TP Cần Thơ đề xuất dự án trùng tu Di tích Khám lớn Cần Thơ hơn 28 tỷ đồng

UBND TP Cần Thơ đề xuất dự án trùng tu Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Khám lớn Cần Thơ với nhiều hạng mục, quy mô gần 3.600m2, tổng mức đầu tư hơn 28 tỷ đồng.

UBND TP Cần Thơ vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình trùng tu Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Khám lớn Cần Thơ.

Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án có quy mô gần 3.600m2 với các hạng mục: nhà giám thị, dãy nhà giam nam, dãy nhà giam nữ, tháp nước, tháp canh, khu tắm của tù nhân... Các công trình này sẽ được phục dựng theo đúng diện tích, vị trí.

Khuôn viên Khám lớn Cần Thơ hiện nay

Dự án cũng bao gồm hạng mục phục dựng và bổ sung 198 bức tượng thể hiện cảnh sinh hoạt trong tù theo đề cương của Bảo tàng TP Cần Thơ để trưng bày trong các phòng giam di tích (39 tượng được phục dựng, 159 tượng được bổ sung mới). Các tượng được làm bằng chất liệu sáp và composite.

Ngoài ra, còn có các hạng mục phụ trợ như cây xanh, sân đường nội bộ, cấp thoát nước, chiếu sáng... Tổng mức đầu tư dự án hơn 28,2 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, thực hiện trong giai đoạn 2022-2024.

Di tích Khám lớn Cần Thơ nằm tại địa chỉ số 8, đường Ngô Gia Tự, phường Tân An, quận Ninh Kiều; được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1996.

Khám lớn Cần Thơ do thực dân Pháp xây dựng những năm 1878-1886 với tên gọi ban đầu là Prison Provinciale, lớn nhất miền Tây lúc bấy giờ. Khám nằm liền kề Dinh Tỉnh trưởng, đối diện Tòa Hành chánh và biệt lập với khu dân cư.

Công trình được xây kiên cố, tường dày, cao 3,6-5m, rào sắt bao bọc. Các vọng gác để kiểm soát cao 6m, có đèn pha chiếu sáng. Khi Hiệp định Genève được ký kết năm 1954, chính quyền Sài Gòn đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Phong Dinh, Khám lớn Cần Thơ được đổi tên thành Trung tâm cải huấn.

Đây là nơi thực dân, đế quốc giam cầm, đày đọa những chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Khám lớn Cần Thơ có 2 khu, với 21 phòng giam tập thể sức chứa 30-40 người nhưng có lúc giam giữ đến 70 - 80 người, cùng nhiều xà lim nhỏ dùng để biệt giam.

Một số hình ảnh về Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Khám lớn Cần Thơ

Cổng chính Khám lớn Cần Thơ. Ảnh: TTXVN

Các bức tượng tái hiện cảnh đồng bào, chiến sĩ cách mạng bị giam giữ ở Khám lớn Cần Thơ

Khám lớn Cần Thơ là nơi thực dân, đế quốc giam cầm, đày đọa những chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước

Khung cảnh tái hiện bên trong một phòng giam tù nhân nam

Cảnh giam giữ tù nhân được tái hiện ở Khám lớn Cần Thơ

Hiện nay, Di tích lịch sử Khám lớn Cần Thơ là địa điểm tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống của của người dân thành phố cũng như du khách trong và ngoài nước.

Đặc biệt, vào những dịp kỷ niệm như Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7… nơi đây thu hút đông đảo cán bộ, nhân viên của các cơ quan, ban, ngành đoàn thể và học sinh, sinh viên về nguồn ôn lại truyền thống lịch sử, tri ân các anh hùng, liệt sĩ và đồng bào yêu nước đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tp-can-tho-de-xuat-du-an-trung-tu-di-tich-kham-lon-can-tho-hon-28-ty-dong-post196407.html