TPHCM: Xe buýt - trước nỗi lo ngày càng thưa vắng khách

Từ năm 2020, UBND TPHCM đã phê duyệt đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn. Đề án đặt ra mục tiêu phát triển bền vững vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân và tăng lên 25% vào năm 2030. Dù đã có nhiều nỗ lực thực hiện, mức trợ giá dành cho xe buýt mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng, nhưng việc người sử dụng xe liên tục giảm đã khiến hình thức vận tải hành khách công cộng này lâm vào tình thế lao đao.

Đìu hiu, vắng khách

Theo quan sát của phóng viên, tại các bến xe buýt như Công viên 23/9, An Sương, Củ Chi đều vắng khách, chỉ có người khi vào dịp cuối tuần. Giải thích lý do lâu nay không còn sử dụng xe buýt đi làm, anh Lê Trí (ngụ Q.Tân Bình) cho biết, từ nhà đến công ty ở huyện Củ Chi chỉ đi một chặng xe buýt cho cả lượt đi lẫn lượt về, chi phí khoảng 40.000 đồng/ngày. Nhưng do cứ đi vào giờ cao điểm sáng và chiều, thường xuyên bị kẹt xe nên anh chọn đi làm bằng xe máy cho chủ động.

Việc không thể đảm bảo lộ trình cũng là nỗi bức xúc lớn của chính các đơn vị vận tải bằng xe buýt. Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM (đơn vị chiếm tới gần 50% thị phần xe buýt TPHCM), chia sẻ: Thời gian gần đây, cứ mưa lớn gây ngập là kẹt xe. Từ đầu mùa mưa tới nay, đã có khoảng 10 ngày ngập sâu và tất cả xe buýt đang lưu thông trên đường trong thời điểm đó đều bị kẹt cứng giữa dòng xe cá nhân.

Hiện số lượng hành khách vận chuyển được trên mỗi chuyến xe buýt mới bằng khoảng 50% so với thời điểm trước dịch. Những tuyến ngày trước luôn đông khách như tuyến từ trung tâm thành phố lên Làng Đại học ở TP.Thủ Đức nay cũng chật vật vì vắng khách. Nhiều sinh viên (khách đi xe buýt thân thiết) đã bỏ xe buýt vì không đảm bảo lộ trình, nhất là vào mùa thi, đòi hỏi phải đi đúng giờ.

Theo một tiếp viên kiêm chủ xe tuyến xe buýt 13 (Bến xe Công viên 23/9 - Bến xe Củ Chi) cho biết, 5 năm trở lại đây, lượng khách đi xe buýt sụt giảm mạnh. Nhất là sau dịch Covid-19, khách đi xe buýt giảm nhiều, lượng khách vãng lai ít, chỉ còn công nhân, học sinh, sinh viên...

Bến xe buýt tại Công viên 23/9 (quận 1)

Do khách giảm sâu, nhiều chủ xe buýt không trợ giá đã phải ngừng chạy. Đơn cử năm 2022, tuyến 702 từ 20 xe chỉ còn 2 xe, hợp tác xã điều thêm 3 xe lên chạy, giãn cách đến 1 giờ/chuyến, khách muốn đi phải đợi rất lâu. Đến đầu năm 2023, hợp tác xã động viên xã viên đưa thêm phương tiện vào hoạt động, tăng 10 xe cho tuyến 702 nên thời gian giãn cách còn 30 phút. Nhờ vậy, khách tăng dần, mỗi chuyến được 15 - 20 khách, nhưng như vậy cũng không giúp các chủ xe thoát khỏi mối lo cơm áo gạo tiền.

Bên cạnh đó, tình trạng khách đìu hiu cũng diễn ra ở những tuyến xe buýt có trợ giá. Ghi nhận trên các xe buýt tuyến 14, 24, 48, 41 (Bến xe Miền Đông - Bến xe Miền Tây, Bến xe Miền Đông - Hóc Môn, Bến xe Tân Phú - chợ Hiệp Thành, Bến xe Miền Tây - Bến xe An Sương)... trung bình mỗi chuyến chỉ 15 khách, lượng khách tăng hơn những giờ cao điểm 6 đến 8 giờ, 14 đến 18 giờ nhưng không đáng kể.

Lý giải nguyên nhân khách quay lưng với xe buýt, một tài xế cho rằng, đường sá ngày càng đông đúc, xe buýt không có làn đường riêng, phải chen chúc với xe máy nên thời gian di chuyển kéo dài. Có thời điểm cùng một đoạn đường nếu xe máy tính bằng phút thì xe buýt tính bằng giờ, cộng thêm xe công nghệ phát triển, học sinh, sinh viên được cha mẹ tạo điều kiện di chuyển tốt hơn bằng xe máy, xe điện nên khách đi xe buýt thưa vắng.

Cần giải pháp đột phá

Nhiều bất cập và khó khăn từ hoạt động vận tải hành khách công cộng TPHCM đang diễn ra mà mới đây việc xin đóng tuyến buýt điện là một thí dụ. Có 5 tuyến buýt điện được triển khai thí điểm với thời gian 24 tháng kể từ khi các tuyến đi vào hoạt động. Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus (Công ty VinBus) là đơn vị vận hành các tuyến buýt này.

Trạm chờ đìu hiu, vắng khách

Tháng 3/2023, tuyến buýt điện D4 (Vinhomes Grand Park - bến xe buýt Sài Gòn) là tuyến xe buýt điện đầu tiên tại TPHCM đi vào hoạt động. Buýt điện được người dân quan tâm bởi xe được trang bị các tiện ích hiện đại. Trong 9 tháng năm 2023, buýt điện D4 thực hiện 28.842 chuyến, chở 819.875 lượt khách. Tuy nhiên, lượng khách bình quân mỗi chuyến buýt điện tăng nhưng doanh thu vẫn không đủ bù chi phí. Về lý do, theo báo cáo của Công ty VinBus, tỉ lệ trợ giá cho tuyến xe buýt điện D4 hiện nay là quá thấp (44,1%). Mức này chỉ bằng khoảng 2/3 so với tỉ lệ giá của tuyến xe buýt sử dụng diesel, CNG (khí nén thiên nhiên) nên công ty thua lỗ lớn (năm 2022 lỗ 16,1 tỷ đồng, còn 8 tháng năm 2023 lỗ 12,5 tỷ đồng).

Vì vậy, VinBus đã đề nghị điều chỉnh tỉ lệ trợ giá cho các tuyến xe buýt điện từ 44,1% lên 64,8%. Mức trợ giá này sẽ bằng tỉ lệ trợ giá bình quân hệ thống các tuyến xe buýt năm 2023. Nếu không được xem xét điều chỉnh và sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho buýt điện thì công ty không thể mở tiếp được các tuyến còn lại. Đồng thời, Công ty VinBus xin dừng hoạt động của tuyến buýt điện D4 cuối năm 2023 do thua lỗ.

Ngoài vấn đề trợ giá còn thấp, theo Sở GTVT TPHCM, có một số khó khăn khác khiến 4 tuyến buýt điện còn lại chưa được vận hành đúng kế hoạch ban đầu. Nhằm kịp khuyến khích doanh nghiệp vận tải công cộng sử dụng phương tiện xanh, Sở GTVT TPHCM kiến nghị UBND TP chấp thuận áp dụng tỉ lệ trợ giá 64,8% cho 5 tuyến buýt điện trong năm 2023.

Lác đác vài hành khách trên tuyến buýt điện D4

Trong khi xe buýt trợ giá và không trợ giá đang gặp khó thì xe buýt đấu thầu cũng "kêu cứu". Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, 5 năm nay, việc đấu thầu tuyến xe buýt được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) tích cực triển khai và bước đầu mang lại kết quả khi một số nhà đầu tư tham gia, đưa phương tiện mới vào phục vụ. Tuy nhiên, qua 2 đợt đấu thầu của năm 2020 và 2021, thực tế chuyên chở cho thấy lượng hành khách trên các tuyến xe buýt trúng thầu giảm mạnh.

Kinh phí đầu tư mới 73 phương tiện cho 6 tuyến xe buýt này gần 128 tỷ đồng. Dù đưa phương tiện mới vào hoạt động, nội thất tiện nghi, có hệ thống thanh toán tự động nhưng lượng hành khách đi xe buýt không cao. Điển hình, tuyến xe buýt số 152 (Sân bay Tân Sơn Nhất - Bến xe buýt Sài Gòn), tuy vào khung giờ cao điểm buổi sáng, nhưng lượng khách trên xe cho cả hành trình chỉ hơn 10 người. Theo quan sát của chúng tôi, lượng khách đi xe buýt không phục hồi được so với trước thời điểm dịch bệnh diễn ra, phần do tâm lý khách e ngại tiếp xúc đám đông, phần do thay đổi thói quen chuyển sang xe máy.

Trong điều kiện hiện nay, theo ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, để bảo đảm chất lượng phương tiện phục vụ hành khách, Trung tâm đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa các phương tiện vận tải. Đồng thời, tiến hành kiểm tra và kiên quyết không cho xuất bến đối với các phương tiện kém chất lượng. Ngoài ra, Trung tâm tổ chức, mở mới các tuyến xe buýt theo danh mục mạng lưới tuyến xe buýt; tổ chức lại mạng lưới tuyến xe buýt trên địa bàn trong đó lưu ý mở rộng mạng lưới tuyến kết nối đến khu vực có nhu cầu đi lại lớn tại các khu đô thị mới như Tây Bắc, Thủ Thiêm, Hiệp Phước...

Nói về nút thắt lớn trong vận tải hành khách bằng xe buýt, đó là bảo đảm lộ trình đúng giờ cho hành khách, lãnh đạo Trung tâm cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp các đơn vị chức năng của Sở GTVT nghiên cứu và đề xuất một số khu vực tổ chức làn đường dành riêng hoặc làn đường ưu tiên cho xe buýt để nâng cao tốc độ khai thác, đảm bảo tính đúng giờ phục vụ hành khách. Tuy nhiên, cụ thể thời gian nào thì chưa rõ.

Nhận định về điều này, nhiều chuyên gia vận tải cho rằng, đây là việc rất khó trong bối cảnh TPHCM chưa thể kiểm soát hoạt động của xe cá nhân. Hầu hết các tuyến đường đã quá tải nên việc dành làn đường riêng, thậm chí chỉ ưu tiên trong giờ cao điểm cho xe buýt là không thể.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trong giai đoạn 2014 - 2018, lượng khách đi xe buýt giảm bình quân 6,65%/năm. Năm 2019, xe buýt TPHCM phục vụ khoảng 255 triệu lượt khách, giảm 12,1% so với mức 289,9 triệu lượt khách đạt năm 2018. Năm 2020, lượng khách đi xe buýt chỉ còn hơn 148 triệu lượt. Năm 2021, do dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, chỉ còn 53 triệu lượt hành khách. 10 tháng năm 2023, khách tuy tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 73,1 triệu lượt hành khách (mục tiêu năm 2023 là 95,6 triệu lượt), nhưng vẫn chưa hồi phục như kỳ vọng sau dịch. Như vậy so với giai đoạn 2010 - 2013, thời kỳ đỉnh cao của xe buýt với sản lượng trung bình 365 triệu lượt/năm, sau 10 năm sản lượng khách đi xe buýt đã giảm đến 7 lần.

HỒNG CHÂU

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/giao-thong-24h/xe-buyt-truoc-noi-lo-ngay-cang-thua-vang-khach_155996.html