TP.HCM cần làm gì để thu hút người tài? - Bài 1: 'Trải thảm đỏ' vẫn thiếu nhân tài

Dù liên tục chú trọng 'trải thảm đỏ' mời người tài, chuyên gia, nhà khoa học... tham gia vào khu vực công nhưng TP.HCM vẫn đang gặp khó về vấn đề này.

LTS: Trong nhiều năm, TP.HCM nhất quán với chủ trương thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia, cán bộ trẻ… và đưa ra nhiều chính sách nhưng hiệu quả chưa cao.

Nghị quyết 98 đã mở ra nhiều cơ chế, trong đó có vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia, cán bộ trẻ. Pháp Luật TP.HCM mời bạn đọc theo dõi loạt bài “TP.HCM cần làm gì để thu hút người tài?”.

TP.HCM là đô thị đặc biệt và nhiều năm qua, chính quyền TP đã “trải thảm đỏ” mời người tài, chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào khu vực công nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.

Tuyển được 19 người nhưng chỉ còn lại 5

Năm 2014, TP.HCM ban hành Quyết định 5715 với chủ trương “trải thảm đỏ” mời nhân tài về làm việc cho các lĩnh vực trọng điểm, áp dụng trong năm năm.

Sinh viên đang thực hành nghiên cứu tại trung tâm trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Đây là nơi ươm tạo và phát triển các sản phẩm, công nghệ đổi mới sáng tạo và hỗ trợ quá trình học tập, nghiên cứu khoa học của cộng đồng sinh viên, các nhà khởi nghiệp trẻ. Ảnh: THANH THÙY

Thời điểm đó, chuyên gia được hưởng thu nhập thỏa thuận không quá 150 triệu đồng/tháng, chia lợi nhuận trên sản phẩm nghiên cứu. Các chuyên gia cũng được hỗ trợ kinh phí dự hội thảo, ưu đãi về thuế, ổn định chỗ ở, chi phí xuất nhập cảnh; hưởng ưu đãi về lương, phụ cấp, đi lại... Qua năm năm thực hiện, TP.HCM thu hút được 19 nhà khoa học về làm việc.

21.210 là số người hoạt động trong lĩnh vực KH&CN tại TP.HCM. Trong đó có 118 giáo sư, 1.116 phó giáo sư và 6.870 tiến sĩ. TP có 371 tổ chức KH&CN, 78 viện nghiên cứu, 109 trường ĐH-CĐ, trên 135 nhóm nghiên cứu và hợp tác quốc tế…

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức TP có trình độ tiến sĩ là 817 người, thạc sĩ là 10.191 người, 82.654 người có trình độ ĐH và 12.807 người có trình độ CĐ…

Năm 2019, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 17, kéo dài đến năm 2022, có thay đổi so với Quyết định 5715. Theo quyết định này, các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt nhận được các đãi ngộ như mức trợ cấp ban đầu là 100 triệu đồng, hỗ trợ nhà ở, phương tiện… nhưng thu nhập theo hệ số lương nhà nước, khoảng 13-15 triệu đồng/tháng.

Qua hai giai đoạn thử nghiệm (2014-2019 và 2019-2022), có 14 trong số 19 chuyên gia rời đi với lý do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng.

Thời điểm TP.HCM tổ chức các cuộc góp ý cho dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 (Nghị quyết 98 hiện hành), PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài của TP.HCM chưa được như mong muốn, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ (KH&CN).

“Gần đây, ở lĩnh vực y tế có hiện tượng một số chuyên gia y tế giỏi chuyển sang khu vực tư. Điều này có thể làm giảm cơ hội tiếp cận với y tế của một bộ phận gia đình có thu nhập thấp, lao động nhập cư...” - PGS-TS Vũ Hải Quân đề cập.

Còn TS Hoàng Thế Bân, chuyên gia Khu công nghệ cao TP.HCM, cho rằng chính sách thu hút nhân tài của TP.HCM 10 năm qua còn bị động. “TP.HCM đầu tư nhiều công sức, tiền của cho chương trình thu hút chuyên gia, nhà khoa học nhưng kết quả không đạt như kỳ vọng” - TS Bân nói và cho rằng mức đãi ngộ ở giai đoạn thí điểm và chính thức chênh nhau khá xa. Đây là những rào cản khiến người tài và giới chuyên gia không mặn mà.

Còn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận: Dù hội đủ các điều kiện thuận lợi để thu hút đội ngũ trí thức nhưng TP vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình; chưa tiếp cận và động viên được đội ngũ trí thức ở một số lĩnh vực như văn học - nghệ thuật, chuyên gia ngoài TP hay nước ngoài đến… dù lực lượng này có đóng góp rất lớn vào sự phát triển của TP.

5 năm chưa tuyển dụng được sinh viên xuất sắc

Để xây dựng, phát triển và nâng chất đội ngũ cán bộ, nhiều nghị quyết, quy định cũng như các hướng dẫn liên quan đã được Chính phủ ban hành. Một trong số đó là Nghị định 140/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Nhiều nhà khoa học rời khu vực công

Nếu không có kế hoạch quy hoạch và chế độ đãi ngộ phù hợp để giữ chân các nhà khoa học trong các tổ chức công lập, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sẽ dẫn tới mất cân đối chung trong phát triển đội ngũ trí thức KH&CN của đất nước.

Bộ trưởng KH&CN HUỲNH THÀNH ĐẠT

Với khối lượng công việc, áp lực giải quyết thủ tục hành chính, sự sôi động của một đô thị lớn như TP.HCM đòi hỏi cần có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, trách nhiệm để đảm đương. Về vấn đề này, lãnh đạo TP.HCM đã bắt tay xây dựng nguồn cán bộ kế cận cốt lõi, đủ năng lực và bản lĩnh.

Tháng 5-2021, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ban hành Đề án 01 về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TP, giai đoạn 2020-2035. Thành ủy TP.HCM giao Sở Nội vụ chủ trì triển khai thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ trên địa bàn TP; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức TP.

Tháng 2 vừa qua, báo cáo về tiến độ thực hiện, Sở Nội vụ cho biết tính từ thời điểm năm 2018, TP.HCM chưa có trường hợp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút theo Nghị định 140/2017.

Sở Nội vụ nhìn nhận đối tượng thu hút, tuyển dụng theo nghị định trên là những trường hợp có trình độ, kết quả học tập xuất sắc, tuy nhiên số người đạt đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thu hút là rất ít. Việc phát hiện, bồi dưỡng và tuyển chọn đòi hỏi nhiều thời gian, nguồn lực nhưng các chế độ, chính sách tiền lương, thu nhập lại thấp hơn so với các đơn vị ngoài khu vực công.

Chưa kể, những đối tượng này có rất nhiều cơ hội nhận được học bổng ở trong và ngoài nước; được các tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công tìm kiếm, mời gọi với mức thu nhập hấp dẫn, nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.

Tại Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Đề án 01 hồi tháng 4, Bí thư Đoàn khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ có sự cạnh tranh rất lớn về nguồn nhân lực giữa khu vực công và khu vực tư, chủ yếu là về thu nhập, môi trường làm việc. “Áp lực công việc ở khu vực công là rất lớn song thu nhập của cán bộ, công chức nói chung, nhất là cán bộ, công chức trẻ thấp hơn khu vực tư” - anh Khoa nói và dẫn chứng năm 2021, bình quân một công chức ở khu vực công TP.HCM phục vụ 1.400 người dân.

Tuy nhiên, mức lương của sinh viên tốt nghiệp xuất sắc khi vào làm việc trong cơ quan nhà nước là khoảng 6,8 triệu đồng/tháng, còn thu nhập bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp khoảng 11 triệu đồng/tháng.

Qua nắm bắt tâm tư của cán bộ, công chức trẻ thuộc Đoàn khối, anh Khoa nhận định điều giữ được chân họ ở khu vực công chính vì tinh thần muốn cống hiến, vì lợi ích của người dân. Do đó, TP cần khảo sát các yếu tố tạo động lực để sinh viên trẻ, giỏi tham gia vào khu vực công.

Kiến nghị được chủ động tuyển chọn, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao

Hồi tháng 2-2023, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 27 khảo sát 15 năm thực hiện nghị quyết này của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã nêu kiến nghị cụ thể để thu hút đội ngũ trí thức và giữ chân nhân tài.

TP.HCM kiến nghị cần sớm xem xét, xây dựng và ban hành chính sách cải cách tiền lương phù hợp với mức sống và điều kiện của đô thị đặc biệt, đảm bảo mức lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức để tạo động lực giữ chân nhân tài, tạo đột phá trong thu hút đội ngũ trí thức nói riêng và nhân lực chất lượng cao nói chung đến công tác, cống hiến lâu dài cho hệ thống chính trị TP.HCM.

Đồng thời xem xét, điều chỉnh quy định về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo Thông tư 36/TT-BTC về hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Kiến nghị này nhằm tạo điều kiện cho TP.HCM được chủ động sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao, nhất là trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-can-lam-gi-de-thu-hut-nguoi-tai-bai-1-trai-tham-do-van-thieu-nhan-tai-post753272.html