TP.HCM: Thiếu thuốc Bảo hiểm Y tế ở bệnh viện chỉ là trường hợp cá biệt

Việc thiếu thuốc Bảo hiểm Y tế tại bệnh viện chỉ xảy ra ở một vài trường hợp cá biệt, trong khi việc thiếu vaccine chủ yếu do thay đổi về cơ chế mua sắm khiến gián đoạn nguồn cung ứng.

Người dân mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Ngày 16/11, tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban Nhân dân Thành phố tổ chức, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế đã thông tin về các vấn đề liên quan đến việc thiếu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và tình trạng thiếu thuốc Bảo hiểm Y tế ở một số bệnh viện khiến người bệnh phải tự đi mua thuốc bên ngoài trong thời gian gần đây.

Theo ông Nguyễn Hải Nam, việc thiếu thuốc Bảo hiểm Y tế tại bệnh viện chỉ xảy ra ở một vài trường hợp cá biệt, trong khi việc thiếu vaccine chủ yếu do thay đổi về cơ chế mua sắm khiến gián đoạn nguồn cung ứng.

Ông Nguyễn Hải Nam cho biết vấn đề cung ứng thuốc đầy đủ cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh tham gia Bảo hiểm Y tế được lãnh đạo Thành phố, Sở Y tế hết sức quan tâm.

Trong năm 2023, lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên làm việc với Ban Giám đốc của các bệnh viện và Trung tâm Y tế trực thuộc; có văn bản nhắc nhở các cơ sở y tế đảm bảo đủ thuốc cung ứng cho bệnh nhân để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, nhất là người bệnh có tham gia bảo hiểm y tế.

Qua các buổi làm việc, có thể khẳng định về cơ bản các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân do các đơn vị đã và đang tổ chức đấu thầu thuốc theo quy định.

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp có việc người bệnh phản ánh thiếu thuốc trong điều trị chỉ là những trường hợp cá biệt, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: số lượng bệnh nhân tăng trở lại sau dịch bệnh; gián đoạn nguồn cung ứng thuốc và nguyên liệu làm thuốc vì tình hình chiến sự ở một số khu vực trên thế giới...

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đã chủ động nắm bắt thông tin về các trường hợp thiếu thuốc có ảnh hưởng đến điều trị và thực hiện nhiều giải pháp can thiệp như rà soát phác đồ điều trị; đồng thời kiến nghị Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược hỗ trợ tìm nguồn cung ứng, phối hợp công ty cung ứng để nhập khẩu khẩn cấp các thuốc hiếm phục vụ điều trị đặc biệt như thuốc tiêm immunoglobulin, phenobarbital trong điều trị tay, chân, miệng...

Trong trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không đảm bảo cung ứng thuốc, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, người dân có thể phản ánh vào đường dây nóng của ngành Y tế Thành phố hoặc qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” để được tiếp nhận và hướng dẫn.

Về tình hình thiếu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, ông Nguyễn Hải Nam cho biết hiện nay, hầu hết các vaccine của Chương trình tại Thành phố đã hết hoặc còn với số lượng rất ít. Riêng vaccine ngừa uốn ván chỉ đủ sử dụng đến hết tháng 11 này, vaccine viêm não Nhật Bản đủ sử dụng đến hết tháng 12 tới. Nguyên nhân của tình trạng này là do từ đầu năm nay đến nay nguồn vaccine này bị gián đoạn cung ứng do có sự thay đổi về cơ chế mua sắm.

Vaccine ngừa COVID-19. (Nguồn: Vietnam+)

Trước tình trạng trên, Sở Y tế đã tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố kiến nghị với Bộ Y tế sớm phân bổ vaccine cho Thành phố. Ngày 10/7 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về việc bố trí ngân sách Trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vaccine cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Bộ Y tế giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện đặt hàng đối với vaccine sản xuất trong nước và đấu thầu đối với vaccine nhập khẩu. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang thực hiện thủ tục theo quy định cho việc mua sắm vaccine để có thể cung ứng vaccine sớm nhất cho các địa phương trên toàn quốc.

Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh chủ động trong việc điều chuyển vaccine giữa các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để đảm bảo công bằng cho người dân trong việc tiếp cận vaccine.

Trong thời gian chờ phân bổ vaccine từ Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh cách đề phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ, các trạm y tế thực hiện rà soát và quản lý chặt chẽ danh sách trẻ đến lượt tiêm mới, tiêm nhắc lại để kịp thời nhắc và triển khai tiêm sớm nhất khi có nguồn vaccine được cung ứng trở lại.

Bên cạnh Chương trình Tiêm chủng mở rộng, người dân có thể tiếp cận nguồn vaccine dịch vụ; hiện nay, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đều đảm bảo vaccine để tiêm cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tphcm-thieu-thuoc-bao-hiem-y-te-o-benh-vien-chi-la-truong-hop-ca-biet-post908320.vnp