Trà sư và danh trà Mã Dọ Phú Yên

Bao đời nay, thói quen uống trà đã đi vào đời sống tinh thần của rất nhiều người Việt. Và mỗi độ xuân về tết đến, từ những nếp nhà đơn sơ rực vàng hoa vạn thọ nơi làng quê đến những ngôi nhà rạng rỡ đào, mai ở phố... đều không thể thiếu ấm trà thơm. Tri thức về trà thật bao la, càng tìm hiểu càng tự hào về trà Việt!

Báo Phú Yên trò chuyện với trà sư Ngô Thị Thanh Tâm - người có 30 năm theo đuổi niềm đam mê văn hóa trà, người đã sưu tập hơn 1.000 ấm tử sa từ nhiều niên đại và lập kỷ lục thế giới. Bà luôn trăn trở mong góp tiếng nói đưa trà Việt vươn xa.

Tự hào về trà Việt

* Thưa trà sư, nhắc đến bà thì không thể không nhắc đến bộ sưu tập hơn 1.000 ấm tử sa “Tâm Trà Diệu Bảo” được bà cất công sưu tầm trong gần 30 năm qua, đã xác lập kỷ lục thế giới. Trà sư có thể chia sẻ đôi nét về bộ sưu tập độc đáo này?

- Ðối với tôi, ấm tử sa không chỉ là ấm pha trà mà còn là sản phẩm ẩn chứa nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa. Số lượng ấm tử sa cũng chưa nói lên điều gì. Quan trọng ở đây là yếu tố lịch sử, dấu ấn văn hóa trên từng cái ấm.

Không phải ngẫu nhiên mà ấm tử sa được mệnh danh là một trong bốn quốc bảo của văn hóa Trung Hoa. Hơn 1.000 ấm tử sa tôi sưu tầm từ nhiều niên đại, đầy đủ các thời kỳ: từ thời nhà Minh, nhà Thanh, thời kỳ Dân quốc, thời kỳ Nhất Xưởng, và có tất cả các kiểu dáng cơ bản của ấm tử sa.

Người ta đánh giá ấm tử sa qua 4 tiêu chuẩn: nhất đất, nhì năng, tam hình, tứ triện. Quan trọng nhất là đất tử sa, thứ hai là công năng, thứ ba là hình dáng cái ấm, và thứ tư là triện của nghệ nhân làm nên cái ấm đó. Có những cái ấm lúc trước tôi mua với giá 7.000 USD, hiện giờ giá hơn 50.000 USD, 100.000 USD. Và có những cái ấm trở nên vô giá.

Thời gian đầu, các con tôi giận ghê gớm khi thấy mẹ sẵn sàng bán đi một căn nhà để mua vài cái ấm. Dần dần các con hiểu nên không giận mẹ.

Tôi nghĩ cái gì được mua bằng tiền thì vẫn còn rẻ. Có những cái ấm không thể mua được bằng tiền. Cái ấm đó có giá trị về lịch sử, về văn hóa, về kỷ niệm. Nếu mình đem ra đấu giá thì sẽ bán được rất nhiều tiền nhưng tôi chưa từng nghĩ đến chuyện đem ấm đi đấu giá. Tôi chỉ muốn làm đầy thêm bộ sưu tập. Cũng định dừng rồi đó, nhưng vẫn chưa dừng (cười).

* Không chỉ sưu tập ấm tử sa, trà sư còn tìm hiểu và sưu tầm nhiều loại trà quý của Việt Nam và trên thế giới, có tuổi đời từ vài chục năm đến hàng trăm năm. Bà cảm nhận thế nào về trà Việt, thưa trà sư?

- Tôi thích uống trà, mê trà. Ngụm trà đầu tiên đã làm tôi rung động và tôi theo đuổi niềm đam mê đó tới bây giờ. Tôi học để biết từng loại trà xuất phát từ vùng nào, thu hoạch vào mùa nào, uống ra sao, sau khi uống có tác dụng gì. Mình hiểu được thì mới phát huy tác dụng của trà. Tôi học chuyên ngành thẩm định trà; nhìn, ngửi hoặc nếm một loại trà thì sẽ “đọc” được lý lịch của trà đó.

Sau khi đi một vòng thật lớn, trở về Việt Nam, tôi vừa bất ngờ vừa tự hào về trà Việt - thủy tổ của trà, được sự công nhận của các chuyên gia quốc tế. Việt Nam có những cây trà trên 1.000 năm tuổi. Nhiều chuyên gia từ Nhật, Nga, Ðức... đến vùng trà cổ thụ của Việt Nam nghiên cứu. Họ ngạc nhiên, không hiểu tại sao Việt Nam có những cây trà vĩ đại như vậy. Tuy nhiên mình lại chưa biết khai thác, chưa biết nói lên câu chuyện về cây trà của mình để trở thành huyền thoại trong giới trà.

Người Trung Quốc thì khác. Năm 1972, khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới thăm Trung Quốc, Chủ tịch nước Trung Quốc Mao Trạch Ðông đã tặng Tổng thống Mỹ 200g trà Ðại Hồng Bào. Khi đó, Thủ tướng Chu Ân Lai nói đùa rằng, với 200g trà này, ông Mao Trạch Ðông đã tặng ông Nixon “một nửa giang sơn rồi đó”.

Cây trà Ðại Hồng Bào sống trên núi cao - Vũ Di Sơn, họ gọi là quốc bảo, mỗi năm chỉ thu hoạch được số lượng rất ít. Giới trà xôn xao nói trà Ðại Hồng Bào bây giờ giá 37 tỉ một ký. Tất cả là họ biết cách làm nên câu chuyện.

Hiện nay, đa phần nguồn trà cổ thụ để làm trà Phổ Nhĩ bên Trung Quốc là từ Việt Nam. Số lượng rất lớn. Trà của chúng ta xuất khẩu qua bên đó, giá rất rẻ. Tôi luôn đau đáu về việc này. Tôi muốn dùng kiến thức của mình, dùng tiếng nói nho nhỏ của mình để mọi người cùng biết và tự hào về trà Việt, tìm ra phương án phát triển bền vững trà Việt.

* Nghe nói trà sư từng thưởng thức trà Mã Dọ của Phú Yên. Bà cảm nhận như thế nào về trà này?

- Cách đây mấy năm, tôi được mời uống trà Mã Dọ của Phú Yên. Người mời trà bảo trà sư thẩm giùm tôi loại trà này. Tôi uống trà, thấy ngon quá, nhầm với trà Hồng Ý bên Ðài Loan. Trà Hồng Ý bên Nhật Nguyệt Hồ của Ðài Loan được những nghệ nhân cao cấp làm ra.

Ðây là một trong những danh trà, rất mắc, chừng 60 triệu đồng một ký. Tôi tưởng là trà Hồng Ý nhưng người đó nói không phải, đây là trà Mã Dọ của Phú Yên. Tôi ngạc nhiên: Sao lại có trà ngon dữ vậy! Từ đó tôi có ấn tượng sâu sắc về trà Mã Dọ. Bẵng đi 2 năm, có một vị hòa thượng mời thưởng trà và hỏi tôi biết đây là trà gì không? Tôi nhận ra đây chính là trà Mã Dọ của Phú Yên. Hòa thượng nói trà này quý lắm.

Tôi muốn có nhân duyên nào đó để tìm hiểu và phát huy trà Mã Dọ của Phú Yên. Vì trà đó rất ngon. Nếu mình biết làm nên câu chuyện thì trà Mã Dọ của Phú Yên sẽ trở thành một danh trà, không thua kém bất kỳ danh trà nào trên thế giới!

Thưởng trà trong hòa - kính - thanh - tịnh

* Làm thế nào để có ấm trà ngon, thưa trà sư?

- Người ta nói “Nhứt nước, nhì pha, tam trà, tứ ấm”. Ðể pha được ấm trà ngon, yếu tố quan trọng nhứt là nước. Ngon nhứt là nước mưa, nước giếng.

Tôi nghĩ yếu tố “trà” với “pha” cũng gần gần ngang nhau. Ví dụ, nếu trà dở mà mình biết cách pha thì nó cũng ngon được một chút. Còn mình có trà ngon quá trời mà không biết pha thì cũng thành dở.

Cách pha tùy theo loại trà. Có những loại trà, mình pha với nước nóng 800C, có những loại cần pha với nước 900 hoặc 1000C. Có những loại trà, mình phải để chừng 10-20 giây rồi lấy ra. Có loại trà, mình không dội trực tiếp nước sôi vào ấm, trà bị tác động nhiều quá sẽ dập, nên mình thường cho nước đi vòng quanh ấm trà để tỏa nhiệt cho đều. Còn nếu ấm trà đã pha được nhiều lần rồi thì mình cho dòng nước vô ấm ở góc 7 giờ thì trà sẽ luân chuyển trong ấm, không bị nóng quá dẫn đến cháy trà.

Uống trà, không nên uống khi quá nóng, sẽ không tốt cho vòm họng và không cảm nhận được vị ngon của trà; nên uống sau khi trà còn khoảng 60-650C.

* Theo bà, để cảm nhận trọn vẹn hương vị trà ngon thì uống trà với tinh thần như thế nào?

- Trà đạo của Nhật có câu “Uống trà trong hòa - kính - thanh - tịnh”. Bốn chữ đó nói lên đầy đủ tâm thế của người uống trà.

Riêng tôi, sau rất nhiều năm uống trà, tôi nhận thấy trà giúp thay đổi nhiều về thân, về tâm. Ví dụ một người nóng tánh ghê gớm, sau khi đến với trà thì từ từ họ sẽ thay đổi. Vì muốn uống trà thì phải nấu nước, làm nóng ấm chén, pha trà rồi đợi trà nguội nguội một chút mới uống. Nếu gấp gáp thì không uống trà được. Cho nên lâu dần, việc uống trà sẽ tập cho mình kiên nhẫn, khi đó mình sẽ không còn nóng tánh nữa.

Và những người uống trà lâu năm đa phần thích một mình, không thích đi tới mấy chỗ ồn ào. Tự nhiên suy nghĩ của mình từ từ cũng khác, nhiều khi không còn muốn nóng giận sân si với ai. Ai làm gì thì kệ, tui pha ấm trà ngon tui uống cái đã rồi tính. Trà sẽ tập cho mình cái tánh đó.

* Xin cảm ơn trà sư!

PHƯƠNG TRÀ (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313131/tra-su-va-danh-tra-ma-do-phu-yen.html