TP. Mỹ Tho: Giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

Qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững.

Nhiều mô hình tạo việc làm tăng thu nhập của Hội LHPN xã Mỹ Phong.

Từ công tác giảm nghèo bền vững đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo thêm cơ hội việc làm, ổn định thu nhập, vươn lên thoát nghèo cho người dân, nhất là tạo sinh kế, hỗ trợ vay vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội; công tác phối hợp các hội, đoàn thể… được sự quan tâm đặc biệt từ thành phố đến các xã, phường, góp phần cho công tác triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo của TP. Mỹ Tho đạt hiệu quả.

SÁT CÁNH CÙNG HỘ NGHÈO

Thực hiện hướng dẫn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về việc thực hiện Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” (gọi tắt là Dự án 2) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Phòng LĐTB&XH TP. Mỹ Tho phối hợp với UBND các phường, xã của thành phố rà soát lập danh mục Dự án 2 với các mô hình được đăng ký, như: Mô hình nuôi bò sinh sản, mua bán nhỏ, bán vé số, với 88 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia, góp phần tăng thu nhập, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tính đến cuối năm 2023, số hộ nghèo toàn TP. Mỹ Tho là 544 hộ, chiếm tỷ lệ 0,75%, số hộ nghèo giảm 122 hộ (bao gồm hộ vượt chuẩn cận nghèo; hộ nghèo trở thành hộ cận nghèo).

Số hộ cận nghèo giảm 199 hộ, hiện còn 1.029 hộ, chiếm tỷ lệ 1,41%. Với những giải pháp giảm nghèo được triển khai đồng bộ, công tác giảm nghèo của TP. Mỹ Tho thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng phát triển.

Trong năm 2023, TP. Mỹ Tho hỗ trợ cho 47 hộ nghèo vay với số tiền trên 1,6 tỷ đồng; 86 hộ cận nghèo vay gần 3 tỷ đồng; vận động gần 2 tỷ đồng xây mới, sửa chữa 39 nhà đại đoàn kết cho hộ khó khăn về nhà ở.

Theo đánh giá của UBND TP. Mỹ Tho, để đạt được kết quả trên, thành phố xác định mục tiêu giảm nghèo chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, tập trung trong quá trình chỉ đạo điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị.

Cùng với đó, thành phố đã tập trung huy động nhiều nguồn lực và giải pháp cho chương trình giảm nghèo bền vững, như: Huy động vốn, phương tiện sản xuất hỗ trợ hộ nghèo, phân công cho từng cán bộ, đảng viên, hội viên nhận giúp đỡ hộ nghèo kết hợp với những kinh nghiệm giảm nghèo của các năm có hiệu quả thiết thực.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều đột phá để giải quyết những vấn đề bức xúc; đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng những công trình thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống cho những nơi còn nhiều khó khăn…

Qua đó, ngày càng có nhiều hộ nghèo được hưởng lợi từ các công trình phúc lợi xã hội do Nhà nước đầu tư; tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp; đời sống của hộ chính sách, hộ nghèo được cải thiện. Hơn hết là nhận thức, phương pháp làm ăn của hộ nghèo từng bước được thay đổi.

Nhiều hộ đã có ý thức vươn lên thoát nghèo, không còn tư tưởng trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Các chương trình, chính sách giảm nghèo đã được TP. Mỹ Tho triển khai kịp thời, đúng đối tượng, góp phần tăng thêm nguồn lực cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, thành phố còn tập trung đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề lao động nông thôn phù hợp đô thị; gắn dạy nghề nâng cao tay nghề với tạo việc làm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho người lao động, nhất là đối với lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

TP. Mỹ Tho tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là hộ có người khuyết tật, chủ hộ là phụ nữ. Hỗ trợ kết nối các hộ nghèo, hộ cận nghèo với thị trường thông qua phát triển các đơn vị cung cấp dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

NỖ LỰC GIẢM NGHÈO

Xã Mỹ Phong là xã ven của TP. Mỹ Tho. Để làm tốt công tác giảm nghèo bền vững, những năm qua, ngoài thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách dành cho hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền xã Mỹ Phong đã chú trọng quan tâm đến công tác phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện thoát nghèo.

Nhiều mô hình tạo việc làm tăng thu nhập của Hội LHPN xã Mỹ Phong.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phong Nguyễn Thị Trúc Phương cho biết: Xã đã tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo như rà soát, phân loại hộ nghèo hưởng bảo trợ xã hội; hộ cận nghèo theo đúng quy định.

Đánh giá, xác định phân loại hộ nghèo chính xác theo tiêu chí đa chiều, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, phản ánh đúng thực trạng hộ nghèo trên địa bàn và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không thể thoát nghèo. Từ đó tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo để đề xuất giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện giúp đỡ cho từng hộ nghèo, hộ cận nghèo có hiệu quả.

Đặc biệt, Phòng LĐTB&XH thành phố vừa phê duyệt Dự án Hỗ trợ phát triển sản suất chăn nuôi bò sinh sản cho xã Mỹ Phong, triển khai ở 4 ấp gồm: Mỹ Lương, Mỹ Hòa, Mỹ Hưng và Mỹ Lợi, cho 10 hộ, mỗi hộ được hỗ trợ 2 con bò sinh sản, với tổng nguồn vốn gần 500 triệu đồng.

Mục đích của dự án là nhằm hỗ trợ đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có việc làm, tăng thu nhập, phấn đấu thoát nghèo từ Dự án Hỗ trợ phát triển sản suất chăn nuôi bò sinh sản, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo tiêu chí nông thôn mới.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, các hộ chăn nuôi còn được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường cho người dân. Ước tính sau 36 tháng thực hiện dự án, nếu chăn nuôi tốt thì sẽ tăng thêm 20 con bò con. Qua 3 năm chăn nuôi bình quân 1 hộ đạt 17 triệu đồng; 5/10 hộ sẽ thoát nghèo và cận nghèo.

Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, UBND xã Mỹ Phong còn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội của xã triển khai thực hiện xuyên suốt các mô hình giảm nghèo, phong trào thi đua có hiệu quả, như: Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, góp vốn xoay vòng, tiết kiệm, hỗ trợ phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp…

Tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, bà Huỳnh Thị Ngọc Loan và con trai Huỳnh Ngọc Quí đã cần cù lao động, vượt khó thoát nghèo. Bà Loan cho biết: “Không chồng, không họ hàng thân thích, lại không có đất sản xuất, tôi phải làm đủ thứ nghề để nuôi con. Trước đây, ai thuê gì tôi cũng làm, có khi đi nhặt ve chai, bán vé số… Hiện con trai tôi đã lớn, đi làm ở các vựa ve chai, cũng có thêm thu nhập. Tôi thì được các đoàn thể của xã Mỹ Phong và lãnh đạo ấp Mỹ An giới thiệu đi giúp việc cho quán ăn gần nhà, mỗi ngày cũng được gần 100.000 đồng. Với thu nhập hiện tại, cuộc sống của mẹ con tôi đã ổn định hơn trước rất nhiều”.
Nói về bà Loan, cô Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Mỹ An cho biết: “Hộ bà Loan là hộ nghèo nhiều năm và với nỗ lực vượt khó, hộ bà Loan sẽ được bình xét, đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của ấp Mỹ An vào đầu năm 2024. Bà Loan thật sự là tấm gương cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn noi theo trong vượt khó, vươn lên thoát nghèo”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Mỹ Phong Nguyễn Trần Ngọc Thương cho biết: “Để hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo bền vững, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, hằng năm Hội LHPN xã rà soát hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ, hỗ trợ hội viên, phụ nữ thoát nghèo bằng giải pháp thiết thực như duy trì, phát triển mô hình tổ tín dụng tiết kiệm, tổ phụ nữ giúp nhau giảm nghèo.

Bên cạnh đó, để thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ khó khăn”, Hội LHPN xã tiếp tục phát động cán bộ, hội viên và nhân dân đóng góp ủng hộ cho hội viên, phụ nữ nghèo phát triển mô hình mua bán nhỏ, có thu nhập ổn định…”.

Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã Mỹ Phong hiện giảm còn 0,88%, hầu hết lao động địa phương đều có việc làm và thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 70 triệu đồng/người/năm. Năm 2023, xã Mỹ Phong được UBND TP. Mỹ Tho giao chỉ tiêu thoát nghèo là 7 hộ; qua điều tra rà soát hộ nghèo cuối năm xã có 13/7 hộ thoát nghèo, đạt 185,71%. Kết quả của công tác giảm nghèo đã góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Mỹ Phong.

PHƯƠNG MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202312/tp-my-tho-giam-ngheo-ben-vung-la-nhiem-vu-trong-tam-thuong-xuyen-997826/