Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp

Những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người lao động (NLĐ), công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) vẫn xảy ra, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe NLĐ và tổn thất rất lớn về chi phí để khắc phục hậu quả do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho doanh nghiệp và xã hội.

Nhiều người bị tai nạn lao động

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), năm 2022, trên toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ TNLĐ (tăng 1.214 vụ, tương ứng với 18,66% so với năm 2021), làm 7.923 người bị nạn (tăng 1.265 người, tương ứng với 18,99%). Trong đó, có 754 người chết, 1.647 người bị thương nặng và 5.522 người bị thương nhẹ (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực NLĐ làm việc không có quan hệ lao động). Trên địa bàn tỉnh, năm 2022 đã xảy ra 38 vụ TNLĐ, làm 41 người bị nạn, trong đó có 17 người chết (10 người có quan hệ lao động và 7 người không có quan hệ lao động), 12 người bị thương nặng và 12 người bị thương nhẹ. Qua thanh tra, kiểm tra, Sở LĐ-TB-XH phát hiện vẫn còn một số doanh nghiệp, cơ sở chưa thực hiện đúng quy trình điều tra; giải quyết chưa đầy đủ các chế độ cho NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh điều tra vụ tai nạn chết người tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Vân Phong vào tháng 4-2023.

Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh điều tra vụ tai nạn chết người tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Vân Phong vào tháng 4-2023.

Vậy TNLĐ, bệnh nghề nghiệp là gì, trình tự điều tra như thế nào và người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải giải quyết những chế độ gì cho NLĐ? Theo quy định tại khoản 8, Điều 3 Luật ATVSLĐ năm 2015, TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho NLĐ, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật ATVSLĐ năm 2015, bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với NLĐ.

Tai nạn lao động có thể xảy ra trong những trường hợp nào?

Trường hợp thứ nhất: Tai nạn xảy ra tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm: Nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh...

Trường hợp thứ hai: Tai nạn xảy ra ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của NSDLĐ hoặc người được NSDLĐ ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động.

Trường hợp thứ ba: Tai nạn xảy ra trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh công bố biên bản điều tra tai nạn chết người xảy ra tại Công ty TNHH Đá Hóa An 1 - Chi nhánh Cam Ranh vào tháng 7-2023.

Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh công bố biên bản điều tra tai nạn chết người xảy ra tại Công ty TNHH Đá Hóa An 1 - Chi nhánh Cam Ranh vào tháng 7-2023.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động như thế nào khi xảy ra tai nạn lao động?

Thứ nhất, kịp thời tổ chức sơ cứu, cấp cứu người bị nạn. NSDLĐ phải bố trí lực lượng sơ cứu, cấp cứu; tổ chức huấn luyện sơ cứu, cấp cứu cho 100% NLĐ và trang bị phương tiện, thiết bị, vật tư, sơ cứu, cấp cứu, bao gồm cả túi sơ cứu (theo quy định tại chương II Thông tư số 19 ngày 30-6-2016 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe NLĐ).

Thứ hai, đối với các vụ TNLĐ chết người hoặc làm bị thương nặng từ 2 NLĐ trở lên, NSDLĐ thực hiện ngay việc khai báo TNLĐ theo quy định tại điều 10 Nghị định số 39 ngày 15-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ (mẫu khai báo phụ lục III của Nghị định số 39).

Thứ ba, giữ nguyên hiện trường vụ TNLĐ chết người, TNLĐ nặng theo nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 39.

Thứ tư, thành lập đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở theo khoản 1 Điều 11 Nghị định số 39, để điều tra các vụ TNLĐ làm bị thương nặng 1 người, TNLĐ nhẹ. Thành phần đoàn điều tra TNLĐ cơ sở theo khoản 1 Điều 35 Luật ATVSLĐ gồm: NSDLĐ hoặc người đại diện được NSDLĐ ủy quyền bằng văn bản làm trưởng đoàn, đại diện ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể NLĐ khi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, người làm công tác ATVSLĐ, người làm công tác y tế và một số thành viên khác. Quy trình, thủ tục điều tra TNLĐ của đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở phải thực hiện đúng theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 39.

Thứ năm, thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, bao gồm chi phí chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với NLĐ tham gia bảo hiểm y tế, thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với NLĐ không tham gia bảo hiểm y tế.

Thứ sáu, trả đủ tiền lương cho NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Thứ bảy, giới thiệu để NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động (nộp tại bộ phận một cửa của Sở Y tế), gồm các hồ sơ sau: Giấy giới thiệu theo Phụ lục 1 tại Thông tư số 56 ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế, bản sao công chứng giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế cấp, bản chính biên bản điều tra TNLĐ, giấy ra viện do cơ sở y tế cấp và căn cước công dân bản sao công chứng.

Thứ tám, nếu mức độ suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, NSDLĐ thực hiện bồi thường cho NLĐ (nếu nguyên nhân TNLĐ không hoàn toàn do lỗi của chính NLĐ gây ra), hoặc trợ cấp cho NLĐ (nếu nguyên nhân TNLĐ hoàn toàn do lỗi của chính NLĐ gây ra). Riêng trường hợp NLĐ bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc, hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì NSDLĐ trợ cấp cho NLĐ (bồi thường, trợ cấp theo hướng dẫn tại Điều 3, Điều 4 Thông tư số 28 ngày 28-12-2021 của Bộ LĐ-TB-XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về chế độ đối với NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp). Tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp và tiền lương trả cho NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng theo quy định được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi xảy ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp đối với từng đối tượng cụ thể như cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội, công an, NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, người học nghề, tập nghề, thử việc theo Điều 5 Thông tư số 28 của Bộ LĐ-TB-XH.

Thứ chín, lập hồ sơ gửi cơ quan bảo hiểm xã hội đề nghị hưởng chế độ về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp theo quy định (nếu NSDLĐ không tham gia bảo hiểm xã hội thì sẽ phải tự chi trả cho NLĐ như bảo hiểm xã hội chi trả) đối với những trường hợp bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp có mức độ suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên (thành phần hồ sơ theo Điều 57, Điều 58 Luật ATVSLĐ).

Thứ mười, khi NLĐ đủ điều kiện để trở lại làm việc, NSDLĐ phải sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe của NLĐ theo kết luận của hội đồng giám định y khoa.

Doanh nghiệp phải lưu trữ hồ sơ TNLĐ theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 39 với thời gian 15 năm đối với vụ TNLĐ chết người và đến khi người bị TNLĐ nghỉ hưu đối với vụ TNLĐ khác; thực hiện các biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả do TNLĐ gây ra; tổ chức rút kinh nghiệm; thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị ghi trong biên bản điều tra TNLĐ để phòng ngừa tai nạn tương tự hoặc tái diễn; xử lý theo thẩm quyền những người có lỗi để xảy ra TNLĐ.

VŨ ĐỨC NHẬT (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202310/trach-nhiem-cua-nguoi-su-dung-lao-dongdoi-voi-nguoi-lao-dong-bi-tai-nan-benh-nghe-nghiep-8e2665a/