TPHCM: Cấp số định danh, CCCD cho 200 trường hợp đặc biệt

Sáng 20/6, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an TPHCM phối hợp với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH - Bộ Công an, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam TPHCM cùng Ban Chỉ đạo Đề án 06 TP. Thủ Đức đã tổ chức thu thập dữ liệu dân cư, cấp căn cước công dân (CCCD) cho bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần (địa chỉ số 37 Phú Châu, P.Tam Phú, TP.Thủ Đức).

Làm việc bất kể ngày đêm

Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần thuộc Sở LĐTB&XH TPHCM hiện đang là nơi điều dưỡng của hơn 1.000 người lang thang cơ nhỡ mắc bệnh tâm thần. Phần lớn trong số họ không có thông tin về nhân thân, không biết từ nơi nào đến bởi họ không tỉnh táo nên khi được đưa về trung tâm, các y bác sĩ, nhân viên dù cố gắng nhưng cũng chỉ thu nhận được rất ít thông tin về bản thân, gia đình cũng như quê quán.

Để thực hiện việc cấp số định danh cũng như triển khai việc cấp CCCD gắn chíp cho số người này, CBCS của Đội 2 Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TPHCM và Công an P.Tam phú, TP.Thủ Đức đã phải làm việc trong nhiều ngày tại trung tâm để dò từng thông tin dù là mơ hồ nhất, để tìm ra manh mối về nhân thân của họ.

Kết quả của những ngày làm việc bất kể ngày đêm của lực lượng Công an, nhân viên trung tâm và các cơ quan liên quan đã tìm và làm sạch được thông tin của hơn 200 trường hợp. Bác sĩ Huỳnh Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần, cho biết: Hôm nay, trung tâm rất vui mừng bởi suốt một thời gian dài, chúng tôi đã nỗ lực nhiều nhưng chưa thể thực hiện được, nay đã có bước đầu khả quan. Đây là bước tiến lớn tạo điều kiện cho trung tâm làm tốt hơn công tác chăm sóc các đối tượng bị tâm thần lang thang cơ nhỡ.

Ông cho biết thêm, theo Quyết định 812 của UBND TPHCM, mỗi tháng, trung tâm tiếp nhận khoảng 25 - 30 đối tượng. Họ là người từ nhiều địa phương trên cả nước dạt về TPHCM, sống lang thang nơi công cộng, không có thông tin về nhân thân. Với chức năng là nơi tiếp nhận ban đầu nên sau thời gian phân loại, trung tâm sẽ giữ lại những trường hợp bị bệnh tâm thần kèm thêm nhiều bệnh trọng như: HIV/AIDS, ung thư; còn chuyển đi các trung tâm khác những trường hợp nhẹ hơn. "Khi về trung tâm, chúng tôi chăm sóc sức khỏe thể chất cũng như điều trị bệnh, nhưng vấn đề xác minh nhân thân gặp nhiều khó khăn do họ bị bệnh tâm thần nên rất khó khai thác", vị bác sĩ này chia sẻ.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Thượng tá Hồ Thị Lãnh - Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TPHCM cho biết, hiện nay trên địa bàn TPHCM có khoảng hơn 3.000 đối tượng thuộc diện nhân khẩu đặc biệt (không có giấy tờ tùy thân, chưa được thu thập thông tin dân cư, cấp số định danh cá nhân trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giải quyết cư trú và cấp CCCD). Trong đó, phần lớn tập trung tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội do Sở LĐTB&XH quản lý gồm: người lang thang, cơ nhỡ, tâm thần, hộ nghèo, cận nghèo...; do Sở Y tế quản lý là người nhiễm HIV/AIDS và số còn lại đang sinh sống trong các hộ gia đình, ngoài xã hội trên địa bàn thành phố.

Với phương châm "Không ai bị bỏ lại phía sau" nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân, góp phần đưa Đề án 06/CP gần hơn với thực tế và đời sống của nhân dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác đăng ký, quản lý cư trú góp phần ổn định cuộc sống của người dân và bảo đảm tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, Ban Chỉ đạo Đề án 06/CP thành phố ban hành Kế hoạch 1878/KH-BCĐ ngày 20/4/2023 về Kế hoạch Phối hợp thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp CCCD đối với các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn thành phố trong năm 2023. Theo đó, TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu 100% công dân thuộc diện nhân khẩu đặc biệt được cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú, CCCD; bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Luật Cư trú năm 2020, Luật CCCD, Luật Hộ tịch năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thượng tá Hồ Thị Lãnh - Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH nói về kế hoạch

Thượng tá Lãnh nhấn mạnh, kế hoạch này thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của chính quyền thành phố trong công cuộc "chuyển đổi số" đối với các trường hợp đặc biệt khó khăn. Công việc này cũng góp phần vào mục đích triển khai đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan trong việc triển khai hiệu quả các phương pháp, giải pháp để thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú, cấp CCCD; đồng thời, tổ chức thực hiện đồng bộ trên địa bàn thành phố với phương châm "trách nhiệm, hiệu quả” và tiêu chí "dễ làm trước, khó làm sau". Trong thời gian tới, Công an TPHCM sẽ tiếp tục bám sát các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch 1878/KH-BCĐ để phối hợp các sở, ngành và đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp CCCD tại các trung tâm/cơ sở bảo trợ xã hội khác trên toàn thành phố.

CBCS Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH thu thập thông tin làm CCCD gắn chíp cho người dân tại trung tâm

Đồng hành cùng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TPHCM, đại diện Cục Cảnh sát QLHC về TTXH Bộ Công an, Trung tá Nguyễn Thị Ngọc Huấn chia sẻ: Đây là vấn đề nhức nhối cần phải giải quyết dù còn rất nhiều khó khăn. Nhiệm vụ của chúng ta là tất cả công dân Việt Nam phải được hưởng mọi chính sách an sinh xã hội như nhau. Công an TPHCM bước đầu làm được như thế này là rất tốt. Với những khó khăn còn tồn tại, Trung tá Huấn khẳng định: "Vướng mắc đến đâu, tháo gỡ đến đó”.

Giúp đưa người bệnh ra nơi làm CCCD gắn chíp

Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó Giám đốc Công an TPHCM: Thời gian qua, với vai trò cơ quan thường trực, Công an TPHCM luôn tích cực, chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của TPHCM triển khai nhiều mô hình điểm theo Đề án 06 phù hợp đặc điểm tình hình của địa phương. Điển hình như: Mô hình điểm dịch vụ công để thực hiện thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp, cấp tài khoản định danh điện tử mức 2, hướng dẫn nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến tại các chung cư; Mô hình triển khai thực hiện tiếp nhận thông tin khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ CCCD gắn chíp tại các bệnh viện.

Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó Giám đốc CATP phát biểu chỉ đạo trong một Hội nghị về Đề án 06

Ngoài ra, Công an TPHCM đã phối hợp chặt chẽ với Sở LĐTB&XH TPHCM thực hiện mô hình an sinh xã hội trong công tác làm sạch dữ liệu dân cư đối với người có công. Trong thời gian tới, Công an TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp CCCD các trung tâm/cơ sở bảo trợ xã hội trên toàn thành phố.

Ngọc Anh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/cap-so-dinh-danh-cccd-cho-200-truong-hop-dac-biet_148708.html