TP. Cần Thơ: Độc đáo dâu Hạ Châu

Ở huyện Phong Điền - thủ phủ du lịch sinh thái của TP. Cần Thơ, dâu Hạ Châu như một điểm nhấn độc đáo trên vùng đất nhiều cây ngọt trái lành.

Vì sao… cây dâu da bén duyên vùng đất Hạ Châu?

Theo các lão nông huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, cây dâu (dâu da) đã bén duyên với vùng đất quanh năm nước ngọt, phù sa màu mở này từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX.

Từ tháng 7 hàng năm, dâu Hạ Châu bước vào thu hoạch chính vụ

Lúc bấy giờ ít có nhà vườn nào chuyên canh trồng dâu, cây dâu thường được trồng xen với nhiều loại cây ăn trái khác như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, vú sữa, mít… Giống dâu được trồng ở Phong Điền ban đầu được cho là có nguồn gốc từ các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Vậy dâu Hạ Châu chính thức xuất hiện khi nào? Để tìm câu trả lời, tôi đã vào vườn dâu “cổ thụ” gần 50 năm tuổi, nhiều gốc cây rộng hơn vòng tay người lớn của ông Lê Quang Minh (ba Minh) ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.

Ông ba Minh (đã mất cách nay ít lâu) chính là “cha đẻ” của giống dâu Hạ Châu và vườn dâu nhà ông cũng có thể được coi là vườn cây “đầu dòng” của giống dâu quý.

Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, ông ba Minh nhận ra trong vườn nhà vốn rộng mênh mông của mình có gốc dâu khác lạ, cho trái thơm ngon đặc biệt. “Kiểm tra lại mới biết dâu là giống dễ lai, trồng gần nhau nó tự lai ghép bằng cách thụ phấn chéo. Trái chín rụng, hạt nảy mầm lên cây, sau 3 năm bắt đầu cho trái. Tui phát hiện cây dâu lai cho trái ngon nổi trội thì nhân rộng ra trồng”, ông kể.

Cái tên Hạ Châu, nghe có vẻ… kêu sa, đẹp đẽ vậy chứ theo ông ba Minh, nó rất bình dân, chân chất.

“Hồi đó có người gợi ý tôi nên đặt tên cho giống dâu mới. Tôi nhớ dâu này có nguồn gốc từ xã Nguyễn Phích (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) được tôi đem hạt về trồng, rồi nó lớn lên, lai ghép với dâu truyền thống tại địa phương. Từ đó mà suy ra, dâu từ vùng đất miệt dưới (người dân trước đây quen gọi đất miệt dưới thuộc vùng rừng U Minh, còn miệt trên là xứ Hậu Giang, Cần Thơ) thì gọi là dâu Hạ Châu thôi. Tôi là người ít học, không biết chơi chữ màu mè gì đâu”, ông ba Minh vừa cười vừa giải thích. Cách đặt tên thật đúng chất tập quán dân gian miền Tây Nam bộ, rất trực quan, đơn giản.

Với “phẩm chất” độc đáo, đặc biệt vốn có, năm 2006, dâu Hạ Châu đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, công nhận là đặc sản của huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Từ năm 2013, để khuyến khích mở rộng diện tích trồng dâu Hạ Châu, ngành nông nghiệp huyện Phong Điền từng có chính sách hỗ trợ 60% giá mua cây giống cho nông dân.

Định hình nguồn tài nguyên bản địa

Mỗi năm một vụ, mùa thu hoạch dâu Hạ Châu bắt đầu từ tháng 7, đây là thời điểm nhiều loại trái cây khác ở Đồng bằng sông Cửu Long đã qua đợt chính vụ nên dâu Hạ Châu có điều kiện thuận lợi hơn trong chuỗi cung ứng, tiêu thụ.

Dâu Hạ Châu khi chín có vỏ ngoài vàng nhạt, quả đều, múi mộng nước, vị ngọt thanh

Ở huyện Phong Điền, dâu Hạ Châu được trồng tập trung chủ yếu tại 2 xã Nhơn Ái và Mỹ Khánh. Theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, toàn huyện có hơn 780ha đất trồng dâu, trong đó gồm nhiều loại dâu như: Dâu xanh, dâu bòn bon, dâu xiêm… Riêng dâu Hạ Châu chiếm diện tích đất trồng lớn nhất với khoảng 590 ha, sản lượng thu hoạch mỗi vụ trung bình đạt từ 20 - 25 tấn/ha.

Những năm gần đây, dâu Hạ Châu đã trở nên quen thuộc với thị trường trong nước và xuất khẩu đến một số nước trong khu vực, nhiều nhất là Campuchia. Là loại trái cây đặc sản của vùng đất du lịch sinh thái Phong Điền, dâu Hạ Châu cũng được khách du lịch trong nước và quốc tế ưa chuộng.

Huyện Phong Điền hiện có khoảng 20 vườn dâu được xây dựng làm điểm du lịch; nhiều nhà vườn còn tận dụng điều kiện sẵn có, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng cho quả dâu như đóng gói bán cho du khách, mở cửa đón khách tham quan, thưởng thức hoặc chế biến các món ẩm thực từ quả dâu.

Chị Châu Thanh Hoa (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) cho biết: “Dịp giữa hè năm nào gia đình tôi cũng tổ chức chuyến du lịch vào Cần Thơ rồi ra Côn Đảo. Chúng tôi thích những vườn dâu Hạ Châu trái chín sum suê, lúc lỉu, mê chụp hình và thưởng thức vị dâu ngọt thanh, ngon khó tả”.

Hiện tại, dâu Hạ Châu được thương lái đến tận vườn thu mua với giá khoảng 15.000 đồng/kg. Nhiều hộ nông dân cho biết so với cùng thời điểm của năm 2022, mức giá này vẫn thấp hơn từ 6.000 - 7.000 đồng/kg.

“Tuy vậy, chỉ cần dâu Hạ Châu đạt từ 10.000 đồng/kg là nông dân đã có lời vì trồng dâu ít tốn công chăm sóc; vốn đầu tư cho phấn bón, các loại thuốc bảo vệ, kích thích cây ra hoa, đậu trái, dưỡng trái cũng nhẹ hơn so với những loại cây khác”, ông Trần Văn Dũng, chủ vườn dâu ở xã Nhơn Ái chia sẻ.

Lý giải về giá dâu sụt giảm, ông Nguyễn Văn Út Em, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền cho rằng, năm nay sức tiêu thụ dâu Hạ Châu có phần bị chậm do các loại trái cây khác như vải, chôm chôm cạnh tranh.

“Những năm trước, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến dâu Hạ Châu tìm đầu ra gặp khó khăn. Và gần đây, thấy lợi nhuận hấp dẫn từ cây sầu riêng nên trên địa bàn có hiện tượng nông dân đốn dâu trồng sầu riêng. Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân không nên chạy theo sầu riêng bằng mọi giá vì một số giống sầu riêng mới chưa đảm bảo phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Trong khi đó, dâu Hạ Châu đã chứng minh được lợi thế, năng suất luôn ổn định”, ông Út Em cho biết thêm.

Nhờ nỗ lực quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ, đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất của chính quyền địa phương và ngành chức năng TP. Cần Thơ, sản phẩm dâu Hạ Châu đang từng bước được định hình như nguồn tài nguyên bản địa đặc thù, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Bài và ảnh: Hồng Hiếu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-can-tho-doc-dao-dau-ha-chau-263686.html