TPHCM: Phát hành trái phiếu để 'nắn' dòng kiều hối vào hạ tầng

Đây là đề xuất được nhiều chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm 'Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng' do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức sáng 23-4.

Nhu cầu vốn phát triển hạ tầng rất lớn

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết đơn vị đang phụ trách các chương trình về nhà ở xã hội (NoXH); cải tạo chung cư, di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, hạ tầng đô thị. Trong đó, riêng về chương trình NoXH, theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, TPHCM sẽ xây dựng 35.000 căn, giai đoạn 2026-2030 khoảng 58.000 căn. Song song đó, Trung ương giao TPHCM chỉ tiêu xây dựng 26.000 căn 2021-2025, nằm trong chương trình xây dựng 1 triệu căn NoXH.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, tổng kinh phí cho giai đoạn 2021-2025 là 37.700 tỷ đồng cho 35.000 căn; giai đoạn 2026-2030 là 86.400 tỷ đồng cho 58.000 căn. Tuy nhiên, thực tế ngân sách TPHCM chỉ bố trí được khoảng 10%. Số còn lại bắt buộc phải huy động từ nguồn lực xã hội.

Còn theo Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Phan Công Bằng, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giai đoạn 2021-2025 là 533.529 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách TP là 218.239 tỷ đồng; vốn Trung ương, ODA, PPP… là 315.290 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030 là 437.125 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 29/2021/QH15, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TPHCM đã được Quốc hội thông qua là 142.557 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu nguồn vốn ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.

Do vậy, TPHCM đang khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Trung ương chỉ giao cho TPHCM 142.000 tỷ đồng. Với mức "trần" như vậy, TPHCM rất phải cân nhắc thứ tự ưu tiên bố trí các dự án.

Thời điểm đó, TPHCM có 583 dự án chưa được chuyển tiếp để bố trí cho giai đoạn mới. Thực tiễn đó đã làm cho TPHCM chựng lại trong việc triển khai các thủ tục đầu tư dự án. Sau khi Nghị quyết 98 ra đời, TPHCM đã bổ sung được nguồn vốn trung hạn 2021-2025 từ ngân sách địa phương hơn 78.000 tỷ đồng, từ nguồn dự kiến tăng thêm của TP. Với sự bổ sung này, TPHCM có hơn 221.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025.

“Với Nghị quyết 98, HĐND TPHCM đã lên được danh mục 5 dự án BOT giao thông, cuối năm 2023 đã ban hành được 41 dự án y tế, giáo dục văn hóa thể thao để kêu gọi PPP. Đây là nỗ lực rất lớn của TPHCM trong thu hút đầu tư các dự án. Tuy nhiên, việc triển khai dự án PPP trong điều kiện pháp lý hiện nay cũng rất khó khăn”, ông Huỳnh Thanh Hùng phân tích.

Do đó, TPHCM nên lập các tổ nghiên cứu, đề xuất các mô hình huy động vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, trên cơ sở phù hợp quy định của pháp luật và sự cho phép của Nghị quyết 98. Một trong các giải pháp là huy động, gắn kết được với kiều bào để hướng kiều hối vào hạ tầng. Ông Huỳnh Thanh Hùng, cho rằng TPHCM nên tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là qua kênh của Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, để kiều bào nắm được các dự án đang cần vốn, để kiều bào có được thông tin, cơ hội đầu tư hiệu quả.

Nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP:

TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 TPHCM trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á; mục tiêu đến năm 2045 TPHCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.

Khát vọng phát triển thành phố là rất lớn. Dù vậy, có những nút thắt đang cản trở sự phát triển của TPHCM, một trong những điểm nghẽn lớn nhất chính là hạ tầng. Trong khi đó, những năm gần đây, kiều hối trở thành nguồn lực vàng, rất lớn, rất ổn định, tăng dần. Theo thống kê hàng năm, lượng kiều hối chuyển về TPHCM năm 2023 đạt 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022; quý I-2024 kiều hối về TPHCM tiếp tục lập kỷ lục mới, đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ. Kiều hối là tiền của người dân nên việc sử dụng như thế nào là quyền của người dân nhưng dưới góc nhìn vĩ mô, việc Nhà nước cần có chính sách để phát huy nguồn lực này là hết sức cần thiết.

Hút kiều hối vào hạ tầng bằng trái phiếu

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TPHCM, cho biết kiều hối nguồn ngoại tệ từ thu nhập, tích lũy của người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài gửi về cho, tặng thân nhân và gia đình ở trong nước. Nguồn kiều hối này được sử dụng với các mục đích khác nhau như: tiêu dùng, đầu tư kinh doanh hoặc đưa vào sản xuất trực tiếp… và dù mục đích nào cũng đều mang lại lợi ích và qua đó góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN TPHCM

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, nguồn kiều hối lớn đó nếu nắn được vào sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn. "Với bình quân kiều hối 6,9 tỷ USD/năm trong 5 năm gần đây, chỉ cần 30% đã đủ để TPHCM thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Và giải pháp đề xuất để nắn dòng vốn vào các lĩnh vực này là là phát hành trái phiếu địa phương, xây dựng hạ tầng", ông Nguyễn Đức Lệnh chia sẻ.

Trao đổi tại tọa đàm, TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính - bất động sản toàn cầu ước tính, với khoảng 5 triệu kiều bào sinh sống trên thế giới, thu nhập bình quân 20.000 USD/năm, tổng thu nhập này của kiều bào khoảng 100 tỷ USD. Trong khi đó, trong năm 2023, kiều hối chuyển về Việt Nam chỉ khoảng 16 tỷ USD, nên tiềm năng kiều hối còn rất lớn.

TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính - bất động sản toàn cầu

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng kế hoạch phát hành trái phiếu cho kiều bào tại các nước, nhất là các nước phát triển để đóng góp cho việc phát triển hạ tầng tại TPHCM, cần được nghiên cứu và triển khai càng sớm càng tốt. Trước nhất, phát hành riêng lẻ theo nhiều đợt. Đợt đầu tiên thí điểm 100 triệu USD, nếu thành công sẽ tiếp tục.

Cùng quan điểm, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, cho rằng không chỉ hạ tầng giao thông mới là vấn đề bức xúc nhất của TPHCM, mà hạ tầng xã hội cũng rất bức xúc. Do vậy, Nghị quyết 98 cho phép TPHCM thu hút đầu tư theo hình thức PPP chính là để giải quyết bức xúc này.

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98

“Nghị quyết 98 cho phép huy động được nhiều nguồn, quan trọng là có thể hiện thực hóa, đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Kiều hối là nguồn rất lớn, lâu nay đã ích nước lợi nhà. Vấn đề đặt ra là thu hút được nhiều hơn và đưa vào đầu tư phát triển”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh,

Ông Trần Du Lịch dẫn chứng về tuyến Metro của TPHCM. Nếu chọn 1 dự án để phát hành trái phiếu dự án đó và cơ chế cho kiều bào mua. Một giải pháp nữa là phát hành trái phiếu đô thị. Loại trái phiếu này được bảo đảm bằng ngân sách TPHCM, cũng rất an toàn, giống như trái phiếu Chính phủ. Nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép loại trái phiếu này được lưu chuyển, giao dịch trên thị trường như trái phiếu Chính phủ, người dân sẽ lựa chọn.

Đây là một kênh cho kiều hối chảy vào. Với các dự án lớn thì Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) với chức năng công ty đầu tư tài chính nhà nước có thể lập quỹ đầu tư cho từng dự án với nhiều nguồn huy động, trong đó có nguồn kiều hối. “Không thể huy động kiều hối một cách đơn lẻ mà phải qua các định chế, với vai trò khởi xướng của nhà nước, đảm bảo an toàn để thu hút kiều hối”, ông Trần Du Lịch cho biết.

Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, chỉ ra tiềm năng của kiều bào rất rõ, lượng kiều hối gửi về gia tăng, ngoài việc gửi về Việt Nam như khoản tiết kiệm, thì nguồn vốn đầu tư của người Việt ở nước ngoài vẫn còn lớn nếu chúng ta có cách thức huy động. Do đó, việc hoàn thiện thể chế để tiếp sức, khơi nguồn, khuyến khích huy động đầu tư… là rất quan trọng. Đặc biệt là đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội. Thống kê có khoảng 50% kiều bào Việt Nam có mối quan hệ với TPHCM và đây là nguồn lực lớn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam

“Tôi thấy rằng việc đầu tư của bà con trên cơ sở lợi ích, nhưng sự đóng góp của bà con trên cơ sở khơi gợi lòng yêu nước cũng rất quan trọng cho sự phát triển của TPHCM. Tuy vậy, trên hết vẫn chính là sự minh bạch, có sự giám sát của cộng đồng và tôi hy vọng quỹ phát triển cơ sở hạ tầng TPHCM cũng là dự án PPP, với sự tham gia của các nhà đầu tư, trong đó chính quyền chịu trách nhiệm chính nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, tính minh bạch…”, ông Vũ Tiến Lộc phân tích.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường: TPHCM là một siêu đô thị với trên 10 triệu dân, nhu cầu về hạ tầng, từ hạ tầng giao thông, đến trường học, bệnh viện, nhà ở, công viên… là rất lớn và không ngừng tăng lên. Làm thế nào để đáp ứng tốt nhu cầu, nâng cao chất lượng môi trường đời sống người dân là trách nhiệm mà TPHCM phải giải quyết. Để thực hiện được bài toán này, đòi hỏi phải huy động được nguồn lực tổng hợp đủ lớn.

Điều đáng trân trọng là trong quá trình gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo thành phố, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài luôn bày tỏ mong muốn được đầu tư nhiều hơn nữa cho quê hương, đặc biệt là cho TPHCM. Đầu năm 2023, UBND TPHCM đã giao Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM xây dựng Đề án “Chính sách thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố”.

Qua nhiều lần dự thảo, lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, các cơ quan đơn vị liên quan, đến nay Đề án đang được tiếp tục hoàn thiện để sớm được thông qua và thực hiện. Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nghiên cứu triển khai nhiều kênh đầu tư phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con kiều bào và thân nhân an tâm đầu tư cho sự phát triển chung của thành phố và đất nước.

Yên Lam

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tphcm-phat-hanh-trai-phieu-de-nan-dong-kieu-hoi-vao-ha-tang-post113526.html