TP. Hồ Chí Minh: SATRA không thực hiện đúng chỉ đạo trong việc thu hồi nhà đất của Vissan

Kết luận của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi - Trưởng Ban chỉ đạo 167 cho thấy, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) đã không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND thành phố trong việc phối hợp thực hiện di dời, bàn giao nhà đất số 420 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, được Vissan sử dụng làm lò giết mổ động vật.

Nhiều năm qua, địa chỉ 420 420 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh được Vissan sử dụng làm lò giết mổ động vật. Ảnh: Kỳ Phương

Nhiều năm qua, địa chỉ 420 420 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh được Vissan sử dụng làm lò giết mổ động vật. Ảnh: Kỳ Phương

Phải có phương án cụ thể với nhà đất Vissan

Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi - Trưởng Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017 của Chính phủ trên địa bàn thành phố (Ban chỉ đạo 167).

Theo kết luận trên, sau cuộc họp vào tháng 10/2023, Ban chỉ đạo 167 đã đưa ra hướng sắp xếp lại, xử lý đối với hàng chục cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Đối với nhà đất số 420 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, Ban chỉ đạo 167 phê bình Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (SATRA) vì không thực hiện đúng chỉ đạo trong việc phối hợp di dời, bàn giao.

Đồng thời, lãnh đạo UBND thành phố giao SATRA phải khẩn trương làm việc với Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) và các đơn vị liên quan xác định cụ thể, cam kết thực hiện di dời, bàn giao nhà đất đúng thời gian.

Kết luận cho thấy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh lưu ý, trong thời gian chờ thực hiện di dời và bàn giao, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét cho thuê ngắn hạn nhà, đất nêu trên theo quy định. Tuy nhiên, lưu ý hướng dẫn Vissan đối với hoạt động xả thải ra môi trường.

Ngoài ra, cần sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất số 125 đường Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1 của VNPT và nhà, đất số 240 đường Phan Đình Phùng, phường 1, quận Phú Nhuận.

SATRA được giao nhà, đất số 240 Phan Đình Phùng, phường 1, quận Phú Nhuận làm cửa hàng bán lẻ, đã sử dụng đúng mục đích nhưng hiện chưa phù hợp quy hoạch được duyệt. Ban chỉ đạo 167 yêu cầu SATRA lập thủ tục ký hợp đồng thuê đất ngắn hạn.

Còn đối với nhà, đất 231 đường Phan Văn Trị, phường 11, quận Bình Thạnh, đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy có trách nhiệm chấm dứt việc cho thuê, tạo lập mặt bằng trống để UBND thành phố chỉ đạo cơ quan tiếp nhận, quản lý.

Nhà, đất tại số 8 Trần Nhật Duật, quận 1, Ban chỉ đạo 167 sẽ trình UBND thành phố xem xét bố trí tạm cho Ban Quản lý dự án đầu tư hạ tầng đô thị và các đơn vị trực thuộc để làm việc; thống nhất chủ trương bố trí nhà, đất số 249 Lương Định Của, TP. Thủ Đức giao cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm trụ sở.

Bưu điện TP. Hồ Chí Minh là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch. Ảnh TL

Bưu điện TP. Hồ Chí Minh là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch. Ảnh TL

Giữ lại Bưu điện TP. Hồ Chí Minh

Kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo 167 cũng cho biết, đối với nhà, đất số 16 Trương Định, phường 6, quận 3 của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và 2 cơ sở nhà, đất của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) phải có phương án sắp xếp lại, giao UBND thành phố có văn bản gửi Bộ Tài chính theo đề xuất của Thường trực Ban chỉ đạo 167.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo 167 chấp thuận điều chuyển tài sản gồm: nhà đất và tài sản gắn liền với đất, từ Bệnh viện Truyền máu huyết học sang cho Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình quản lý, sử dụng.

Giao Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Truyền máu huyết học và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tổ chức bàn giao, tiếp nhận và quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định hiện hành; đồng thời, hạch toán tài sản trên sổ sách kế toán và cập nhật biến động tài sản theo quy định.

Nhà, đất số 125 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, Ban chỉ đạo 167 thống nhất giữ lại, tiếp tục sử dụng theo phương án của Bộ Tài chính.

Đáng chú ý, khuôn viên cơ sở nhà, đất này có công trình Bưu điện TP. Hồ Chí Minh, một trong những di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng của thành phố.

Về Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công và số hóa dữ liệu liên quan đến tài sản công, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có chủ trương xã hội hóa. Ban chỉ đạo yêu cầu Sở Tài chính làm việc với Trường Đại học Kinh tế - Luật để đẩy nhanh tiến độ. Trường hợp có vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất, trình UBND thành phố.

Tại huyện Cần Giờ, Ban chỉ đạo 167 thống nhất cho giữ lại, tiếp tục sử dụng 50 địa chỉ nhà, đất do UBND huyện đang quản lý.

Đối với nhà, đất tại số 25 Ngô Thời Nhiệm, quận 3 liên quan Báo Sài Gòn Tiếp thị, Ban chỉ đạo 167 giao Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành đề xuất phương án xử lý, trình UBND TP. Hồ Chí Minh trong tháng 11/2023.

Kỳ Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-satra-khong-thuc-hien-dung-chi-dao-trong-viec-thu-hoi-nha-dat-cua-vissan-138582.html