Trách nhiệm tập thể và tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế

Tại Hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 vừa diễn ra tại Singapore, thượng tôn pháp luật quốc tế là nội dung chính trong nhiều thông điệp, bao gồm vấn đề Biển Đông.

Quang cảnh một phiên thảo luận tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 20. Ảnh: REUTERS

Quang cảnh một phiên thảo luận tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 20. Ảnh: REUTERS

Sự cân bằng lớn nhất

Một trong những nội dung quan trọng được nêu ra tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 đó là Philippines đã kêu gọi các quan chức quốc tế ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan) năm 2016, bác bỏ những yêu sách về chủ quyền trên Biển Đông. Nội dung trên được chú ý trong phiên thảo luận về chủ đề xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương ổn định và cân bằng dưới sự dẫn dắt của Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez Jr. cùng Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace và Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand.

Thứ trưởng Quốc phòng Philippines chỉ ra rằng, vai trò của luật pháp quốc tế là sự cân bằng lớn nhất giữa các quốc gia. Đây cũng là cách thức thúc đẩy Philippines sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Tòa án The Hague về vấn đề Biển Đông.

Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Philippines, vị quan chức này đã kêu gọi tất cả các bên ủng hộ luật pháp quốc tế. Qua đó, bày tỏ sự ủng hộ đối với phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế ở The Hague năm 2016 cùng với những thể chế luật pháp quốc tế.

Bộ Quốc phòng Philippines khẳng định, sự ủng hộ sẽ bảo vệ trật tự toàn cầu trên biển và duy trì các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế. Cùng với đó, quốc tế cần tiếp tục đề cao hơn nữa tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương trong việc thúc đẩy ý chí chính trị và sự tin tưởng lẫn nhau cần thiết cho đối thoại mang tính xây dựng và đạt được thỏa thuận tuân thủ chuẩn mực và giá trị chung.

Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc cho hay, sáng kiến an ninh mới của nước này đề cao tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững. Đồng thời ủng hộ một lộ trình mới cho an ninh và đối thoại thay vì đối đầu, hợp tác thay vì liên minh và trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Ông Lý Thượng Phúc chỉ ra rằng, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh nhất, tiềm lực lớn nhất, hợp tác năng động nhất trên thế giới. Điều Trung Quốc mong muốn là cùng tất cả các quốc gia phát triển khu vực ổn định, bền vững. Trung Quốc sẵn sàng cùng các bên tăng cường cộng đồng chung vận mệnh châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực phát triển lành mạnh và ổn định, nỗ lực cùng xây dựng khung hợp tác an ninh khu vực mở cửa, bao dung, minh bạch và bình đẳng, cùng xây dựng một tương lai tốt đẹp cho an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đặc biệt, Trung Quốc ủng hộ vai trò trung tâm và quyền tự chủ chiến lược của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), mong muốn tổ chức khu vực thành công nhất thế giới này đóng góp quan trọng cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực. Đồng thời Trung Quốc cam kết thúc đẩy hợp tác an ninh tập thể trong khu vực trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Tăng cường sự ủng hộ vai trò trung tâm ASEAN

Liên quan đến ASEAN, tại Đối thoại Shangri-La cùng với Trung Quốc, đại diện các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đều khẳng định sự nhất trí về vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cam kết tăng cường hợp tác với khối thời gian tới.

Đảo Đá Tây A, quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đảo Đá Tây A, quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukuzu Hamada khẳng định, nước này sẽ tiếp tục quan tâm tới các khuôn khổ hợp tác khu vực do ASEAN dẫn dắt như Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).

Cùng với đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tái khẳng định việc đăng ký tham gia ADMM+ cho thấy tinh thần hợp tác xuyên suốt trong các mối quan hệ quốc phòng của xứ sở sương mù. Đặc biệt, điều này góp phần khẳng định tầm quan trọng của ASEAN đối với chính sách của Anh tại khu vực.

Cao ủy EU về Chính sách an ninh và đối ngoại Joseph Borell khẳng định, châu Âu mong muốn trở thành một đối tác tin cậy và có năng lực đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương để thúc đẩy an ninh. Ông Borell nhấn mạnh rằng, châu Âu hay châu Á đều cần phải đoàn kết cùng nhau giúp thế giới ổn định.

Bình luận về Đối thoại Shangri-La, giới chuyên gia chính trị quốc tế và khu vực cùng chung khẳng định, sự kiện đã đưa ra nhiều thông điệp quan trọng, cho thấy những bước tiến lớn về nỗ lực toàn cầu gìn giữ sự ổn định, an ninh, hòa bình để phát triển khu vực theo hướng thịnh vượng bền vững. Đối thoại Shangri-La đã trở thành cơ hội lớn để các bên cùng ngồi lại, thảo luận và hướng tới mục tiêu chung.

Trên thực tế, việc gần 600 đại biểu tham dự, 7 phiên họp toàn thể với 6 phiên thảo luận cùng nhiều cuộc gặp song phương đã khẳng định sức hút ngày càng mạnh mẽ của Đối thoại Shangri-La. Xuyên suốt sự kiện là số lượng chủ đề đa dạng, chú trọng xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương cân bằng và ổn định, phát triển các mối quan hệ đối tác mới cho an ninh khu vực. Hơn hết, tinh thần bao trùm Đối thoại Shangri-La lần này đề cao trách nhiệm tập thể, tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, đặc biệt trong giải quyết các vấn đề quan trọng của thế giới, bao gồm vấn đề Biển Đông.

Diễn giả chính của Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 là Thủ tướng Australia Antony Albanese khẳng định, hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực không phải là nhiệm vụ của riêng ai. Vì lẽ đó, trách nhiệm tập thể và tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế luôn cần được đẩy mạnh sự đề cao hơn nữa.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/trach-nhiem-tap-the-va-tinh-than-thuong-ton-luat-phap-quoc-te-post462178.html