TPHCM: 'Bài toán' tìm sân chơi giải trí cho thiếu nhi

Thiếu vắng sân chơi giải trí (SCGT) và chương trình, tác phẩm mới thú vị dành cho thiếu nhi là thực trạng nhiều năm qua trong lĩnh vực này. Giữa lúc phụ huynh (PH) gian nan tìm chỗ vui chơi phù hợp cho con em, thì không ít khán giả nhí lại tiếp cận các nội dung giải trí không phù hợp lứa tuổi trên không gian mạng.

Nhu cầu về điểm vui chơi giải trí lành mạnh, bổ ích cho thiếu nhi ở đô thị hơn 10 triệu dân được đặt ra nhiều năm qua, song cơ sở vật chất (CSVC) và sân khấu (SK) đa số chưa đáp ứng, còn tạm bợ.

Nhiều điểm vui chơi giải trí mang tính "tạm trú”

sáng 08/3/2024, chúng tôi đến Rạp xiếc tại Công viên Gia Định ở Q. Gò Vấp. Trong khuôn viên vẫn còn những chi tiết trang trí cho dịp Tết vừa qua. Khu trải nghiệm nghệ thuật múa rối - xiếc được thành lập cách đây không lâu đã đưa vào hoạt động. Không gian nơi đây rộng rãi nhưng các chương trình nghệ thuật giải trí cho thiếu nhi chỉ diễn ra vào cuối tuần.

Đạo diễn Nguyễn Phi Sơn - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (NTPN) - chia sẻ, rạp xiếc dời về đây đã hơn 10 năm và dù địa điểm này không quá xa trung tâm thành phố (TP) nhưng với tình hình giao thông như hiện tại thì các gia đình vẫn khó tiếp cận. Trước đây đoàn thường diễn ở Công viên 23-9, vị trí đắc địa, không chỉ thu hút thiếu nhi trong nước mà còn thuận lợi để du khách nước ngoài đến xem.

Trong bối cảnh còn thiếu SCGT cho thanh thiếu nhi như hiện nay, ông Sơn đề xuất cần có sự phối hợp giữa các đơn vị biểu diễn và các nhà hát, SK hiện hữu ở khu vực trung tâm với giá thuê rạp được hỗ trợ hợp lý, để trẻ em dễ tiếp cận các chương trình hơn. "Mỗi năm chúng tôi có hơn 30 suất diễn ở vùng sâu vùng xa, về các quận, huyện để đưa SCGT đến gần hơn với thiếu nhi. Nhằm tăng tương tác với khán giả, chúng tôi mở khu trải nghiệm giới thiệu về các loại hình múa rối, hướng dẫn trải nghiệm làm diễn viên múa rối, diễn viên xiếc dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ. Nhà hát NTPN là đơn vị đầu tiên đưa vào hoạt động khu trải nghiệm này, tuy nhiên để mở rộng hơn nữa nhằm phục vụ các bạn nhỏ, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn về CSVC", Phó Giám đốc Nhà hát NTPN chia sẻ. Theo ông, điều kiện CSVC là 1 trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của chương trình biểu diễn, trong đó chi tiết nhỏ như mái bạt che mưa che nắng ở SK hiện đã xuống cấp, cần thay mới để tránh ánh nắng lọt vào làm ảnh hưởng đến chương trình.

Các em thiếu nhi đến khu đọc sách ở Thảo Cầm Viên TPHCM

Tọa lạc ở trung tâm TP, một trong những điểm vui chơi giải trí cho thiếu nhi được nhắc đến nhiều trong thời gian qua là SK Sen Hồng. Nơi đây có nhiều năm bỏ không, CSVC xuống cấp, hoang phế. Sen Hồng ra mắt năm 2013 tại khu B của Công viên 23-9, kế hoạch ban đầu là điểm hẹn dành cho thiếu nhi TP với 3 đêm diễn miễn phí hàng tuần; trong đó có các chương trình ca múa nhạc thiếu nhi, biểu diễn thời trang, tấu hài, xiếc, ảo thuật, cải lương, kịch nói. Tham gia những đêm diễn này có các đơn vị hoạt động văn hóa - nghệ thuật (VH-NT) chuyên nghiệp của TP, các em thiếu nhi, tuy nhiên sau thời gian ngắn, SK với sức chứa 1.500 khán giả này bỏ trống, xuống cấp, lãng phí một nơi biểu diễn nghệ thuật bổ ích cho thiếu nhi và người dân TP.

Các thiết chế văn hóa (VH) cấp TP của TPHCM có hoạt động vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi còn có Cung Văn hóa Lao động TP, Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà Thiếu nhi TPHCM... Tuy nhiên, những nơi này cũng chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí thường xuyên cho thiếu nhi, đơn giản như tìm kiếm nơi có phòng đọc sách cộng đồng hay khu vực trò chơi trẻ em đạt chuẩn... đều gặp khó khăn.

Một số SK kịch và rạp xiếc cho thiếu nhi tại TPHCM cũng "tạm trú” tại các nhà văn hóa, công viên, điều này dẫn đến CSVC và SK đều được lắp ghép xây dựng (XD) tạm, vừa không đáp ứng nhu cầu trình diễn, vui chơi vừa nhanh xuống cấp.

Ở lĩnh vực kịch nói, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B trên đường Võ Văn Tần cũng là nơi có nhiều vở kịch dành cho thiếu nhi, tạo sân chơi lành mạnh cho tuổi thơ, tuy nhiên CSVC ở SK kịch này cũng cần tu sửa nhiều mới đáp ứng nhu cầu hiện nay. "Cuối tuần, tôi dẫn con đang học lớp 4 đi xem kịch ở đây. Nhiều vở có nội dung hấp dẫn và dàn diễn viên luôn nỗ lực để tăng sự tương tác với khán giả, nhưng khán phòng, ghế ngồi cần chỉnh trang, trong đó khán giả dẫn con em đi xem đều phải leo thang bộ nhiều tầng khá bất tiện", chị Uyên (ngụ Q. Bình Thạnh) chia sẻ.

Sân khấu cho thiếu nhi tại Quận 10

Sân chơi giải trí thiếu đồng bộ

trong cuộc họp chuẩn bị dự thảo báo cáo khảo sát hiện trạng vui chơi giải trí dành cho trẻ em trên địa bàn TPHCM gần đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhấn mạnh cần lấy ý kiến chuyên gia và thực hiện các hội nghị chuyên đề với đại diện sở ngành, đoàn thể cấp TP, đại diện UBND các quận/huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin các quận/huyện về kết quả điều tra khảo sát hiện trạng cơ sở vui chơi giải trí dành cho trẻ em. Bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức và ý thức của người dân về tầm quan trọng của thiết chế VH cơ sở, khuyến khích xã hội hóa trong XD điểm vui chơi giải trí từ cấp cơ sở cho thiếu nhi TP.

Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) TPHCM đến năm 2030 nêu tổng nhu cầu vốn phát triển ngành này đến năm 2030 là 14.668 tỷ đồng, gồm đầu tư XD thiết chế VH; hỗ trợ XD các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; XD sản phẩm, thương hiệu và thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác phát triển các ngành CNVH; tổ chức quản lý, điều hành, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực CNVH. Tuy nhiên đến nay, hệ thống thiết chế VH ở đô thị hơn 10 triệu dân này vẫn hoạt động chưa hiệu quả.

Những lần trò chuyện với chúng tôi, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu IDECAF luôn nhấn mạnh ý kiến "cần XD lớp khán giả kế thừa". Đây cũng là điều mà tất cả những người quan tâm đến thế hệ trẻ và các SCGT cho lứa tuổi này nhiều lần đề cập. Theo ông Tuấn, các em phải được nuôi dưỡng thói quen đến sân chơi nghệ thuật giải trí bổ ích từ nhỏ. Nhưng thực tế cho thấy, nơi vui chơi dành cho thiếu nhi hiện trong tình trạng thiếu, không đồng bộ, nhiều thiết chế VH xuống cấp.

Thiếu vắng sân chơi và chương trình phù hợp lứa tuổi, không ít khán giả nhí đã dành thời gian cho không gian mạng. Ở đó, các em dễ sa đà vào "biển" thông tin với đủ loại nội dung mà PH không phải lúc nào cũng có thể kịp thời kiểm soát. Phụ huynh của 1 bé học lớp 1 của 1 trường tiểu học ở trung tâm TP tâm sự, mới đây chị ngỡ ngàng khi con đi học về đã hỏi về 1 nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc đang nổi tiếng. Bé cho biết nghe các bạn trong lớp xem trên mạng rồi truyền tai nhau!

Rạp xiếc tại Công viên Gia Định, Q. Gò Vấp (ảnh chụp sáng 08/3)

Giải trí trên Internet và mạng xã hội còn mang đến nhiều tác hại, trước mắt là ảnh hưởng đến thị giác của trẻ. Số em bị các bệnh về mắt và đi khám, đeo kính ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, không gian mạng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi thiếu nhi "lạc" vào đây dễ trở thành nạn nhân của kẻ xấu giấu mặt sau bàn phím.

Thấy gì từ những nỗ lực bước đầu?

tạo dựng SCGT cho thiếu nhi để đáp ứng nhu cầu giải trí của lứa tuổi này là trăn trở không chỉ của những người quản lý VH và các bậc PH mà còn là sự quan tâm của những người sáng tác, nghệ sĩ.

Đầu năm, dịp SK Ban Mai ở Q10 đi vào hoạt động, ông Lê Hữu Luận - Giám đốc sản xuất của SK - cho biết, những người tổ chức muốn làm 1 SK trong sáng, đơn thuần dành cho thiếu nhi, nuôi dưỡng trí tưởng tượng và ước mơ của trẻ thông qua những tác phẩm kịch. "Ngoài xem kịch, chúng tôi còn tạo ra những không gian trải nghiệm đa tương tác, nơi các bậc PH và con cái có thể cùng tham gia vào các hoạt động vừa học vừa chơi đầy màu sắc đồng thời cũng mang ý nghĩa riêng, giúp các thành viên trong gia đình gắn kết hơn, thấu hiểu nhau hơn, để nuôi dưỡng những tâm hồn đẹp trong bối cảnh hiện nay", ông cho biết.

Tạo nên 1 "điểm đến VH" dành cho thiếu nhi và các bậc PH mong tìm kiếm những nơi giải trí phù hợp cho con em, đặc biệt chú trọng đến đời sống tinh thần thông qua các sản phẩm nghệ thuật, các hoạt động tương tác đa trải nghiệm, một số SK có các vở kịch dành cho thiếu nhi trong TP như IDECAF, 5B cũng gia tăng tiết mục có những bài học mang tính nền tảng bên cạnh những bài học gắn liền với xã hội đương đại.

Mở thêm sân chơi cho lứa tuổi này, trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM mới đây, Hội Nhà văn TP lần đầu tiên tổ chức Tọa đàm "Thơ với tuổi thơ”, có sự tham gia của học sinh các trường tiểu học: Khai Minh (Q1), Nguyễn Thái Sơn (Q3) và Trường Võ Trường Toản (Q1). Sân chơi văn học này lần đầu ra mắt đã thu hút sự tham gia đông đảo của độc giả nhí cho thấy sự cần thiết và kịp thời thực hiện những hoạt động giải trí tinh thần tương tự ở các khu vực trong TP.

Nhằm tạo không gian thư giãn giữa thiên nhiên xanh mát, Thảo Cầm Viên (TCV) TPHCM cùng Nhà xuất bản (NXB) Trẻ hợp tác XD và hình thành khu đọc sách miễn phí cho du khách đến tham quan TCV mang tên Vườn Sách, nằm giữa vườn thiên nhiên, bên tán cây cổ thụ và hồ sen, trở thành điểm nhấn của TCV TPHCM. Hai đơn vị cũng hợp tác thực hiện bộ sách thiếu nhi "Thiên nhiên kỳ thú” với những mẩu chuyện về các loài thú tại TCV TPHCM, cùng với các quyển sách, truyện dài chuyên đề về TCV - kho báu giữa lòng TP. Bà Phan Thị Thu Hà - Giám đốc NXB Trẻ - cho biết, đơn vị đã tặng bàn ghế, tủ kệ nhiều màu, đi kèm với nhiều sách hay, tranh tô màu, bút chì sáp... để thu hút các em. Ngoài 1.000 cuốn sách và trang thiết bị trao tặng lần này, NXB cũng sẽ định kỳ tặng cho Vườn Sách tại TCV những sách thiếu nhi mới phát hành trong tương lai.

HÀ THI

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/bai-toan-tim-san-choi-giai-tri-cho-thieu-nhi-thanh-pho_160061.html