TP. HCM: Hành trình 49 năm vươn lên vị thế 'đầu tàu kinh tế' Việt Nam

Trong 49 năm qua, TP.HCM đã trải qua một hành trình phát triển với nhiều thăng trầm, nhưng luôn khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế đứng đầu cả nước. Hiện TP. HCM đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm nội địa, chiếm 23% GDP và đóng góp lớn nhất thu ngân sách cả nước, chiếm 27%.

TP. HCM vươn lên vị thế 'trái tim kinh tế' Việt Nam (ảnh VNF)

Con số và những dấu mốc phát triển

Giai đoạn đầu (1976 - 1985), cùng với cả nước, TP. HCM bước vào khôi phục và phát triển kinh tế trong bối cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của TP. HCM chỉ đạt trung bình 2,7%/năm.

TP. HCM nỗ lực vượt qua các giai đoạn khó khắn (ảnh VNF)

Giai đoạn bắt đầu đổi mới (1986 - 1995), TP. HCM đã bước vào công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng trưởng kinh tế của thành phố đã gia tăng nhanh chóng. Những năm đầu đổi mới (1986 - 1990), GRDP của thành phố tăng trưởng bình quân đạt 7,82%/năm, 5 năm tiếp theo (1991 - 1995) tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt trung bình 12,62%/năm.

Đây là giai đoạn vai trò đột phá, đầu tàu kinh tế của Thành phố được phát huy mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài gia tăng nhanh chóng, đạt trung bình 67,97%/năm (1991 - 1995).

Giai đoạn đẩy nhanh công nghiệp hóa - hiện đại hóa (1996 - 2010), TP.HCM đã gia tăng tốc độ phát triển kinh tế, khẳng định vị thế và vai trò của đầu tàu kinh tế Vùng và cả nước.

Tăng trưởng kinh tế TP.HCM đạt tốc độ bình quân 2 con số (1996 - 2000: 10,11%; 2001 - 2005: 11% và 2006 - 2010: 11,18%/năm, giá so sánh năm 1994), đưa thành phố trở thành một trong số rất ít địa phương của cả nước đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong thời gian dài. GRDP bình quân đầu người của TP.HCM đã tăng từ 700 USD (1996) lên xấp xỉ 5.000 USD (2010).

Giai đoạn phát triển kinh tế theo chiều sâu (2011 - 2020), TP. HCM đạt tăng trưởng kinh tế bình quân 6,86%/năm, với quy mô GRDP chiếm 25,79% GDP quốc gia và 51,11% GDP vùng kinh tế trọng điểm phí Nam. Thành phố cũng dẫn đầu cả nước về mật độ doanh nghiệp, với 27,6 doanh nghiệp/1000 dân.

Từ 2021 đến nay, đại dịch Covid-19 đã gây suy giảm kinh tế TP. HCM, với tăng trưởng giảm sâu trong năm 2021. Tuy nhiên, năm 2022 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, với tăng trưởng là 9,03%, thu ngân sách đạt 122% dự toán.

Tính đến cuối năm 2023, với quy mô GRDP đạt khoảng 65,5 tỷ USD, kinh tế TP. HCM chiếm gần 15,5% GDP của cả nước.

Diện mạo đổi mới với hạ tầng hiện đại

Xây dựng hạ tầng thành phố những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước là nhiệm vụ đầy thách thức.

TP. HCM đã nhanh chóng bắt tay vào nâng cấp mở rộng nhiều tuyến đường, xây mới nút giao Phú Lâm, Hàng Xanh... Hệ thống trục đường Bắc - Nam với loạt cây cầu lớn như: Ông Lãnh, Nguyễn Tri Phương, Tân Thuận 2, Khánh Hội… cũng hoàn thành, từng bước đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của thành phố.

Cầu Phú mỹ tại TP. HCM (ảnh VNF)

Những năm đầu 2000, dự án có ý nghĩa quan trọng đã hình thành: đường Phạm Văn Đồng, cầu Ba Son đầu tư BT; xa lộ Hà Nội, cầu Phú Mỹ, Bình Triệu đầu tư BOT... Diện mạo thành phố nhờ đó đã có những thay đổi vượt bậc.

Năm 2008, đại lộ Phạm Văn Đồng được đầu tư 340 triệu USD, rộng 10 làn xe và đưa vào khai thác năm 2016. Đây là tuyến đường kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Những năm sau đó, hệ thống trục Đông - Tây với các tuyến chính như: đường Trường Chinh, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 13... tiếp tục được xây dựng. Giao thông TP. HCM được kết nối và tạo tiền đề cho sự phát triển bứt phá dọc hai bờ sông Sài Gòn. Trong đó, đại lộ Đông - Tây dài 24km đi qua 8 quận huyện được ví là con đường di sản của thành phố bởi nó chạy suốt chiều dài lịch sử 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Sài Gòn - TP.HCM.

Tuyến đường này sau được đổi tên thành đại lộ Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ. Điểm nhấn của dự án là hầm vượt sông Sài Gòn (nối quận 1 với quận 2 cũ, nay là TP. Thủ Đức) dài gần 1,5km, rộng hơn 33m, khai thác năm 2011 sau hơn 3.000 ngày thi công.

Năm 2023 là năm đáng nhớ của TP. HCM khi đã khởi công hàng loạt công trình trọng điểm, bứt tốc hoàn thành hàng chục dự án lâu năm và chuẩn bị thủ tục cho những dự án mới.

Điển hình nhất là tuyến Vành đai 3, sau nhiều năm chờ đợi, TP. HCM cùng các địa phương Đồng Nai, Bình Dương, Long An đồng loạt khởi công. Liên tiếp sau đó là loạt dự án như nút giao An Phú (TP Thủ Đức), quốc lộ 50 (cửa ngõ miền Tây), Vành đai 2, đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý…

Đồng thời, TP. HCM chuẩn bị triển khai nhiều dự án lớn khác như: cầu Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Nguyễn Khoái, Bình Tiên, Vành đai 4, cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, đặc biệt là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

TP. HCM đã chốt đầu tháng 7/2024 sẽ vận hành thương mại tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, sớm khởi công tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương trong năm 2025.

Đồng thời, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP. HCM đã lập đề án đầu tư hơn 200km metro trong 15 năm. Cùng đó, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên cũng được nghiên cứu kéo dài đến Bình Dương, Đồng Nai để liên kết các vùng kinh tế lớn, giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông đường sắt đô thị quan trọng.

Việc hàng loạt dự án hạ tầng giao thông tại TP. HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang được triển khai sẽ từng bước hiện đại hóa hệ thống giao thông liên vùng.

Đây là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy TP. HCM và cả vùng phát triển.

Nhìn về tương lai

Để tạo động lực cho TP.HCM tiếp tục phát triển, xứng đáng với với vị thế đầu tàu kinh tế cả nước, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 24 của về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt là Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM mở ra nhiều cơ hội cho TP. HCM bứt phá.

Hiện TP. HCM đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm nội địa, chiếm 23% GDP và đóng góp lớn nhất thu ngân sách cả nước, chiếm 27% và không ngừng phấn đấu để phát triển và nâng cao vị thế của mình.

TP. HCM đang hướng tới mục tiêu trở thành đô thị thông minh, dịch vụ công nghiệp hiện đại và đầu tàu kinh tế số vào năm 2025, và một thành phố văn hóa, đầu tàu kinh tế số, xã hội số vào năm 2030.

TP. HCM đã chứng tỏ nội lực của mình thông qua sự tăng trưởng kinh tế vững mạnh, sự đổi mới công nghệ, cải thiện hạ tầng và tiện ích, cùng với sự phát triển văn hóa, xã hội đa dạng và TP. HCM đã trở thành 'trái tim kinh tế' của Việt Nam.

TP.HCM cũng phát triển nhanh chóng của công nghệ và đổi mới. Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các trung tâm nghiên cứu và phát triển đã được xây dựng, tạo điều kiện cho sự phát triển của các ngành công nghiệp tiên tiến như công nghệ thông tin, điện tử và vi sinh.

Hiện TP.HCM có khoảng 20 khu công nghiệp và khu công nghệ cao đang hoạt động và phát triển. Các khu công nghiệp lớn như: Tân Bình, Linh Trung, Hiệp Phước cùng các khu công nghệ cao như Quang Trung Software Park và Sài Gòn Hi-Tech Park đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, công nghệ cho Thành phố.

Hành trình 49 năm qua, TP. HCM cùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thể hiện vai trò của vùng kinh tế động lực của cả nước.

TP. HCM đang tiếp tục sức bật tăng trưởng hướng tới việc sánh vai với các thành phố lớn trong khu vực châu Á, trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính của khu vực vào năm 2045.

Điều này sẽ thành hiện thực bởi TP. HCM đã được trao cơ chế đặc thù riêng từ Nghị quyết 98. Với cơ chế mới cho một đô thị đặc biệt theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho thành phố nhiều hơn, tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm mang tính liên vùng sẽ thúc đẩy sự phát triển của TP. HCM và cả vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trần Lê

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tp-hcm-hanh-trinh-49-nam-vuon-len-vi-the-dau-tau-kinh-te-viet-nam-20180504224298177.htm