TPHCM: Nỗ lực kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông

Là đô thị loại đặc biệt, trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, dịch vụ, du lịch của cả nước và là đầu mối giao thông (GT) lớn, giao lưu quốc tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điếm phía Nam, TPHCM có mật độ dân số và phương tiện GT tập trung đông đúc.

Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về nhiều mặt đã thu hút số lượng lớn người dân từ các tỉnh, thành đến sinh sống, học tập và làm việc khiến nảy sinh một số vấn đề trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Bên cạnh đó, sự phát triển cơ sở hạ tầng GT chưa tương xứng, dẫn đến tình trạng quá tải, chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của TP. Dù đã triển khai rất nhiều giải pháp nhưng tình trạng ùn tắc, ùn ứ vẫn xảy ra, nhất là vào các giờ cao điểm, đặc biệt là tại khu vực sân bay, bến cảng, trung tâm TP và các cửa ngõ...

Ùn ứ giao thông vẫn còn phức tạp

theo thống kê của lực lượng chức năng, tính đến năm 2023, tổng chiều dài các tuyến đường là 4.986km, tổng diện tích mặt đường là 92,9 triệu m2; tổng số cầu đường bộ là 1.164 cầu với tổng chiều dài là 97,1km, tổng diện tích mặt cầu là 1.146.316 m2. Ngoài ra, còn có 56 nút GT khác mức (cầu vượt) chủ yếu trên các trục đường chính có mật độ GT lớn như Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, đường Cộng Hòa, đường Ba Tháng Hai...; 5 tuyến hào kỹ thuật với tổng chiều dài 20,5km; 20 hầm trên đường bộ, 1 hầm vượt sông Sài Gòn; cùng với 1.021 camera giám sát GT (trong đó có 153 camera đo đếm lưu lượng, 25 camera đo tốc độ), 75 bảng thông tin GT điện tử; 1.147 giao lộ được lắp đặt đèn tín hiệu GT, trong đó có 216 chốt đã kết nối điều khiển tập trung.

Năm 2023, mật độ đường GT bình quân trên diện tích đất toàn TP là 2,38 km/km2; tỉ lệ đất GT trên đất xây dựng đô thị là 13,88% (chưa đạt chỉ tiêu theo quy định). TP hiện quản lý 9.220.973 phương tiện, bao gồm 940.126 ôtô và 8.280.847 môtô. Trong giai đoạn 2009 - 2023, bình quân mỗi năm tổng số phương tiện tăng 7,2%/năm, ôtô tăng 8,9%/năm, môtô tăng 7%/năm.

Trong khi đó, tính đến hết năm 2023, tổng dân số trên hệ thống cơ sở dữ liệu TP là 3.091.152 hộ với hơn 10,9 triệu người sinh sống và làm việc, chưa tính lượng người nhập cư từ các nơi khác đến TP cư trú.

Các số liệu thống kê trên cho thấy, mật độ dân số và phương tiện GT tập trung đông đúc cộng với sự phát triển cơ sở hạ tầng GT chưa tương xứng đã dẫn đến một số vấn đề trên lĩnh vực TTATGT, trong đó là nổi cộm là tình trạng ùn tắc, ùn ứ GT vào các giờ cao điểm.

UBND TPHCM nhận định, dù công tác bảo đảm TTATGT thời gian qua luôn được chú trọng, tăng cường và đã đạt được một số kết quả nổi bật như: nhiều công trình GT trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần giảm tai nạn GT, giảm ùn tắc GT, phát triển kinh tế - xã hội; tình hình ùn tắc GT được cải thiện thông qua số điểm nguy cơ ùn tắc GT giảm qua từng năm. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc, vi phạm pháp luật về GT đường bộ vẫn diễn biến phức tạp; kết cấu hạ tầng GT tuy đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp nhưng chưa tương xứng với sự gia tăng nhanh của các loại phương tiện.

Điều tiết giao thông tại giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo (ảnh CTV)

Điều tiết giao thông tại giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo (ảnh CTV)

Theo báo cáo của Công an TPHCM, từ năm 2009 đến hết năm 2023, trên địa bàn TP xảy ra 177 vụ ùn tắc GT kéo dài trên 30 phút (trong đó năm 2009 là năm có số vụ ùn tắc GT xảy ra cao nhất với 79 vụ). Từ năm 2015 đến hết năm 2023 trên địa bàn không xảy ra tình trạng ùn tắc GT kéo dài trên 30 phút, chỉ ghi nhận xảy ra một số vụ ùn ứ GT mà nguyên nhân do xảy ra tai nạn, sự cố đột xuất và vào dịp ngày lễ, Tết, người dân trở về quê nghỉ lễ, phương tiện gia tăng đột biến tại các khu vực cửa ngõ, sân bay, cảng... nên xe di chuyển chậm.

Bên cạnh đó, xác định tình trạng ùn tắc GT trên địa bàn TP, thống kê cho thấy số điểm nguy cơ ùn tắc GT giảm dần qua từng năm (năm 2017 có 37 điểm, năm 2023 giảm còn 24 điểm). Đến hết năm 2023, có 4 điểm chuyển biến tốt, 12 điểm có chuyển biến nhưng tình hình GT còn phức tạp và 8 điểm không chuyển biến, dẫn đến có 4.469 vụ ùn ứ GT.

Tập trung nhiều biện pháp khắc phục

theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, nhằm góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc, ùn ứ GT trên địa bàn, TP sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm, đầy đủ, kịp thời các nhóm giải pháp trọng tâm, lồng ghép trong các kế hoạch an toàn GT hàng năm; phê duyệt và ban hành kế hoạch thực hiện các đề án như: Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng GT trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 - 2030, Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia GT trên địa bàn...

Đồng thời, UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành nhanh chóng xây dựng kế hoạch chi tiết để xử lý các điểm nguy cơ ùn tắc GT, phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các giải pháp theo 2 nhóm chính: giải pháp công trình và giải pháp phi công trình.

Kẹt xe nghiêm trọng tại các cửa ngõ ra vào trung tâm TP (ảnh CTV)

Kẹt xe nghiêm trọng tại các cửa ngõ ra vào trung tâm TP (ảnh CTV)

Cụ thể, Sở GTVT đã triển khai các giải pháp kỹ thuật như đầu tư xây dựng và nâng cấp, cải tạo các công trình GT đường bộ; cải tạo kích thước hình học, mở rộng lòng đường, mở rộng hẻm. Điều chỉnh tổ chức GT khoa học, hợp lý, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng GT hiện hữu. Siết chặt kinh doanh vận tải, xử lý tình trạng "bến cóc, xe dù”; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác hiệu quả trung tâm điều hành GT đô thị, hỗ trợ xử lý vi phạm qua hình ảnh, cung cấp thông tin GT trực tuyến...

Công an TPHCM cũng đã xây dựng phương án bố trí lực lượng điều tiết GT trong giờ cao điểm, huy động các lực lượng khác (quân sự, thanh niên xung phong, Đoàn thanh niên...) tham gia phối hợp điều tiết GT. Trong khi đó, Ban An toàn GT TP tăng cường công tác tuyên truyền về TTATGT. Các quận, huyện, TP.Thủ Đức tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán không đúng quy định gây mất TTATGT...

Ùn tắc trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (ảnh CTV)

Ùn tắc trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (ảnh CTV)

UBND TPHCM cũng nhấn mạnh, tiếp tục đẩy nhanh hoàn thành các công trình GT trọng điểm nhằm góp phần cải thiện tình hình GT trên địa bàn TP; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, giám sát và điều hành, hỗ trợ xử lý vi phạm để kéo giảm tình trạng ùn tắc GT. Cụ thể, cần tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng GT tương đối đồng bộ, hiện đại; nâng cao năng lực vận tải, bảo đảm GT thông suốt, an toàn. Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ và các tuyến đường đô thị trọng yếu theo Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng GT trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 - 2030, bảo đảm đạt điều kiện an toàn cao cho tất cả các đối tượng tham gia GT. Ưu tiên xây dựng các tuyến liên kết vùng, tuyến tránh đô thị, các điểm kết nối GT vận tải...

Song song đó, cần hiện đại hóa công tác quản lý khai thác và bảo trì hạ tầng GT; tăng cường năng lực của hệ thống hạ tầng GT hiện hữu; nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu. Thường xuyên rà soát, tổ chức GT khoa học, hợp lý; thực hiện công tác bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng GT gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn GT trên địa bàn. Triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia GT trên địa bàn TP, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 15%...

Trung Hiếu

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/giao-thong-24h/no-luc-keo-giam-tinh-trang-un-tac-giao-thong_161331.html