Trà Vinh: Cần vốn để khắc phục sạt lở bờ biển, ổn định đời sống người dân

Theo đồng chí Nguyễn Văn Ưa, Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế thị xã Duyên Hải, hiện trên địa bàn thị xã có 02 đoạn bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng: ấp Chợ, xã Hiệp Thạnh và ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa.

Đoạn trước Công ty Cổ phần thủy sản Thông Thuận, sạt lở sâu vào đất liền, làm mất lối đi và hàng rào đã hư hỏng hoàn toàn.

Đoạn trước Công ty Cổ phần thủy sản Thông Thuận, sạt lở sâu vào đất liền, làm mất lối đi và hàng rào đã hư hỏng hoàn toàn.

Từ thực trạng khẩn cấp trên, ngày 23/8/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Hoàng đã ký Quyết định số 1282/QĐ-UBND về việc công bố khẩn cấp sạt lở bờ biển xã Hiệp Thạnh và Quyết định số 1283/QĐ-UBND về việc công bố khẩn cấp sạt lở bờ biển xã Trường Long Hòa, cùng thị xã Duyên Hải.

Theo các cơ quan chuyên môn của thị xã Duyên Hải, cả 02 trường hợp sạt lở trên đều do tác động của triều cường, nước biển dâng cao, kết hợp với gió mạnh, sóng lớn làm cho tuyến đê biển và rừng phòng hộ tại các điểm trên bị sạt lở nghiêm trọng. Ngoài ra, do địa hình là đất giồng cát ven biển, hệ thống rừng phòng hộ ven biển tại khu vực này còn ít, nên sạt lở diễn ra nhanh.

Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Ban Quản lý dự án các công trình NN-PTNT tỉnh đầu tư trên địa bàn thị xã Duyên Hải các công trình: 02 tuyến kè biển bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển xã Hiệp Thạnh, dài 3,815km và tuyến kè biển bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa dài 4,297km. Hiện nay, tỉnh đang triển khai xây dựng tuyến kè biển dài 1,6km tại khu vực ấp Bào, xã Hiệp Thạnh, trong giai đoạn hoàn thành. Từ khi các công trình nói trên hoàn thành đã phát huy được tính năng chống xói lở và xâm thực bờ biển.

Chúng tôi đã tiếp cận thực tế, hiện xã Hiệp Thạnh còn 900m bờ biển tại ấp Chợ chưa được khép kín kè và xã Trường Long Hòa còn khoảng 08km bờ biển chưa có kè. Hàng năm, vào thời điểm gió mùa Đông - Bắc thổi mạnh, kết hợp với triều cường dâng cao, tạo các đợt sóng lớn va đập trực tiếp vào bờ biển làm sạt lở cũng như gây ra hiện tượng sụp lún cục bộ mái kè.

Đồng chí Nguyễn Văn Ưa cho biết thêm: ngày 14/3/2023, UBND thị xã Duyên Hải tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng sạt lở bờ biển xã Trường Long Hòa. Kết quả khảo sát, ghi nhận một số vị trí có khả năng tiếp tục sạt lở sâu vào đất liền, làm ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình tại 03 vị trí, đã và đang gây sạt lở dài khoảng 1,7km, làm ảnh hưởng khoảng 200ha đất ở và đất sản xuất của người dân, nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của gần 500 hộ dân, với gần 3.000 nhân khẩu.

Vị trí 1, khu vực trước Công ty Cổ phần thủy sản Thông Thuận, đã sạt lở hết tuyến đường vào Công ty và phía trên mố cầu dẫn của Nhà máy Điện gió VI-3, dài khoảng 200m sâu vào bờ trên 10m, đã sạt lở hoàn toàn đường dẫn vào Công ty Cổ phần thủy sản Thông Thuận và làm hư hại tường rào.

Ông Trương Hữu Phiếu, Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Thông Thuận cho biết, vào thời điểm Công ty nhận mặt bằng (cuối năm 2017) để thi công, các sở, ngành tỉnh và địa phương đã “dự phòng” diện tích giáp biển; từ bờ biển đến hàng rào của Công ty còn gần 70m, lớp rừng dương phòng hộ trong trạng thái bình thường như những nơi gần đó; nhưng qua 05 năm, nay đã sạt lở lấn sâu và làm thiệt hại đến hàng rào của Công ty.

“Khoảng năm 2019, trước thực trạng sóng biển tấn công rừng và xâm thực sâu, Công ty đã tự đầu tư vốn, mua gần 1.000 cây phi lao để trồng; sau hơn 01 năm, phi lao phát triển tốt, nhưng cũng không chịu nổi tác động của triều cường, sóng lớn…” - ông Trương Hữu Phiếu chia sẻ thêm.

Liền kề đoạn trước Công ty Cổ phần thủy sản Thông Thuận (hướng Bắc), triều cường và sóng lớn đã làm thiệt hại dãy rừng phi lao.

Liền kề đoạn trước Công ty Cổ phần thủy sản Thông Thuận (hướng Bắc), triều cường và sóng lớn đã làm thiệt hại dãy rừng phi lao.

Cũng tại địa bàn xã Trường Long Hòa, còn có vị trí 2, trước khu thực nghiệm Trường Đại học Trà Vinh đã sạt lở khoảng 200m (đoạn này đã được xử lý khắc phục tạm thời bằng rọ đá khoảng 100/200m) và đoạn bờ biển hướng về Thiền Viện Trúc Lâm tiếp tục sạt lở khoảng 200m vào sâu trong bờ trên 50m.

Vị trí 3, tình trạng xâm thực bờ biển khu vực từ khu thực nghiệm Trường Đại học Trà Vinh có hiện tượng xâm thực toàn tuyến, gây sạt lở dần vào sát bên đường hành lang ven biển (khoảng 03km), có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đường hành lang ven biển nếu không thực hiện khắc phục sớm.

Theo đồng chí Huỳnh Văn Màu, Trưởng phòng Phòng Kinh tế thị xã Duyên Hải, sạt lở hiện nay tại các vị trí ở xã Trường Long Hòa là do sóng biển và triều cường. Những nơi này, thường có thềm cát sâu, nên khi đến mùa gió Đông (gió chướng), những nơi đó nước sâu, sóng lớn, ảnh hưởng đến rừng và xâm thực.

Trên địa bàn xã Hiệp Thạnh, từ mùa triều cường cuối năm 2022 đến nay, đã gây ảnh hưởng đến mái kè tại 02 vị trí cấu kiện bê-tông hình lục giác bị mất liên kết, lún võng xuống tạo thành hố sâu hình lòng chảo, đang có khả năng phát sinh thêm, gây mất an toàn cho tuyến kè ở 02 vị trí: vị trí 1, diện tích 16m² (ngang 04m, xuống chân mái kè 04m), cách tường hắc sóng 05m, lún sâu từ 10 - 20cm (cách đầu kè giai đoạn I do Công ty TECCO xây dựng 50m). Vị trí 2, diện tích 25m² (ngang 05m, xuống chân mái kè 05m), cách tường hắc sóng 05m, lún sâu từ 10 - 20cm (cách cầu điện gió 900m về hướng vàm Láng Nước).

Đoạn sau khóa kè công trình kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển xã Hiệp Thạnh (giai đoạn II), công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2020, đang hoạt động và sử dụng tốt theo đúng mục tiêu dự án. Tuy nhiên, phần tiếp nối phía sau kè (hướng về kè ấp Chợ) còn 900m chưa có kè bảo vệ, đoạn này đang bị sạt lở nghiêm trọng, khoảng 2,3ha (dài 354m và sâu vào đất liền 65m), đe dọa tính mạng và tài sản của 199 hộ dân trong khu vực và thiệt hại rừng phi lao phía trong, nghiêm trọng nhất là phần sạt lở đã lấn sâu vào bờ, qua khỏi điểm cuối của khóa kè và xâm thực trực tiếp vào khóa kè.

Các tuyến này chưa được khắc phục do kinh phí địa phương không đáp ứng để thực hiện. Hiện nay, địa phương giăng dây, đặt biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân biết, để chủ động phòng tránh tai nạn xảy ra. Trước thực trạng khẩn cấp trên, UBND thị xã Duyên Hải cắm biển báo, cảnh báo các khu vực sạt lở, thông báo rộng rãi đến người dân về tình hình sạt lở để người dân biết chủ động phòng tránh; đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở di dời đến nơi an toàn theo quy định.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/tra-vinh-can-von-de-khac-phuc-sat-lo-bo-bien-on-dinh-doi-song-nguoi-dan-31822.html