TP.HCM sắp tiêu thụ điện cao kỷ lục: Coi chừng tiền điện tăng bất ngờ!

Dự báo đỉnh điểm trong tháng 4 và tháng 5.2024 sẽ có một số ngày điện nhận vượt trên 95 triệu kWh/ngày - là mức cao nhất chưa từng có trong lịch sử điện nhận tại TP.HCM. Khi nhiệt độ bên ngoài tăng dao động 1 độ C, các thiết bị điều hòa nhiệt độ, đặc biệt là máy lạnh có thể tăng 2 - 3% hiệu suất tiêu thụ điện dẫn đến tiền điện tăng cao bất ngờ.

Tại hội nghị giao ban báo chí tháng 3.2024, ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết theo quy luật thời tiết, Quý II hằng năm tại khu vực TP.HCM là giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 - 40 độ C, do vậy nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị giải nhiệt, điều hòa, đặc biệt là thiết bị làm mát sẽ tăng cao.

Càng nắng nóng, càng dùng nhiều điện

Theo dõi số liệu cho thấy tại TP.HCM sản lượng tiêu thụ bình quân ngày của 2 tháng đầu năm 2024 là 75,34 triệu kWh/ngày, cao hơn 11,39% so với cùng kỳ năm 2023. Phân tích các thành phần phụ tải khách hàng của 2 tháng này so với cùng kỳ cũng ghi nhận phụ tải sinh hoạt tăng 11,90% (chiếm 49,55% tổng phụ tải); các phụ tải ngoài sinh hoạt (chiếm 50,45% tổng phụ tải) tăng 7,32%, trong đó phụ tải có tỷ trọng lớn nhất là công nghiệp và xây dựng (chiếm 29,49% tổng phụ tải).

“Dự báo sản lượng điện bình quân ngày của cả tháng 3.2024 đạt 84,84 triệu kWh/ngày, tăng 8,31% so với cùng kỳ tháng 3.2023 (78,33 triệu kWh/ngày). Sản lượng điện nhận bình quân ngày của tháng 4, tháng 5, tháng 6.2024 dự báo tiếp tục tăng cao, đạt từ 84,30 đến 87,60 triệu kWh/ngày và đỉnh điểm trong tháng 4 và tháng 5.2024 sẽ có một số ngày điện nhận vượt trên 95 triệu kWh/ngày, là mức cao nhất chưa từng có trong lịch sử điện nhận tại TP.HCM” - báo cáo của Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết.

Để đảm bảo cung ứng điện mùa khô 2024, Tổng công ty Điện lực miền Nam yêu cầu 21 công ty điện lực các tỉnh, thành phía Nam phải hoàn thành công tác bảo trì, sửa chữa lưới điện trước 31.3.2024. Ảnh: T.A.T

Theo ông Kiên, trong giai đoạn cao điểm nắng nóng từ tháng 3 đến 7, tình hình sử dụng điện của khách hàng sẽ tăng cao, tần suất sử dụng các thiết bị điện trong nhà, đặc biệt là thiết bị làm mát, giải nhiệt của các hộ gia đình tăng cao, máy lạnh sử dụng một cách thường xuyên hơn. “Theo chuyên gia, mỗi khi nhiệt độ bên ngoài tăng dao động 1 độ C, các thiết bị điều hòa nhiệt độ, điển hình là máy lạnh có thể tăng 2 - 3% hiệu suất tiêu thụ điện, dẫn đến tiền điện tăng cao so với trung bình sử dụng của những tháng khác trong năm, ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt trong gia đình”, ông Kiên chia sẻ.

Một số cách sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả

Ông Kiên cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã tập trung triển khai vận động khách hàng tiết kiệm điện theo từng nhóm khách hàng. Theo đó, yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo hằng năm tối thiểu tiết kiệm 5% tổng điện năng tiêu thụ trong năm. Tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện mặt trời mái nhà có lưu trữ sau khi có chính sách của Chính phủ.

Làm việc với các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời, yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 30% tổng điện năng tiêu thụ giai đoạn 2023 - 2025 cho các hoạt động chiếu sáng.

Làm việc với các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư tắt hoặc giảm tối thiểu 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào cao điểm buổi tối theo yêu cầu của công ty điện lực địa phương. Tuân thủ các quy định về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả; sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của công ty điện lực tại địa phương trong trường hợp xảy ra thiếu điện.

Làm việc với các khách hàng sử dụng điện lớn; các ban quản lý khu, cụm điểm công nghiệp trên địa bàn cam kết tiết kiệm điện (tối thiểu 2% sản lượng điện tiêu thụ/năm), điều hòa phụ tải, giãn kế hoạch sản xuất, dịch chuyển ngày làm việc, dịch chuyển ca sản xuất, giảm công suất giờ cao điểm…

Nhân viên điện lực TP.HCM hướng dẫn người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Ảnh: CTV

Đối với các hộ gia đình, khuyến khích sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 9.3.2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện. Khuyến khích lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời…

Một số giải pháp thực hiện sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình được Tổng công ty Điện lực TP.HCM khuyến nghị: tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết và sử dụng ở chế độ, mức nhiệt độ phù hợp (chế độ làm lạnh từ 26 độ C trở lên); ưu tiên mua sắm các phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao hoặc thiết bị điện có dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao; hạn chế tối đa việc sử dụng bóng đèn sợi đốt…

“Tổng Công ty đã phát triển ứng dụng EVNHCMC CSKH với nhiều tính năng như theo dõi lượng điện tiêu thụ và số tiền điện tương ứng, báo sự cố, nhận hóa đơn điện tử, đăng ký dịch vụ trực tuyến. Ứng dụng được cài đặt trên thiết bị di động, giúp khách hàng theo dõi tình hình sử dụng điện của hộ gia đình từng ngày/tháng, qua đó chủ động điều chỉnh để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Ngoài ra, hệ thống còn có tính năng tự động so sánh điện năng tiêu thụ của khách hàng theo từng khoảng thời gian tương ứng với khoảng thời gian của tháng liền kề trước đó và cùng kỳ năm trước để đưa ra cảnh báo sản lượng điện năng tăng/giảm bất thường và tự động gửi thông báo đến khách hàng qua email/ZMS/SMS/ứng dụng EVNHCMC CSKH… để khách hàng có thể chủ động kiểm tra, sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả”, ông Kiên cho biết.

Máy lạnh “nuốt” điện nhiều nhất!

PGS-TS. Nguyễn Việt Dũng (Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ nhiệt - lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết thông qua nhiều nghiên cứu ông chủ trì hoặc tham gia, ghi nhận điện năng tiêu thụ 4 tháng mùa hè cao hơn trung bình 20 - 50% so với các tháng khác. Trong đó, điện năng tiêu thụ của điều hòa (máy lạnh) chiếm 28 - 64%, tủ lạnh 6 - 22%, còn lại là tiêu thụ điện của tivi, chiếu sáng, đồ làm bếp…

Theo PGS. Dũng, điều hòa là thiết bị sử dụng điện năng để thực hiện một quá trình ngược với tự nhiên là hút nhiệt tỏa ra (ở nhiệt độ thấp) để làm mát trong nhà bằng dàn lạnh và sau đó thải nhiệt này cùng nhiệt do điện năng cấp vào thiết bị sinh ra bằng dàn nóng (ở nhiệt độ cao). Muốn thải nhiệt ra ngoài trời, nhiệt độ dàn nóng phải cao hơn nhiệt độ ngoài trời. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng lên, nhiệt độ dàn nóng cũng phải tăng lên để đảm bảo thải đủ lượng nhiệt cần thiết.

Muốn vậy điều hòa phải nâng nhiệt độ gas lạnh cao hơn trước khi vào dàn nóng thải nhiệt, do vậy chi phí năng lượng sẽ cao hơn. Nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng 2 - 3%. Không những thế, nếu nhiệt độ cài đặt của điều hòa trong phòng để thấp xuống, tiêu thụ điện năng cũng tăng lên 1,5 - 3%. Do đó, một số người có thói quen để nhiệt độ cài đặt của điều hòa thấp xuống để lạnh nhanh sẽ vô tình làm tăng chi phí điện năng.

So sánh giữa điều hòa biến tần (inverter) và không biến tần (non-inverter) cùng mức sao năng lượng cũng cho thấy mức độ tiết kiệm điện năng của điều hòa biến tần là 15 - 28%, tùy vào điều kiện sử dụng và hoạt động trong chế độ không đầy tải (đặc biệt trong khoảng 30 - 70% của tải). Tuy nhiên, nếu điều hòa biến tần luôn hoạt động ở tải định mức khoảng 100%, thậm chí quá tải, lúc đó sẽ không tiết kiệm điện, thậm chí còn tốn điện hơn điều hòa không biến tần do loại biến tần ngoài làm lạnh còn tiêu thụ thêm điện cho bộ biến tần.

“Các thiết bị điện tử như điều hòa, tivi, quạt, bộ thu phát sóng của tivi, wi-fi, lò vi sóng… khi không sử dụng mà vẫn cắm vào nguồn điện ở chế độ chờ “stand by” hoặc máy tính bàn, laptop ở chế độ “ngủ” thì vẫn tiêu tốn điện. Ví dụ, điều hòa khi chưa cắt aptomat (cầu dao), ở chế độ chờ, sẽ tiêu tốn 8 - 20Wh, tương đương một bóng đèn led. Tính cho cả năm thì con số này không hề nhỏ. Do đó nếu không dùng các thiết bị điện trong thời gian lâu nên tắt hẳn nguồn điện”, PGS. Dũng lưu ý.

Hữu Tiến

Minh Hoàng

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/coi-chung-tien-dien-tang-bat-ngo-43159.html