối tượng vi phạm pháp luật bị xử lý theo quy định. Và cũng chưa bao giờ có việc tổ chức, cá nhân nào “chỉ vì dân oan mất đất rồi đấu tranh mà phải đi tù hàng chục năm trời’ như ông nói về đối tượng Cấn Thị Thêu.

Luận điệu xảo trá trên mạng xã hội

Nhắc lại để ông nhớ, ngày 24/12/21, tại tỉnh Hòa Bình, TAND Cấp cao đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo kêu oan của các bị cáo Cấn Thị Thêu (SN 1962) và Trịnh Bá Tư (con bị cáo Thêu, SN 1989, cùng trú tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Trước đó, đầu tháng 5/2021, TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên án sơ thẩm mỗi bị cáo nêu trên tám năm tù và sau khi mãn hạn tù, các bị cáo phải chịu sự quản thúc trong thời gian ba năm. Sau khi kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm, các bị cáo đã có đơn kháng cáo kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội, yêu cầu Hội đồng xét xử TAND cấp cao tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả tự do cho các bị cáo. Theo hồ sơ vụ án, do có tư tưởng tiêu cực, bất mãn nên trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến ngày 14/1/2020, Trịnh Bá Tư và Cấn Thị Thêu đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân phát trực tiếp tám video có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân. Cùng với đó, hai bị cáo nêu trên còn đăng, phát những video chứa nội dung kêu gọi, kích động nhân dân chống chính quyền; đưa thông tin xuyên tạc về vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, các ngành, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ làm ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước... Trong quá trình khám xét nơi ở của các bị cáo, cơ quan điều tra đã phát hiện, thu giữ nhiều tài liệu. Các tài liệu này được cơ quan chức năng xác định đều có nội dung xuyên tạc, phỉ báng, bịa đặt nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hội đồng xét xử TAND Cấp cao đã bác đơn kháng cáo của các bị cáo, quyết định giữ nguyên mức hình phạt tám năm tù dành cho mỗi bị cáo như phiên tòa sơ thẩm đã tuyên phạt.

Rõ ràng là không có chuyện đối tượng Cấn Thị Thêu “chỉ vì dân oan mất đất rồi đấu tranh mà phải đi tù hàng chục năm trời” mà là hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý thích đáng, đúng người đúng tội.

Pháp luật Việt Nam vốn nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, không bao giờ phân biệt đối xử với những người lầm lỡ biết ăn ăn, hối cải. Dân tộc Việt vốn trọng tình, luôn thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong tình đồng bào, bầu bí tương thân. Không ai đặt “mùi giai cấp, địch – ta” trong việc giúp đỡ mua trái bưởi như ông Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mạc Văn Trang cố tình xảo ngôn. Việc gì đi việc ấy, chúng ta có thể giúp đỡ các gia đình khó khăn nhưng không bao giờ đánh đồng khái niệm, ủng hộ, vào hùa với các hành vi vi phạm pháp luật, phản nước, hại dân…

Vũ Thanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xay-dung-dang/trai--xao-tra/189940.htm