TP.HCM: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục

Trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, giáo dục cần phải giúp học sinh phát triển được khả năng làm chủ công nghệ, sử dụng công nghệ một cách đúng đắn để phát huy những năng lực cá nhân khi tham gia vào xã hội số.

Chia sẻ tại hội thảo "Giáo dục số - Cơ hội đột phá và phát triển TP.HCM", nằm trong khuôn khổ "Tuần lễ chuyển đổi số TP.HCM năm 2023" diễn ra trong hai ngày 17-18/10, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM nhận định, Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đã tạo nên những sản phẩm đặc trưng của nền kinh tế số dựa trên dữ liệu lớn.

Trong đó, TP.HCM cũng đã triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số như: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, những lớp học kết nối, đánh giá, theo dõi quá trình học tập của học sinh...

Theo ông Quốc, công nghệ hiện đại giúp cho con người tiếp cận khối lượng tri thức khổng lồ, sáng tạo nội dung một cách nhanh chóng. Nhất là khi AI ngày càng phổ biến trong môi trường giáo dục và được dự báo sẽ thay thế 80% công việc của con người. Vì vậy, giáo dục cần giúp cho học sinh phát triển được khả năng làm chủ công nghệ, sử dụng công nghệ một cách đúng đắn để phát huy những năng lực cá nhân khi tham gia vào xã hội số.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại hội thảo.

"Chuyển đổi số trong giáo dục cần được xem là một chiến lược dài hạn với những cải cách quyết liệt, triệt để. Tuy nhiên, công nghệ không phải yếu tố quan trọng nhất mà chính sự quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo cơ sở giáo dục; tư duy, nhận thức tiến bộ và sẵn sàng thay đổi của đội ngũ viên chức trong nhà trường; sự phối hợp và đồng thuận của cha mẹ học sinh", ông Quốc nhấn mạnh.

Ông Quốc cho rằng, cần phải xác định rõ thuận lợi, khó khăn, nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục đến 2025 của ngành giáo dục TP.HCM cần thực hiện là: Xây dựng hệ thống dạy học trực tuyến bất đồng bộ, cho phép người dùng học tập mọi lúc, mọi nơi; xây dựng kho tài nguyên học liệu mở, chia sẻ với các nền tảng dạy học trực tuyến và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời cho người dân.

Tại hội thảo, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM kể ra 3 khó khăn lớn trong chuyển đổi số ngành giáo dục tại Việt Nam.

Thứ nhất, dù đã được nâng cấp nhưng vẫn còn sự chênh lệch giữa các khu vực, nhất là khu vực ngoại thành và vùng sâu, vùng xa. Thứ hai, sự chấp nhận của công chúng, quan điểm của nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh còn hạn chế. Thứ ba, cần nhiều chính sách và chiến lược phát triển để đảm bảo chuyển đổi số phát triển đồng bộ và hiệu quả trên toàn quốc.

Học sinh tham gia trải nghiệm các sản phẩm tại Tuần lễ chuyển đổi số TP.HCM năm 2023.

Ông Minh cũng chia sẻ sau 2 năm đại dịch Covid-19, bên cạnh khó khăn cũng bật lên điểm sáng khi giúp quá trình chuyển đổi số tiến nhanh hơn so với kế hoạch. Ngành giáo dục TP.HCM đã xây dựng cơ sở dùng chung và trục liên thông dữ liệu được mở rộng giúp thống nhất dữ liệu toàn ngành. Song, cũng còn những khó khăn trong quá trình kết nối, sai sót dữ liệu.

"Dữ liệu phải được khai thác, chuẩn hóa và tái sử dụng để nó thực sự là tài sản lớn. Nếu không được tiếp tục chuẩn hóa, tái sử dụng hàng năm thì dữ liệu chỉ là dữ liệu mà thôi", ông Minh nhấn mạnh.

Chia sẻ về giải pháp chuyển đổi số trong công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, Phòng GD&ĐT quận Tân Bình cho biết, cần phải thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng và tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và nhân dân về công tác huy động trẻ nhằm ngăn chặn tiêu cực

Phối hợp với Công ty phần mềm xây dựng phần mềm tuyển sinh đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, theo các yêu cầu về quản lý học sinh của nhà trường, thực hiện quản lý điểm số, chuyển trường, sổ liên lạc điện tử..., đồng thời các thao tác, các bước nhập liệu điền thông tin phải dễ thực hiện đối với cha mẹ học sinh.

Tổ chức triển khai, quán triệt cho Hiệu trưởng các trường về việc thực hiện công tác tuyển sinh theo hình thức trực tuyến. Tổ chức tập huấn phần mềm tuyển sinh cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin của các trường. Theo dõi, kiểm tra việc tổ chức tuyển sinh của các trường.

Để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, Phòng GD&ĐT quận Tân Bình cho rằng, cần triển khai hiệu quả các phần mềm quản lý thư viện, quản lý thiết bị, văn phòng điện tử, đánh giá thi đua cán bộ giáo viên v.v...

Khuyến khích các đơn vị triển khai hệ thống điểm danh đầu giờ học sinh bằng camera thông minh nhận dạng khuôn mặt. Đẩy mạnh triển khai, thường xuyên đôn đốc và giám sát các đơn vị triển khai hệ thống dạy học trực tuyến và xây dựng kho học liệu số theo chủ trường và công văn đã ban hành của Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT.

Thường xuyên rà soát nhằm nắm bắt kịp thời các yêu cầu, các xu hướng ứng dụng công nghệ từ đó triển khai thí điểm, đánh giá và tham mưu lên cấp trên góp phần vào công tác chuyển đổi số trong toàn ngành, trong cả nước.

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-day-manh-chuyen-doi-so-trong-nganh-giao-duc-161701.html