TP.HCM không đột phá, cả nước khó đột phá hậu Covid-19

GS.TS Vũ Minh Khương cho rằng hậu Covid-19 là kỷ nguyên mới đòi hỏi Việt Nam phải đột phá; trong đó, đầu tàu TP.HCM có vai trò quan trọng trong sự phát triển này.

Chiều 14/12, TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ kiều bào, đóng góp ý kiến cho sự phát triển bền vững của TP.HCM với chủ đề “TP.HCM trở lại bình thường mới hậu Covid-19: Vấn đề và kiến nghị”.

Nói về giai đoạn phát triển hậu đại dịch, GS.TS Vũ Minh Khương (giảng viên trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2016-2021) gọi đây là "kỷ nguyên mới" mà cả thế giới đang bàn bạc. "Mỗi thế kỷ đều có một đổi thay lớn, đại dịch Covid-19 buộc tất cả quốc gia phải suy nghĩ sâu sắc", ông nói.

Để có sự đột phá tại Việt Nam, ông Vũ Minh Khương đặc biệt kỳ vọng vào TP.HCM. "TP.HCM không đột phá, Việt Nam không thể đột phá", ông nhận định.

Thách thức cốt tử

GS.TS Vũ Minh Khương cho rằng điều đáng sợ nhất trong đứt gãy kinh tế không đơn thuần là gián đoạn sản xuất, mà các mô hình hiện tại mất dần khả năng kiến tạo giá trị. Tức là với công thức cũ, một doanh nghiệp hay địa phương phát triển rất tốt, nhưng đến nay thì cách làm trước đó mất dần giá trị. Điều này đòi hỏi phải có một mô hình mới mang tính đột phá.

Khi chuẩn bị cho thời kỳ mới, ông Khương nhận định bài học là thành phố, doanh nghiệp hay quốc gia càng lớn thì càng bị "lấn cấn" với tư duy cũ.

"Cái cũ quá thành công nên ta thấy chưa cần thay đổi vì thương hiệu hiện đã đủ sống. Nhưng không nghĩ rằng thời gian sẽ làm mình mất dần giá trị, và khi nhận ra thì không kịp xử lý nữa", ông cảnh báo.

 Phó chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì hội nghị gặp gỡ người Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: HMC.

Phó chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì hội nghị gặp gỡ người Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: HMC.

GS.TS Vũ Minh Khương cho rằng trong sự phát triển của địa phương, doanh nghiệp hay cá nhân thường nặng nề về nguồn lực. Tuy nhiên, điều quan trọng là triển khai nguồn lực thế nào để nắm bắt cơ hội, thách thức, tạo ra giá trị lớn.

Muốn đi xa không nên chỉ nhìn nguồn lực mà phải thấy cả thời cơ, thách thức, xu thế.

GS.TS Vũ Minh Khương

"Trong chiến lược tương lai, muốn đi xa không nên chỉ nhìn nguồn lực mà phải thấy cả thời cơ, thách thức, xu thế. Quan trọng là nhận ra đâu là thách thức cốt tử", ông nói.

Ông Khương nêu quan điểm thách thức cốt tử của Việt Nam là làm thế nào để cán bộ xông lên hàng đầu làm điều lịch sử ghi lại, chứ không phải "vừa làm vừa nghĩ, vừa sợ". Ông chia sẻ khi làm việc với doanh nghiệp Việt Nam, tâm lý còn rất nặng nề và chỉ muốn làm những việc an toàn; nhiều cán bộ Nhà nước cũng có tâm lý e sợ nên chỉ làm việc với 50-60% công suất bởi "có người hôm qua tuyên dương, hôm nay đi tù".

GS.TS Vũ Minh Khương đặc biệt nhấn mạnh vấn đề nâng tầm quản trị và đề nghị TP.HCM cần có hệ thống quản trị hiện đại như quốc tế để cán bộ "xông lên phía trước, quả cảm hết lòng".

Ông đề xuất 3 tuyến phòng vệ - một là kiểm soát nội bộ, "rào giậu kỹ"; hai là kiểm soát tài chính, nhắc nhở, phát hiện kịp thời vi phạm; ba là kiểm toán chiến lược. Chuyên gia cho rằng giải pháp này sẽ giúp cán bộ toàn tâm toàn ý "xông lên phía trước" với sự tin tưởng, yểm trợ cao nhất của hệ thống.

Về kinh tế, đợt dịch vừa qua khiến Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng tổn thương nặng nề, nhưng thế giới vẫn nhìn ra nội lực tiềm tàng của Việt Nam.

Để đột phá, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cần hình thành, thúc đẩy khu kinh tế cộng hưởng HCMC+6 - TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh. Vùng kinh tế này có 20 triệu dân, rộng 23.000 km2, tạo ra trên 35% GDP của cả nước (100 tỷ USD - năm 2019).

Ông Khương dẫn chứng các khu kinh tế cộng hưởng của Trung Quốc như Vùng vịnh Quảng Đông - Hong Kong - Macao đã giúp cả vùng và mỗi địa phương thuận lợi hơn trong định vị quốc tế, thu hút đầu tư, thúc đẩy hoàn thiện hệ thống hạ tầng.

Phát triển công nghệ dược phẩm

TS.BS Võ Toàn Trung, kiều bào Pháp, gợi mở TP.HCM cần nghiên cứu, phát triển công nghệ dược phẩm. Ông lấy ví dụ dự báo công nghệ dược phẩm tại Trung Quốc có giá trị đến 1.000 tỷ USD dù 20 năm trước chưa có gì; hay Ấn Độ - nhà thuốc của thế giới - thì ngành công nghiệp này hiện có giá trị khoảng 50 tỷ USD.

TP.HCM hoàn toàn có thể chen vào quá trình sản xuất thuốc, đặc biệt là thuốc thế hệ mới.

TS.BS Võ Toàn Trung

"TP.HCM hoàn toàn có thể chen vào quá trình sản xuất thuốc, đặc biệt là thuốc thế hệ mới", TS.BS Võ Toàn Trung nhận định. Ông chia sẻ thêm bối cảnh các nước phương Tây hiện không muốn phụ thuộc vào nước nào trong sản xuất và cung cấp thuốc, dẫn đến nhu cầu dịch chuyển của nền kinh tế thế giới.

Có cùng đề xuất, ông Phạm Sanh Châu, đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm Nepal và Bhutan, cho rằng TP.HCM cần thúc đẩy công nghệ sinh học bởi đây là "công nghệ của tương lai".

Ông Đinh Vĩnh Cường (Chủ tịch Tập đoàn 365Group, chuyên kinh doanh các lĩnh vực logistics, xuất nhập khẩu, bất động sản và nhà hàng) đưa ra nhiều kiến nghị về hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau đại dịch.

 Hàng loạt mặt bằng tại TP.HCM đang chờ người thuê mới sau dịch Covid-19. Ảnh: Phương Lâm.

Hàng loạt mặt bằng tại TP.HCM đang chờ người thuê mới sau dịch Covid-19. Ảnh: Phương Lâm.

Ông Cường chia sẻ TP.HCM cần đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vị này dẫn chứng "khu phố Nhật" Lê Thánh Tôn (quận 1) đã đóng cửa hơn một nửa, nhiều chủ doanh nghiệp là bạn bè ông đã về nước và khoảng 30% không có ý định trở lại. Do đó, TP.HCM cần có chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ để thu hút nhóm này trở lại.

Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, đến 20/12/2020, tổng vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với 2019. Điều này cho thấy đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đáng kể đến tình hình thu hút đầu tư nước ngoài.

Vị này nêu thực tế FDI vào Việt Nam phần lớn từ các nước châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...), rất ít nhà đầu tư từ Mỹ và EU. Ông cho rằng các chi phí không chính thức đã cản trở nhiều dòng đầu tư đến Việt Nam và kiến nghị nút thắt này cần được xóa bỏ nhanh chóng để đón nhà đầu tư.

TP.HCM nên chi tối thiểu 3-4% GDP để chuyển đổi số

Đó là đề xuất của của ông Lâm Việt Tùng, chuyên gia tư vấn công nghệ thông tin - viễn thông cho Vodafone Ziggo (Hà Lan). Ông lấy ví dụ hệ thống quản lý văn bản và điều hành của một quận, huyện hiện chỉ có từ vài trăm triệu đến 2 tỷ đồng nên không thể làm tập trung được. Trong khi đó, nếu cộng tất cả số tiền này lại thì lên đến nghìn tỷ và các hệ thống vẫn manh mún, không chuẩn.

Ông cho rằng để công cuộc chuyển đổ số nhanh hơn, bắt kịp thế giới, TP.HCM cần chi kinh phí lớn hơn cho chuyển đổi số.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tphcm-khong-dot-pha-ca-nuoc-kho-dot-pha-hau-covid-19-post1283308.html