TP. Hồ Chí Minh: Phát triển kinh tế trong quý II, cần có bước tiến đủ mạnh

Phân tích tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) tháng 4 và 4 tháng đầu năm tại hội nghị đánh giá kết quả hoạt động tháng 4, triển khai nhiệm vụ công tác tháng 5/2024 diễn ra chiều 3/5, UBND TP. HCM cho rằng, so với cả nước, kinh tế thành phố đang phát triển theo hướng tích cực, duy trì mức phục hồi so với quý I, song chưa có bước tiến đủ mạnh, cần có sự đột phá trong quý II, nhất là giải ngân đầu tư công.

Toàn cảnh hội nghị UBND TP. HCM đánh giá tình hình nhiệm vụ công tác tháng 4, triển khai nhiệm vụ công tác tháng 5/2024. Ảnh: Sơn Nam

Kinh tế phục hồi nhưng chưa đột phá

Đánh giá một số kết quả nổi bật tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, ông Nguyễn Khắc Hoàng - Cục trưởng Cục Thống kê TP. HCM cho biết, nhìn chung, kinh tế TP. HCM có tăng trưởng, duy trì tích cực nhưng chưa có sự đột phá. Do đó, trong quý II, các giải pháp đặt ra cần chú trọng động lực tiêu dùng nội địa, vốn đầu tư công, sớm đưa các công trình mới vào hoạt động, tiếp tục đồng hành và tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Theo đó, trong 4 tháng vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố tăng trên 12% - đây là mức tăng khá cao trong thời gian vừa qua (cả nước tăng 8,5%); sản xuất công nghiệp tăng 5,1%; du lịch lữ hành có mức tăng khá với 71.9%, doanh thu lưu trú, ăn uống tăng 57,3%...

Đối với vấn đề lưu chuyển dòng tiền, dòng tiền trong tín dụng đang tăng trở lại, dư nợ tăng 9,5%. Việc này thể hiện tín hiệu tích cực của nền kinh tế, khi nhu cầu vay vốn tăng trở lại, chứng tỏ các lĩnh vực sản xuất có chiều hướng tăng. Thị trường bất động sản hiện đang phục hồi đáng kể, tăng 9,8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, xét về quy mô mức tăng này chưa tương xứng với các tiềm năng, lợi thế của TP. HCM. Mặc dù đơn hàng đã quay trở lại với các doanh nghiệp, nhưng thời gian lại ngắn, giá nguyên liệu đầu vào tăng, khiến quy mô doanh nghiệp co lại, chưa tạo được động lực cho sản xuất.

Cùng với đó, môi trường kinh doanh tại TP. HCM có cải thiện, FDI có tăng về số lượng dự án song tổng vốn đăng ký giảm (34,3%), cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài đang còn thận trọng khi đầu tư vào TP. HCM.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố kiến nghị, TP. HCM sớm ban hành quyết định về chương trình kích cầu đầu tư trên cơ sở Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM và Nghị quyết 09 của HĐND TP. HCM, trong đó, tập trung 3 nhóm vấn đề:

Thứ nhất, sớm phê duyệt triển khai các dự án mới, tập trung lĩnh vực đang có nhu cầu lớn như y tế và giáo dục, các dự án liên quan đến hạ tầng. Vì nếu đẩy nhanh đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng, các doanh nghiệp dự thầu có thể vay nguồn vốn kích cầu để thực hiện các dự án mà thành phố triển khai đấu thầu.

Thứ hai, sớm rà soát, có quyết định tháo gỡ khó khăn đối với các dự án kích cầu có tính chất chuyển tiếp, các dự án đã được phê duyệt, hưởng một số chính sách lãi suất từ trước năm 2020 nhưng bị gián đoạn.

Thứ ba, tổ công tác kích cầu cần xem xét xây dựng, kích hoạt các dự án có tính chất liên vùng như một số dự án xử lý rác, đốt rác phát điện có nhà máy nằm ở các tỉnh lân cận, đang giải quyết nhu cầu xử lý rác thải của TP. HCM và địa phương nơi trú đóng.

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công

Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay là kết quả giải ngân vốn đầu tư công tháng 4 còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng. Điều này đang tác động trực tiếp đến tăng trưởng của TP. HCM; trong đó có cả sự phục hồi của thị trường và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Vì vậy, trong các tháng còn lại, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho rằng, cần nghiêm túc nhận diện các vấn đề còn tồn đọng để nỗ lực hơn và có những giải pháp phù hợp.

Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị thành viên UBND thành phố, chủ đầu tư, lãnh đạo UBND quận huyện và TP. Thủ Đức tập trung tháo gỡ các vướng mắc về đầu tư công. Các chủ đầu tư phải lên kế hoạch giải ngân hàng tháng, các cơ quan quản lý giám sát việc thực hiện kế hoạch này. Đồng thời giao Sở Kế hoạch - Đầu tư rà soát lại để điều chỉnh các dự án với tinh thần thay dự án không thể tiếp tục được bằng dự án đã được chuẩn bị và đủ điều kiện (như dự án chỉnh trang môi trường, xây dựng công viên cây xanh…).

Trong thời gian sớm nhất thành phố phải hoàn tất 3 hồ sơ trình cơ quan thẩm quyền thẩm định, chuẩn bị phê duyệt quy hoạch TP. HCM tời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050, quy hoạch chung TP. HCM đến 2040 tầm nhìn đến 2060 (quy hoạch đô thị), quy hoạch TP. Thủ Đức.

Chủ tịch UBND TP. HCM nhấn mạnh: “Không có quy hoạch chúng ta sẽ không làm gì được”, trong tháng 5, tập trung triển khai các phần việc liên quan điều chỉnh quy hoạch các dự án lớn như cầu đường Nguyễn Khoái, Thủ Thiêm 4, Cầu Cần Giờ, Vành đai 4...

Bên cạnh đó, triển khai cuộc thi ý tưởng quy hoạch đối với Khu Bình Quới - Thanh Đa, Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc; thực hiện tốt ủy quyền quy hoạch cục bộ cho các quận huyện; tiếp tục triển khai các công việc có liên quan điều chỉnh quy hoạch cục bộ, phân khu, song song hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung TP. Thủ Đức.

Thi công dự án kênh Tham Lương - rạch Nước Lên. Ảnh: Sơn Nam

Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết, thành phố cần tập trung hoàn thiện bước đầu công tác trình Bộ Giao thông Vận tải Đề án đường sắt đô thị TP. HCM; báo cáo Thủ tướng về dự án Vành đai 4, trong đó TP. HCM tiếp tục là đầu mối thực hiện; tiếp tục xin chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đề án Trung tâm tài chính quốc tế; tập trung triển khai các dự án BOT theo Nghị quyết 98 trên các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao.

Liên quan đến vấn đề vật liệu xây dựng, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị kiên quyết chỉ đạo tổ công tác, trực tiếp làm việc với các địa phương có nguồn nguyên vật liệu để đảm bảo cung ứng, ổn định công tác xây dựng.

Chuẩn bị phương án đầu tư cho các dự án lớn như cầu đường Nguyễn Khoái, Vành đai 2, Cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, đường nối cao tốc TP. HCM - Long Thành, thiết bị y tế cho 3 bệnh viện cửa ngõ (Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi). Tập trung giải quyết các tồn đọng, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là các dự án bất động sản.

Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tháo gỡ các dự án còn vướng mắc. Tập trung triển khai chính sách nhà thay nhà ven kênh rạch gắn với việc chỉnh trang đô thị; tính toán đầu tư nhà cho sinh viên và công nhân lao động thuê; tiếp tục kiên trì thực hiện chỉ tiêu 26.200 căn nhà ở trong nhiệm kỳ này.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-phat-trien-kinh-te-trong-quy-ii-can-co-buoc-tien-du-manh-150067.html