TP. Hồ Chí Minh: Thu thuế nội địa dự báo sẽ gặp thách thức trong những tháng tới

Dù số thu thuế nội địa quý I/2023 tăng trưởng 3,5%, nhưng với việc nguồn thu từ các sắc thuế chính có dấu hiệu sụt giảm như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, lệ phí trước bạ... nên công tác thu thuế nội địa của TP. Hồ Chí Minh thời gian tới có thể gặp nhiều khó khăn.

Vì sao số thu nội địa quý I/2023 tăng trưởng 3,5%?

Chia sẻ về kết quả công tác thu thuế nội địa quý I/2023, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, toàn đơn vị thực hiện được 96.431 tỷ đồng, đạt 29,8% dự toán năm và tăng 3,5% (so với cùng kỳ năm 2022).

Trong đó, khối các phòng thuộc văn phòng cục thuế thực hiện 71.082 tỷ đồng, đạt 28,21% dự toán năm và tăng 11,98%; khối chi cục thuế thu được 25.348 tỷ đồng, đạt 28,73% dự toán và giảm 14,4% (nhưng nếu loại trừ các khoản thu đột biến trong quý I/2022 thì tăng 4,65%).

Công chức Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn người nước ngoài khai thuế. Ảnh Đỗ Doãn

Công chức Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn người nước ngoài khai thuế. Ảnh Đỗ Doãn

Trong khi đó, thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh được 61.004 tỷ đồng, đạt 31,4% dự toán pháp lệnh năm và tăng 18,7%, trong đó khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước tăng 15,3%, khu DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,6%, khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh tăng 23,7%.

Nguyên nhân nguồn thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh quý I/2023 của TP. Hồ Chí Minh tăng chủ yếu do thuế thu nhập doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá (tăng 51,4%) và chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế (chiếm 56,3%). Đó là do tác động của Nghị định số 91/2022/NĐ-CP làm dịch chuyển nguồn thu từ năm trước chuyển sang.

Như vậy, tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN) quý I/2023 của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh nhìn chung vẫn đạt kết quả tốt với mức tăng trưởng 3,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng bởi Nghị định số 91/2022/NĐ-CP và kết quả kinh doanh tích cực của năm 2022 nên thu thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại tăng cao.

Bên cạnh đó, một số sắc thuế có mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ đã góp phần tăng thu như: tăng thu từ dầu thô nhờ vào giá dầu cao; tăng thu phí – lệ phí nhờ khoản thu phí mới; tăng lợi nhuận sau thuế nhờ vào các khoản lợi nhuận trung ương…

Nhiều nguồn thu, sắc thuế chính đang có dấu hiệu sụt giảm

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn như các chỉ số kinh tế đều chưa đạt chỉ tiêu hay có dấu hiệu suy giảm (GRPD chỉ tăng 0,7%, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP giảm 0,9%, tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 16,8%…), DN thiếu đơn hàng, giảm quy mô sản xuất dẫn đến sa thải nhiều lao động, thị trường bất động sản (BĐS) có hiện tượng “đóng băng”, giảm thanh khoản… làm cho số thu của các sắc thuế chính như thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) giảm so với cùng kỳ.

Người nộp thuế giao dịch tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Đỗ Doãn

Người nộp thuế giao dịch tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Đỗ Doãn

Số liệu thống kê số thu quý I/2023 của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho thấy, thuế thu nhập doanh nghiệp thu được 34.329 tỷ đồng, đạt 41,4% dự toán và tăng mạnh lên đến 51,4%, nhưng tốc độ tăng trưởng lại đang có xu hướng giảm. Cụ thể như tháng 1/2023 tăng 74,3% trong khi đó tháng 2/2023 chỉ tăng 7,2%. Riêng trong tháng 3/2023 thì số thu từ nhóm DN ngoài quốc doanh giảm 2,8%.

Còn thuế GTGT, quý I thu được 19.843 tỷ đồng, đạt 23,9% dự toán pháp lệnh và giảm 4,7%. Trong khi đó, thuế TTĐB thu được 5.337,6 tỷ đồng, đạt 22,24% dự toán và giảm 13,16%. Nguyên nhân là do sản lượng tiêu thụ các mặt hàng bia, rượu và ô tô đều giảm so với cùng kỳ...

Từ những phân tích trên, dễ dàng nhận thấy, mặc dù công tác thu NSNN quý I/2023 của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đạt kết quả tích cực, nhưng trước thực tế số thu của các sắc thuế chính như thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế bảo vệ môi trường, lệ phí trước bạ… đều có dấu hiệu giảm, công tác huy động thuế nội địa trong tháng 4/2023 và các tháng tiếp theo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN gặp khó, sức mua của thị trường đang bị thu hẹp do người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu (sức mua của TP. Hồ Chí Minh thấp hơn bình quân chung của cả nước); thị trường bất động sản chưa có chuyển biến tích cực kéo theo các ngành nghề phụ trợ như sắt thép, xi măng, xây dựng... đều giảm là những yếu tố khiến nguồn thu NSNN suy giảm.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-thu-thue-noi-dia-du-bao-se-gap-thach-thuc-trong-nhung-thang-toi-126014.html