TP.HCM: Biến vật dụng bếp thành điểm nhấn trên áo dài

Ngày 7/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) phối hợp với Trung tâm Văn hóa thành phố Thủ Đức tổ chức Hội thi 'Duyên dáng Áo dài Thủ Đức' lần 4 năm 2024.

Hội thi năm nay có sự tham gia của 37 đội với hơn 500 thí sinh dự thi tại Đường Sách thành phố Thủ Đức. Các thí sinh làm nhiều ngành nghề, công việc khác nhau, đến từ nhiều vùng miền trên cả nước như Vĩnh Long, Trà Vinh, Hà Nội…

Tham gia Hội thi, mỗi đội đều chuẩn bị cho mình những chiếc áo dài với kiểu dáng độc đáo cùng thiết kế đa dạng như hoa sen, xe đạp, gánh hàng rong… Đặc biệt, nhiều đội đã khéo léo dùng rế lót nồi được làm bằng mây tre trong căn bếp quen thuộc đính lên chiếc áo dài.

Cụ thể, chiếc rế lót nồi được nhiều người đan thủ công từ tre, mây, xen thêm hoa tươi tạo thành mấn đội đầu vô cùng duyên dáng. Ngoài ra, những cánh hoa được bàn tay khéo léo uốn dẻo từ mây cài lên áo dài tạo điểm nhấn đặc biệt cho chiếc áo dài. Những kiểu dáng ấy càng tôn lên nét truyền thống tà áo thướt tha đậm nét đẹp tần tảo của người phụ nữ Việt.

Kết quả chung cuộc: Hội LHPN phường Thủ Thiêm đạt giải Nhất; Hội LHPN phường Bình Thọ và Hội LHPN phường Thạnh Mỹ Lợi đồng giải Nhì; Câu lạc bộ Áo dài thành phố Thủ Đức, Hội LHPN phường Bình Trưng Đông và Hội LHPN phường Phước Long B đồng giải Ba. Dịp này, Hội LHPN thành phố Thủ Đức trao tặng 100 bộ áo dài đến cán bộ phụ nữ tiêu biểu.

Các thí sinh tham gia Hội thi “Duyên dáng Áo dài Thủ Đức” lần 4 năm 2024. (Ảnh: Đường sách thành phố Thủ Đức).

Phát biểu tại Hội thi, bà Nguyễn Hạnh Thảo, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Thủ Đức cho biết, áo dài là Di sản văn hóa Việt Nam, là trang phục tôn vinh văn hóa truyền thống và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và giao thoa văn hóa ngày càng mạnh mẽ, áo dài Việt Nam là một phần không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của đất nước, dân tộc.

"Đây là lần thứ 4 thành phố Thủ Đức tổ chức cuộc thi duyên dáng áo dài kể từ khi thành lập thành phố Thủ Đức. Hội thi lần này, thành phố Thủ Đức chọn hình thức thi tập thể với số lượng hơn 500 thí sinh, đến từ nhiều ngành nghề, công việc khác nhau như cán bộ công chức, tiểu thương, hội viên tổ chức đoàn thể trên địa bàn dân cư", bà Thảo cho hay.

Tham dự Hội thi, chị Nguyễn Thị Diễm Hương (phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức) chia sẻ, chiếc áo dài của chị lấy cảm hứng từ thiên nhiên, lấy đạo cụ là từ mây, tre, lá, rất gần gũi với thiên nhiên. Đa phần các chi tiết trên áo dài được làm bằng thủ công, điều này giúp các chi tiết đó có thể tái sử dụng lại được.

"Trong những năm gần đây, tà áo dài truyền thống được nhiều người ưa chuộng, không chỉ mặc vào những dịp quan trọng như lễ, hội mà còn được sử dụng áo dài để dạo phố. Việc sáng tạo và lồng ghép vào chiếc áo những họa tiết gần gũi, không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh Quốc phục mà còn lan tỏa tinh thần vận dụng vật liệu bảo vệ môi trường đến rộng rãi người dân", chị Hương cho biết.

Minh Tuấn - Văn Mạnh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-bien-vat-dung-bep-thanh-diem-nhan-tren-ao-dai-167256.html