Trách nhiệm của ngân hàng khi để mất tiền của khách hàng?

Sau hàng loạt khách hàng bỗng dưng bị mất tiền gửi trong tài khoản ngân hàng, trong sổ tiết kiệm, mà không hề có lỗi của người gửi xảy ra thời gian qua khiến không ít người có tài khoản tại các ngân hàng bất an. Vậy theo quy định pháp luật, khi để mất tiền của khách hàng thì trách nhiệm của ngân hàng được quy định ra sao?

Luật sư Nguyễn Thanh Hoàng, Công ty Luật LEGALAM (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Vũ

Khởi tố vụ án, bắt tạm giam Giám đốc Ngân hàng MSB Thanh Xuân

Liên quan đến vụ việc, hơn 58 tỷ đồng của khách hàng gửi tại Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) bị “bốc hơi”, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 năm 2024 do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 28/3, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng (Phó Giám đốc CATP Hà Nội) cho biết: ngày 10/10/2023, CATP Hà Nội đã tiếp nhận tin báo của Ngân hàng MSB về việc phát hiện bà Bùi Thị Hoài Anh (SN 1984, trú tại quận Long Biên, Hà Nội), Giám đốc Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng với số tiền 165 tỷ đồng.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, căn cứ kết quả điều tra ngày 18/10/2023, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh. Bước đầu xác định bà Anh đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền 338 tỷ đồng. "Hiện nay CA đã áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản để trả cho bị hại. Bước đầu chúng tôi xác định không có đồng phạm và CA đang xác định tiếp" - ông Nguyễn Thanh Tùng nói và cho biết, hiện chưa có bị hại nào đến thông báo ngoài 8 bị hại trên.

Trước đó, ngày 12/10/2023, bà N.T.L đến chi nhánh MSB tại Hà Nội yêu cầu sao kê tài khoản từ khi mở (tháng 3/2021) và bất ngờ nhận được thông báo tài khoản chỉ còn 93.640 đồng. Trong khi đó, bà N.T.L đã nhiều lần gửi tiền vào tài khoản này với số dư tiền gửi theo giấy xác nhận Thông tin tài khoản/Số dư tài khoản số 432/CV/MSB chi nhánh Thanh Xuân đến thời điểm 10h8 ngày 7/10/2023 là 58,65 tỷ đồng. Trên bảng sao kê tài khoản, bà N.T.L cho biết còn thể hiện nhiều giao dịch chuyển rút tiền không phải do bà yêu cầu hoặc thực hiện.

Đặc biệt, vị khách cho rằng gần nửa năm trôi qua, phía MSB chưa trực tiếp trả lời lý do vì sao khoản tiền biến mất. Khách hàng cho rằng, việc khách gửi tiền vào ngân hàng, khi xảy ra sự cố ngân hàng phải có trách nhiệm chứ không thể để sự việc kéo dài gây tổn hại tinh thần, sức khỏe, kinh tế cho khách hàng. Tương tự, chị V.T.K.O (Hà Nội) cũng phản ánh tài khoản 27,7 tỷ đồng gửi tại MSB bỗng “bốc hơi”, chỉ còn 46.328 đồng.

Trả lời về vụ việc của khách hàng N.T.L, MSB cho biết, trong quá trình tra soát hoạt động, đánh giá cán bộ định kỳ tại các chi nhánh, ngân hàng đã phát hiện có dấu hiệu bất thường liên quan đến một số cán bộ nhân viên với một nhóm khách hàng (có quan hệ mật thiết với nhau trước khi tham gia MSB) và chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để làm rõ. Hiện vụ việc đã được CATP Hà Nội thụ lý, khởi tố vụ án và đang trong quá trình điều tra. MSB đã, đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong phạm vi được yêu cầu. MSB khẳng định, sẽ tôn trọng kết luận và phán quyết cuối cùng của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Khách hàng có quyền khởi kiện

Về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Thanh Hoàng, Công ty Luật LEGALAM (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Sự việc mất tiền trong tài khoản trong khi tiền đang gửi giữ tại ngân hàng là sự việc xảy ra tương đối nhiều thời gian gần đây, sai phạm này phản ánh lỗ hổng và khoảng trống lớn trong việc quản lý tiền gửi của khách hàng đối với các ngân hàng, phản ánh một bộ phận cán bộ ngành ngân hàng đã lợi dụng kẽ hở để chiếm đoạt tài sản của người gửi. Theo quy định pháp luật, khách hàng gửi tiền vào ngân hàng thì đây là một dạng hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định của pháp luật dân sự. Thông qua giao dịch gửi tiền ngân hàng thì giữa khách hàng và ngân hàng đã xác lập một hợp đồng gửi giữ tài sản”.

Căn cứ theo Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Tại Điều 557 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bên giữ tài sản có nghĩa vụ: bảo quản tài sản như đã thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ; chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản, nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi; báo kịp thời bằng văn bản cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí; phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Ngoài ra, theo Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm như: tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật và công bố công khai việc tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở chính và chi nhánh; tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi; từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Cũng tại khoản 2 điều 5 Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thì chủ tài khoản có các nghĩa vụ sau: kịp thời thông báo cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản khi phát hiện thấy có sai sót, nhầm lẫn trên tài khoản của mình hoặc nghi ngờ tài khoản của mình bị lợi dụng; hoàn trả hoặc phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoàn trả các khoản tiền do sai sót, nhầm lẫn đã ghi Có vào tài khoản thanh toán của mình; chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình.

Việc trong thời gian phía khách hàng và ngân hàng đang thực hiện hợp đồng gửi giữ tài sản, nhưng phía ngân hàng để mất tiền của khách hàng thì phía ngân hàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, phải bồi thường cho khách hàng một cách kịp thời tránh ảnh hưởng tới uy tín. Còn việc nhân viên ngân hàng là người thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền gửi của khách thì ngân hàng phải là người trình báo CA vì phía ngân hàng đang là bên quản lý tài sản, khi đó ngân hàng là bị hại trong vụ án hình sự. Trường hợp nếu ngân hàng thoái thác không nhận trách nhiệm, không bồi thường cho khách hàng thì khách hàng có quyền khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu ngân hàng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho khách hàng.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/trach-nhiem-cua-ngan-hang-khi-de-mat-tien-cua-khach-hang-375272.html