TP.HCM: Tín hiệu vui từ việc thu phí sử dụng vỉa hè

Sau thời gian thực hiện thí điểm cho thuê một phần vỉa hè, nhiều tuyến đường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã trở nên ngăn nắp, trật tự hơn. Phần đường dành cho người đi bộ cũng được đảm bảo hơn, không còn tình trạng người đi bộ phải đi xuống lòng đường như trước.

Vỉa hè ngăn nắp, trật tự

Theo ghi nhận của phóng viên báo Lao động Thủ đô, sau hơn 10 ngày thí điểm thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè ở quận 1, mỹ quan đô thị ở một số tuyến đường đã có sự thay đổi rõ rệt. Các cửa hàng kinh doanh được tổ chức ngăn nắp, người dân và du khách có thể di chuyển dễ dàng trên vỉa hè, khi không còn phải né tránh những bãi xe, bàn ghế của những cửa hàng bên đường.

Vỉa hè trên đường Hải Triều, quận 1 khá ngăn nắp, trật tự sau khi triển khai thu phí sử dụng vỉa hè.

Vỉa hè trên đường Hải Triều, quận 1 khá ngăn nắp, trật tự sau khi triển khai thu phí sử dụng vỉa hè.

Trên vỉa hè, chính quyền địa phương đã kẻ vạch màu vàng để quy định nơi trông, giữ xe máy miễn phí. Một phần vỉa hè còn lại được kẻ vạch trắng để các hộ kinh doanh sử dụng và phải đóng phí. Còn lại ở giữa là khoảng không gian rộng khoảng 1,5m dành cho người đi bộ.

Trước đó, ngày 9.5, UBND quận 1 bắt đầu thí điểm đối với 11 tuyến đường đủ điều kiện cho thuê vỉa hè làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa trong thời gian từ ngày 9.5 đến 30.9. Các tuyến đường này đều đảm bảo điều kiện rộng ít nhất 3m, trong đó có 1,5m dành cho người đi bộ.

Mức thu 10/11 tuyến đường là 100.000 đồng/m2/tháng (trừ đường Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, có mức thuê là 50.000 đồng/m2/tháng).

Trên đường Hải Triều, bà Hoàng Thị Vân, chủ quán nước giải khát cho biết, cửa hàng thuê 8m2 vỉa hè để đặt xe bán hàng. Diện tích không lớn, nên bà chỉ bố trí vài bộ bàn ghế nhỏ, còn lại chủ yếu là bán cho khách mang về, phần còn lại của vỉa hè dành cho người đi bộ và để xe máy của khách.

"Từ khi có quy định về cho thuê vỉa hè, tôi buôn bán không còn lo lắng việc cơ quan chức năng đến dọn dẹp, xử phạt nữa. Những người sống bằng việc buôn bán trên vỉa hè như chúng tôi rất phấn khởi và đồng tình với quyết định cho thuê vỉa hè của TP.HCM. Tôi hi vọng thời gian tới, sẽ có thêm nhiều tuyến đường được phép thu phí vỉa hè", bà Vân chia sẻ.

Theo bà Vân, khi muốn đăng ký thuê vỉa hè, chính quyền địa phương sẽ hướng dẫn để người dân thao tác. Người dân chỉ cần thực hiện trên một đường link hướng dẫn với các mục như: Đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố; Tra cứu thông tin đăng ký sử dụng tạm thời hè phố; Vị trí quy hoạch giữ xe có thu phí; Bản đồ số hè phố... Sau khi hoàn tất đăng ký, phường sẽ gửi mail xác nhận và đường link để đóng phí. Phí thuê vỉa hè trả trước khi sử dụng theo gói 3, 6, 9 và 12 tháng.

Tương tự, chị Thúy Nguyễn, quản lý quán cơm tấm Voi trên đường Trần Hưng Đạo (phường Nguyễn Cư Trinh) cho biết, với 9m2 được đăng ký sử dụng tạm thời đã giúp quán có thêm không gian để bàn ghế làm nơi nhận đặt hàng. Vì quán thường đón rất nhiều khách vào giờ trưa, nên việc được thuê vỉa hè để kinh doanh là rất phù hợp với quán.

"Trước đây, khi kinh doanh quán cơm mà có để xe của khách trên vỉa hè, thì tôi rất lo lắng sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt. Nhưng từ khi được đăng ký thuê một phần vỉa hè, tôi thấy an tâm hơn rất nhiều, vừa có nơi để kinh doanh mà vừa có không gian cho người đi bộ. Phần vỉa hè thuê thêm sẽ giúp tôi có không gian để kinh doanh hoặc để xe cho khách", chị Thúy Nguyễn chia sẻ.

Mở rộng triển khai thu phí vỉa hè

Ông Nguyễn Thành Phát, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 1 cho biết, sau 1 tuần triển khai thí điểm ở 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa trên địa bàn, đã có hơn 90 trường hợp đăng ký thuê vỉa hè.

Trong đó, có 43 trường hợp đăng ký thuê 3 tháng, 16 trường hợp đăng ký thuê 6 tháng, 33 trường hợp đăng ký thuê trong 12 tháng. Tổng số chi phí dự kiến (tạm tính khi người dân đăng ký) là hơn 431 triệu đồng, tổng diện tích vỉa hè đăng ký dự kiến là gần 750m2.

Theo ông Phát, khi có quy định cho đóng phí sử dụng, người dân được chủ động hơn trong việc bố trí bàn ghế, mô hình, phương án kinh doanh trên hè phố để phục vụ kinh doanh, đặc biệt là nhu cầu sử dụng dịch vụ tại hè phố của khách du lịch trong và ngoài nước rất cao và thiết thực.

Thời gian tới, quận 1 sẽ tổ chức đánh giá kết quả thí điểm để hoàn thiện ứng dụng, nhân rộng mô hình đối với các tuyến đường đủ điều kiện tổ chức kinh doanh, dịch vụ mua, bán hàng hóa và hoàn thiện các chức năng của phần mềm theo các ý kiến góp ý trong quá trình triển khai thí điểm.

Bên cạnh quận 1, các địa phương khác trên địa bàn TP.HCM cũng đã rà soát danh mục các tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện để sử dụng tạm thời một phần ngoài mục đích giao thông.

Ông Phan Công Trường, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Phú Nhuận cho biết, đơn vị đã gửi đề xuất thu phí thí điểm tại tuyến đường Trường Sa cho Sở Giao thông vận tải TP.HCM và các đơn vị liên quan. Quận đang chờ phản hồi, hướng dẫn để thí điểm, tuyên truyền, phổ biến cho người dân.

Tại quận Gò Vấp, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp cho biết, địa phương đang đề xuất thí điểm thu phí vỉa hè trên tuyến đường Nguyễn Văn Lượng và đang chờ hướng dẫn lập danh sách cho thuê.

Ngoài 2 quận trên, một số địa phương khác khác trên địa bàn cũng có lộ trình tương tự, khi có chấp thuận từ Sở Giao thông vận tải TP.HCM mới bắt đầu thí điểm, dự kiến những nơi này sẽ triển khai trong tháng 6 hoặc quý IV.2024.

Chia sẻ về việc thí điểm cho thuê vỉa hè, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM cho biết, việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh phải đóng phí là hoàn toàn hợp lý, vì vỉa hè là không gian công cộng. Tuy nhiên, giá cho thuê đối với vỉa hè cần phải khảo sát, phân loại trước khi triển khai.

Cũng theo ông Nguyên, trong điều kiện phát triển kinh tế của TP.HCM, việc dùng vỉa hè vào nhiều chức năng khác nhau là cần thiết. Cụ thể, ngoài việc dùng cho người đi bộ, phần vỉa hè còn lại để cho các hộ nghèo kinh doanh, qua đó giúp cho kinh tế vỉa hè của TP.HCM phát triển hơn.

Minh Tuấn

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tin-hieu-vui-tu-viec-thu-phi-su-dung-via-he-43766.html