TP Hồ Chí Minh: Thị trường lao động đang diễn biến theo hướng nào?

So với cùng kỳ năm 2022, TP Hồ Chí Minh đã tăng hơn 5.000 lao động nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2023. Trước bối cảnh kinh tế còn diễn biến phức tạp, xu hướng dịch chuyển lao động, lựa chọn vị trí việc làm của người lao động tại thành phố dự báo sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian còn lại của năm.

Hơn 82.500 người lao động nghỉ việc

Trong 6 tháng đầu năm 2023, TP Hồ Chí Minh ghi nhận có hơn 82.500 người lao động nghỉ việc, làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 5.000 người so với cùng kỳ năm 2022. Lý giải nguyên nhân dẫn đến con số này, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết: “Có nhiều nguyên nhân người lao động nghỉ việc, trong đó, do doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến giảm giờ làm, thiếu việc hoặc doanh nghiệp không tiếp tục gia hạn hợp đồng lao động là nguyên nhân chính”.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Lâm, dù thị trường lao động đang “sáng lên” theo đà phục hồi của nền kinh tế nhưng thành phố vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức từ các yếu tố: Thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn; hoạt động xuất nhập khẩu tăng chậm; việc cắt giảm lao động vẫn xảy ra ở các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là các ngành dệt may, giày da, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ...

Lao động trong ngành dệt may đang chịu tác động lớn của tình hình cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng xuất khẩu.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh đã thực hiện khảo sát 42.800 lượt doanh nghiệp, hơn 76.000 người có nhu cầu tìm việc và thu thập thông tin thị trường lao động tại 16 sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm cùng với 34 cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Kết quả khảo sát cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo của các doanh nghiệp là hơn 132.400 vị trí việc làm (chiếm 86,2% tổng nhu cầu nhân lực). Trong đó, các doanh nghiệp cần nhân lực trình độ đại học trở lên chiếm 19,73%, cao đẳng chiếm 23,19%, trung cấp chiếm 24,42% tập trung các nhóm nghề như: Kinh doanh thương mại, kế toán, kiểm toán, dịch vụ tư vấn, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng…

Cũng theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, nhu cầu tìm việc theo mức lương của người lao động cũng diễn biến phức tạp, tập trung nhiều ở phân khúc mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng (chiếm 44,3%). Trong khi đó, mức lương từ 15-20 triệu đồng/tháng chiếm 24,5% và đáng chú ý là nhu cầu tìm việc có mức lương từ hơn 20 triệu đồng/tháng chỉ chiếm gần 19%.

Nỗ lực giải quyết việc làm

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 368 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tổng quy mô đào tạo khoảng 300.000 người theo các trình độ khác nhau. Hiện nay, tỷ trọng nguồn nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp ở các nhóm ngành, nghề trọng yếu là 40,65% và hơn 50% ở các ngành dịch vụ chủ yếu. Trả lời câu hỏi: “Ngành nghề mà người lao động mong muốn được đào tạo cũng như các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hiện nay?”, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh thông tin rằng, các nhóm ngành dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao. Trong thời gian qua, sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố tăng cường thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động để kết nối với người lao động. Ngoài ra, hệ thống các doanh nghiệp dịch vụ việc làm tại thành phố cũng tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu tìm việc.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, 6 tháng cuối năm 2023, nhu cầu lao động của thành phố sẽ có hai kịch bản: Thứ nhất, thành phố có khoảng 155.000 - 165.000 chỗ làm việc nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu diễn biến theo chiều hướng tích cực, doanh nghiệp tại thành phố có cơ hội tăng đơn hàng xuất khẩu, mở rộng sản xuất, nhu cầu lao động tăng, tạo điều kiện ổn định thu nhập cho người lao động; thứ hai, nếu các điều kiện trên có chiều hướng chậm lại thì thành phố dự báo chỉ có khoảng 145.000 - 155.000 chỗ làm việc.

Đông đảo người lao động trẻ tìm hiểu cơ hội việc làm tại ngày hội tuyển dụng do Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây.

Trong đó, nhu cầu nhân lực của các đơn vị, doanh nghiệp tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực thực phẩm...) chiếm 21,97% và 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 54,77%. Nhu cầu nhân lực lao động đã qua đào tạo chiếm 86,13% tổng nhu cầu nhân lực.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP Hồ Chí Minh thông tin rằng: “Trung tâm có 8 văn phòng để tiếp nhận trực tiếp nhu cầu tìm việc của người lao động, ngoài ra còn có các kênh như: Ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm, hệ thống tổ chức Đoàn, Hội, cùng kênh trực tuyến ứng dụng “SIEU THI VIEC LAM”, sieuthivieclam.vn.... Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2023, lao động bị giảm khối ngành sản xuất kinh doanh, có tăng nhẹ ở khối thương mại, dịch vụ. Trung tâm sẽ nỗ lực phối hợp tổ chức các sàn giao dịch việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động bằng hình thức tổ chức trực tiếp và trực tuyến để kịp thời tư vấn hỗ trợ cho người lao động có nhu cầu tìm việc”.

Để bảo đảm việc làm trong thời gian tới, các cơ quan chức năng tại TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình lao động, tăng cường tuyên truyền vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách pháp luật lao động trong công tác chăm lo đời sống cho người lao động. Đồng thời, thành phố cũng triển khai tích cực các chương trình kết nối cung cầu lao động, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động từ các tỉnh đến TP Hồ Chí Minh làm việc.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tp-ho-chi-minh-thi-truong-lao-dong-dang-dien-bien-theo-huong-nao-734014