Trà Vinh phân bổ hơn 18,5 tỷ đồng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào DTTS

Sau hơn 2 năm thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, các dự án do Sở VHTT&DL tỉnh Trà Vinh triển khai đã phân bổ hơn 18,5 tỷ đồng.

Ngày 11/12, tin từ Sở VHTT&DL tỉnh Trà Vinh cho biết, hơn 2 năm thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Trà Vinh đã được hỗ trợ nguồn lực quan trọng và tiếp thêm động lực cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào gắn với phát triển du lịch.

 Câu lạc bộ múa hát ấp Bà Tây C, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh biểu diễn mừng Lễ hội Kathina của đồng bào Khmer. Ảnh: Lan Anh

Câu lạc bộ múa hát ấp Bà Tây C, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh biểu diễn mừng Lễ hội Kathina của đồng bào Khmer. Ảnh: Lan Anh

Chỉ tính riêng các dự án do Sở VHTT&DL tỉnh Trà Vinh triển khai, nguồn vốn sự nghiệp đã phân bổ hơn 18,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Dự án 9 đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ dự án, nguồn vốn đã phân bổ là hơn 2,3 tỷ đồng.

Hiện hai đơn vị đang quyết tâm triển khai các bước thực hiện, ước giải ngân đến 31/12/2023 sẽ đạt 100% kế hoạch được giao.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 30 thiết chế văn hóa, thể thao ấp được đầu tư; 1 công trình văn hóa phi vật thể và 1 lễ hội được phục dựng, bảo tồn; 1 làng truyền thống phục vụ phát triển du lịch; 1 mô hình văn hóa truyền thống được xây dựng, câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian được thành lập; 1 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xây dựng.

Ngoài ra, tỉnh còn có 112 đội dàn nhạc ngũ âm, 95 đội trống Chhay dam, 35 đội múa chằn, khỉ, trên 100 đội nhạc tân, 40 đội bóng chuyền, 8 đội ghe ngo; 1 tờ báo và 2 nội san xuất bản bằng tiếng Khmer; 1 chương trình phát thanh và 1 chương trình truyền hình tiếng Khmer; 1 Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh...

Hoạt động của các đoàn nghệ thuật này cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của đồng bào và du khách mỗi khi đến với Trà Vinh.

Bên cạnh đó, các chương trình liên hoan nghệ thuật quần chúng Khmer, các hội thi trình diễn trang phục dân tộc, hội diễn… cũng được tổ chức thường xuyên. Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer đã sưu tầm, hệ thống hóa, trưng bày trên 1.000 hiện vật thể hiện rõ nét văn hóa, lao động sản xuất, tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán của đồng bào Khmer.

Đến nay, đồng bào Khmer có 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây, lễ hội Ok Om Bok và nghệ thuật Rô băm. 42 chùa Khmer được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cách mạng cấp tỉnh và di tích lịch sử văn hóa kiến trúc cấp quốc gia. Các chùa Khmer luôn quan tâm duy trì lối kiến trúc cổ, bảo vệ và lưu giữ các di sản văn hóa đặc trưng.

Không chỉ triển khai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh Trà Vinh còn gắn với tạo sinh kế cho đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số qua các dự án bảo tồn và phát triển du lịch, dịch vụ phục vụ khách du lịch, cải thiện nguồn thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tra-vinh-phan-bo-hon-185-ty-dong-bao-ton-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dong-bao-dtts-post276117.html