TP.HCM làm gì để điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa?

TP.HCM đang xây dựng chiến lược để điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa, qua đó đưa Thành phố trở thành một Thành phố Điện ảnh (Film City), gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của Unesco (Mạng lưới UCCN). Vậy TP.HCM cần chuẩn bị những gì để thực hiện chiến lược này?

Tạo môi trường đào tạo chuyên nghiệp

TP.HCM là thị trường luôn dẫn đầu cả nước về số lượng phim điện ảnh được sản xuất hàng năm. Thị phần điện ảnh của thành phố chiếm khoảng 40% thị phần điện ảnh của cả nước. Các nghệ sĩ tại TP.HCM đã đóng góp nhiều tác phẩm cho môn nghệ thuật thứ 7 này, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận tính chất giải trí vẫn là chủ yếu, những tác phẩm chất lượng hơn thực sự vẫn chưa có.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM (Ảnh: HIFF)

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần phim Giải phóng cho biết, môi trường văn hóa đa dạng và phát triển như hiện nay cũng là tiềm năng để TP.HCM đi đầu trong phát triển văn hóa. Tuy vậy, điện ảnh của thành phố vẫn còn gặp khó khăn. Ông Hưng dẫn chứng trường hợp Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, một hãng phim của thành phố nhưng vừa rồi có nguy cơ giải thể, đang “đói” phim để làm.

Ông Hưng cũng cho rằng, đó chỉ là những lát cắt trong tình hình tổng quan chung. Để ngành công nghiệp điện ảnh thực sự phát triển thì ngoài những yếu tố văn hóa, cơ sở vật chất, còn cần đến đào tạo con người: “Tôi nghĩ môi trường đào tạo cực kỳ quan trọng, chúng ta phải tìm môi trường đào tạo đúng người, đúng việc và tạo môi trường để họ phát triển. Bởi thành phố đã có sẵn môi trường và điều kiện rất thuận lợi, chỉ cần tìm nguồn lực”.

Theo ông Jeremy Segay, Tùy viên nghe-nhìn khu vực Đông Nam Á, Đại sứ quán Pháp, những năm gần đây, thị trường phim Việt có nhiều điểm sáng. Theo Tạp chí Screen International, vào năm 2010, Việt Nam chỉ có 90 phòng chiếu nhưng đến năm 2019 tăng lên 1.100 phòng. Cũng trong năm 2019, Việt Nam là một trong 4 nước có thị phần phim nội địa cao nhất khu vực Đông Nam Á, với 29% tổng số tác phẩm phát hành trong nước. Trong đó có những tác phẩm có doanh thu trăm tỷ.

Ông Jeremy Segay, Tùy viên nghe-nhìn khu vực Đông Nam Á, Đại sứ quán Pháp (Ảnh: HIFF)

Tuy nhiên, thị hiếu xem phim của người Việt vẫn chưa đồng đều, nhất là đối với những bộ phim độc lập, phim đạt giải thưởng quốc tế. Ví dụ như ở Việt Nam gần đây có bộ phim "Bên trong vỏ kén vàng" của đạo diễn Phạm Thiên Ân, thắng giải Camera D'or ở Liên hoan phim Cannes 2023. Ở Pháp, bộ phim thu hút khán giả, bán được 50.000 vé, thu về 400.000 USD (9,2 tỷ đồng). Nhưng khi phát hành trong nước, doanh thu chỉ khoảng hơn 1.4 tỷ đồng.

Do đó, trong việc xây dựng công nghiệp điện ảnh, thói quen xem phim cũng cần được thay đổi, mà theo ông Jeremy, sẽ cần tốn nhiều thời gian. Quan trọng hơn, cần khuyến khích khán giả xem phim một cách đa dạng và cởi mở hơn, tiếp xúc với nhiều thể loại điện ảnh, từ đó tạo cơ hội cho các dòng phim cùng phát triển.

Với TP.HCM, Liên hoan phim quốc tế lần thứ 1 năm 2024 tới đây không chỉ là dịp để những nhà làm phim gặp gỡ mà còn là cơ hội đưa khán giá đến rạp phim, tiếp xúc với nhiều thể loại phim. Đồng thời, các chợ dự án (project market) tại Liên hoan phim lần này sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá, kết nối nhà đầu tư, thu hút các nhà làm phim trẻ tài năng từ khắp nơi trên thế giới.

Ông Jeremy nói: “Tôi nghĩ TP.HCM cũng sẽ là nơi tiềm năng để các nhà làm phim quốc tế lựa chọn thực hiện các dự án phim. Nhiều nước không những hỗ trợ những nhà làm phim trong nước mà cả nhà làm phim quốc tế, bao gồm cả lợi nhuận cho phim. Do đó Liên hoan phim quốc tế TP.HCM là nơi để những đơn vị làm phim tìm được cơ hội và phát triển trong tương lai”.

Bên cạnh đó, ông Jeremy cũng cho rằng, để phát triển công nghiệp điện ảnh cần có sự đồng hành giữa Nhà nước và tư nhân. Trong đó Nhà nước đóng vai trò là nơi tiếp nhận, giới thiệu, xúc tiến, hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về những thủ tục, quy trình liên quan đến điện ảnh.

Thu hút nguồn lực xã hội

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết, Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã tạo điều kiện cho TP.HCM xây dựng và phát triển đề án công nghiệp văn hóa, trong đó có phát triển công nghiệp điện ảnh.

Cụ thể là bổ sung vào quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội của TP.HCM những khu công nghiệp điện ảnh, tăng cường sự gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng; xây dựng đề án, cơ chế chính sách hình thành quỹ hỗ trợ điện ảnh, bảo trợ tài năng trẻ, dự án phim trẻ, từ đó phát triển thành tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao; các giải pháp về cơ sở vật chất…

Bên cạnh đó là cơ chế đặc thù về chính sách bảo hộ điện ảnh Việt để phát triển hoạt động sản xuất phim, ưu tiên chiếu phim Việt, thu thuế ở mức thấp đối với phim trong nước, có ưu đãi về thuế, vay lãi suất thấp cho những nhà làm phim Việt, từ đó khuyến khích, tạo động lực phát triển cho ngành điện ảnh trong tương lai.

Một cảnh trong phim "Bên trong vỏ kén vàng" (Ảnh: ĐPCC)

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng lên kế hoạch kêu gọi các nguồn lực, xây dựng năng lực sản xuất để tạo ra những bộ phim có tiếng vang lớn trong nước và quốc tế. Bà Thúy nói: “Chúng ta cần rất nhiều nguồn lực, ngân sách Nhà nước chỉ là một phần. Riêng nguồn lực từ các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước thì chúng tôi đánh giá là rất dồi dào. Đầu năm 2024 tới, thành phố sẽ tổ chức những hội nghị trong và ngoài nước để kêu gọi đầu tư cho phim trường, hệ thống sản xuất phim hiện đại”.

Với một đô thị có môi trường văn hóa đa dạng và là nơi thị trường điện ảnh phát triển sôi động nhất cả nước, định hướng phát triển ngành công nghiệp điện ảnh vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với TP.HCM. Liên hoan phim ngắn lần đầu tiên vào tháng 10 vừa qua hay Liên hoan phim quốc tế lần thứ nhất diễn ra vào năm 2024 sắp tới cho thấy Thành phố đang từng bước hiện thực hóa kế hoạch này.

Vũ Hường/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/tphcm-lam-gi-de-dien-anh-tro-thanh-nganh-cong-nghiep-van-hoa-post1061455.vov