TPHCM có sân khấu đa trải nghiệm dành riêng cho thiếu nhi

Đại diện ê-kíp cũng tiết lộ, vở kịch ra mắt của sân khấu có thể sẽ được lưu diễn ở cả 63 tỉnh thành và sử dụng cả thủ ngữ (ngôn ngữ kí hiệu).

Sáng 23-1, sân khấu Ban Mai – sân khấu đa trải nghiệm dành cho đối tượng thiếu nhi đã được ra mắt tại sân khấu Hòa Bình C30 (141 Bắc Hải, phường 14, quận 10, TPHCM). Đây được xem là điểm hẹn mới giúp vun bồi đời sống tinh thần cho các em nhỏ.

Ê-kíp và các nghệ sĩ sân khấu Ban Mai tại buổi ra mắt sáng 23-1

Nói về cái tên Ban Mai, đạo diễn Bảo Chu cho biết, ban mai là thời khắc tươi đẹp nhất khởi đầu một ngày mới. Nó gợi lên sự trong trẻo, mát lành, bình yên của nắng sớm đồng thời hứa hẹn tương lai đầy tiềm năng và những điều tươi mới tốt đẹp. Với mỗi bậc phụ huynh, con cái cũng chính là ban mai, là động lực mỗi ngày để cha mẹ không ngừng phấn đấu, là tình yêu, là sự hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn dành cho con cái.

Khác với các sân khấu khác trên địa bàn TPHCM, sân khấu Ban Mai chuyên diễn kịch thiếu nhi lấy chất liệu từ văn hóa, nghệ thuật và một phần lịch sử Việt Nam, quốc tế. Nội dung sẽ là những câu chuyện, bài học ý nghĩa mang tính giáo dục hướng đến trẻ con cũng như cha mẹ nhằm mang đến những trải nghiệm đa chiều, tạo sự gắn kết bền vững cho gia đình.

Đặc biệt thông qua các vở kịch là những bài học mang tính nền tảng gắn liền với xã hội đương đại, lấy sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái là trọng tâm.

Ông Lê Hữu Luận, Giám đốc sản xuất sân khấu kịch Ban Mai chia sẻ về định hướng phát triển sân khấu

“Chúng tôi muốn làm một sân khấu trong sáng, đơn thuần cho thiếu nhi, nơi nuôi dưỡng trí tưởng tượng và những ước mơ của trẻ em thông qua những tác phẩm kịch đảm bảo giá trị chân chính của văn hóa – nghệ thuật, những bài học giáo dục cao về tình yêu thương gia đình, bạn bè, thiên nhiên và cuộc sống”, ông Lê Hữu Luận, Giám đốc sản xuất sân khấu kịch Ban Mai chia sẻ.

Ông Luận cũng nhấn mạnh bên cạnh việc xem kịch, sân khấu Ban Mai còn tạo ra những không gian trải nghiệm đa tương tác, nơi các bậc phụ huynh và các em nhỏ có thể tham gia các hoạt động vừa học vừa chơi đầy màu sắc.

Trước mỗi vở diễn sẽ có các trò chơi lấy nội dung, thông điệp từ vở kịch, các hoạt động vừa học vừa chơi và giao lưu cùng diễn viên.

Trong vở diễn cũng sẽ có những đoạn hội thoại tương tác giữa nhân vật với các bé thông qua trò chuyện trực tiếp ngay tại ghế ngồi hay mời các bé lên sân khấu.

Đặc biệt, sau vở diễn sẽ có thêm hoạt động chụp hình giao lưu với các nhân vật, diễn viên…

Nhiều nghệ sĩ tên tuổi cùng tham gia tại sân khấu Ban Mai

Sân khấu Ban Mai cũng quy tụ những tên tuổi nghệ sĩ quen thuộc trên các sân khấu kịch hiện nay như: NSND Trịnh Kim Chi, NSND Hữu Quốc, Phương Dung, Phi Phụng, Quách Ngọc Tuyên, Tô Thiên Kiều, ca sĩ Nam Cường, Duy Khiêm Khố, Lâm Thắng…

Tết Giáp Thìn, sân khấu Ban Mai trình làng vở diễn đầu tiên mang tên Rago – Hành trình đầu tiên của hai biên kịch Bảo Chu và Trang Tẽn.

Nhân vật chính trong vở kịch là cậu bé rồng Rago thông minh, lém lỉnh, cá tính nhưng bốc đồng nên dễ làm người khác tổn thương. Cũng vì những cá tính mạnh đó, cộng thêm sự tự tin vào bản thân nên Rago cũng có những hành động coi thường người khác. Rago có cha là một thầy giáo nghiêm khắc, ít nói, luôn muốn cậu bé trưởng thành, tự lập. Trong khi đó, mẹ Rago là người phụ nữ nội trợ thương con vô điều kiện.

Nhân vật Rago trong vở kịch đầu tiên của sân khấu

Thông qua hành trình đến với nhiều vùng đất, trải qua nhiều biến cố, các tình huống khác nhau, vở kịch mang đến những thông điệp, bài học về tình yêu thương…

Một điểm rất đặc biệt được đạo diễn Bảo Chu hé lộ vở diễn cũng sẽ được sử dụng cả thủ ngữ với mục tiêu các bạn nhỏ có những khiếm khuyết cũng sẽ được có cơ hội theo dõi tác phẩm bằng chính trải nghiệm cá nhân. Anh cũng mong muốn vở diễn sẽ được đem đi diễn tại khắp 63 tỉnh thành để phục vụ các em nhỏ.

Vở diễn sẽ có các suất diễn đặc biệt lúc 19 giờ ngày 27-1 và 16 giờ ngày 28-1 trước khi công diễn chính thức từ mùng 2 đến mùng 9 Tết Giáp Thìn.

HẢI DUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-co-san-khau-da-trai-nghiem-danh-rieng-cho-thieu-nhi-post723951.html