TP.HCM vận động người dân không xả rác ra đường, kênh rạch

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động 'Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường' trong năm 2024.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của một đô thị lớn nhất nước, TP.HCM đang phải đối mặt áp lực rất lớn của rác thải đối với môi trường.

Theo thống kê, TP.HCM có khoảng 9.000 tấn rác phát sinh hằng ngày trên địa bàn, tuy vậy chỉ có khoảng 200 tấn được thu hồi, tái chế. Rác thải nhựa xuất hiện khắp nơi trên đường phố, và đặc biệt trên các con sông, kênh rạch.

Để sớm giải quyết tình trạng trên, UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” trong năm 2024.

Theo đó, TP.HCM phấn đấu trong 2 năm 2024 - 2025 có 80% phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng vệ sinh và bảo vệ môi trường theo quy định; 80% trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành; 100% khu phố/ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch; tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 70% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng; 95% phường - xã - thị trấn đạt tiêu chí “Phường - xã - thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường”...

Rác thải tại khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM) bị chậm xử lý gây ô nhiễm môi trường trầm trọng - Ảnh: TTXVN

Rác thải tại khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM) bị chậm xử lý gây ô nhiễm môi trường trầm trọng - Ảnh: TTXVN

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND TP.HCM giao Sở TN-MT chủ trì tổ chức các sự kiện truyền thông về bảo vệ môi trường cấp TP, biên soạn tài liệu tuyên truyền, tổ chức các hoạt động phù hợp nhằm thúc đẩy các phong trào bảo vệ môi trường, tuyên dương và nhân rộng các mô hình tiêu biểu, gương điển hình trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời tham mưu cho UBND TP ban hành các quy định, kế hoạch triển khai đối với công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP (trực thuộc Sở TN-MT) thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với việc giải quyết các điểm ô nhiễm về rác thải trên địa bàn TP; phối hợp với UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động những điểm tập kết rác thải, trạm trung chuyển, chất lượng vệ sinh đường phố, kênh rạch, quản lý thùng rác công cộng và nhà vệ sinh công cộng; chuyển kết quả cho UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện để xử lý trong trường hợp không đảm bảo quy định và chất lượng vệ sinh môi trường.

Sở VH-TT tiếp tục triển khai, lồng ghép việc thực hiện cuộc vận động trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện lối sống xanh, thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, không xả chất thải, chất thải nhựa ở trong và xung quanh khu vực tổ chức hoạt động, lễ hội, sự kiện… trên địa bàn TP.

Sở Xây dựng tham mưu cho UBND TP chỉ đạo UBND TP.Thủ Đức, các quận huyện và cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện các giải pháp công trình để phục vụ giải quyết ngập; rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; cải cách thủ tục hành chính đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành các công trình thoát nước; tăng cường liên kết, hợp tác khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước…

Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT và các sở ngành liên quan tham mưu cho UBND TP triển khai công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện theo phương thức đối tác công tư (PPP)...

Tú Viên

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tp-hcm-van-dong-nguoi-dan-khong-xa-rac-ra-duong-kenh-rach-215880.html