Trách nhiệm thuộc về ai?

Khi trách nhiệm từ nhiều phía được cộng hưởng, chắc chắn những câu chuyện trẻ mầm non bị bạo hành sẽ giảm thiểu rất nhiều

Ngày 24-4, Báo Người Lao Động điện tử đưa tin về hành vi bạo hành trẻ em xảy ra tại một nhóm lớp mẫu giáo Tí Bo (TP Thủ Đức, TP HCM).

Theo đó, chủ cơ sở này đã có các hành vi túm áo trẻ ngã ra sàn nhà, ngồi đè lên bụng, nhét thức ăn vào miệng trẻ, dồn trẻ vào góc rồi dùng vật cứng đánh vào đầu...

Phải khẳng định ngay vụ việc vừa xảy ra tại nhóm lớp mầm non nêu trên, trách nhiệm trực tiếp và trước tiên thuộc về chủ nhóm, thiếu đạo đức nghề nghiệp, yếu kém kỹ năng chuyên môn.

Tuy nhiên, qua vụ việc này và nhiều vụ việc đã từng xảy ra trước đây ở TP HCM và nhiều tỉnh, thành khác, cho thấy việc đào tạo giáo viên mầm non vẫn còn nhiều bất cập.

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có đưa ra quy định về chuẩn giáo viên mầm non như: Có lòng yêu thương trẻ em, có ý thức trách nhiệm cao trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Có đạo đức nhà giáo tốt, gương mẫu. Nắm vững kiến thức chuyên môn về giáo dục mầm non (tâm lý học phát triển trẻ em, phương pháp giáo dục mầm non, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em...).

Tuy nhiên, việc tuyển sinh chỉ đòi hỏi về kiến thức phổ thông, cùng một số kỹ năng như nhạc, họa… mà hoàn toàn bỏ qua việc xem xét thông qua trắc nghiệm về sở thích, tính cách, sự phù hợp cùng những đòi hỏi của ngành nghề đặc thù (yêu nghề, mến trẻ, kiên nhẫn, hy sinh, khoan dung…) đối với thí sinh dự tuyển.

Với nghề bảo mẫu, nhiều cơ sở tư thục, nhóm lớp không quan tâm đến trình độ chuyên môn, đạo đức, tính cách, kiến thức về tâm lý lứa tuổi mầm non, hễ cần người là tuyển nên nhiều bảo mẫu không có những hiểu biết nhất định về tâm sinh lý của trẻ em.

Hơn nữa, hiện chưa có hệ thống tiêu chuẩn tuyển chọn và đánh giá bảo mẫu rõ ràng, dẫn đến việc nhiều người không đủ điều kiện vẫn có thể hành nghề.

Về mặt thủ tục pháp lý, việc thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập không đòi hỏi bằng cấp hay chứng chỉ chuyên môn về tâm lý trẻ, chỉ yêu cầu chủ cơ sở dưới 65 tuổi, là công dân Việt Nam; có sức khỏe, có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên và yêu cầu chung chung là có phẩm chất, đạo đức tốt.

Trong khi đó, hiểu biết về tâm lý trẻ là yếu tố vô cùng quan trọng để bảo đảm chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ.

Ở góc nhìn khác, ngày nay nhiều phụ huynh cưng chiều, chăm sóc trẻ thái quá, bỏ quên việc hoàn thiện nhân cách ở độ tuổi nhân cách còn khiếm khuyết, đôi khi làm lệch chuẩn cách nghĩ và cách làm của trẻ.

Vì vậy, khi bắt đầu vào các lớp mầm non, nhà trẻ buộc phải theo nền nếp, nội quy, ít nhiều gây khó khăn cho các bảo mẫu, nhất là trước áp lực làm sao cho trẻ ăn uống tăng cân.

Ngoài ra, địa phương cấp phép cho hoạt động của các nhóm lớp mẫu giáo, nhà trẻ đôi khi lơ là, thiếu kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục của các nhóm lớp này để kịp thời khắc phục các vi phạm.

Phân tích ra để thấy rằng khi trách nhiệm từ nhiều phía được cộng hưởng, chắc chắn những câu chuyện trẻ mầm non bị bạo hành sẽ giảm thiểu rất nhiều.

Tú Nguyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/trach-nhiem-thuoc-ve-ai-196240424205311599.htm