Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường: Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, rất công phu

Phiên họp thứ 26, sáng 20/9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Pháp luật và Xã hội xin giới thiệu ý kiến của ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Quang Lê

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Quang Lê

Tạo sự bứt phá nhưng cũng đảm bảo bảo tồn mạch văn hiến ngàn năm

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cơ bản tán thành với hồ sơ, tài liệu của dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, rất công phu và nêu 5 ý kiến như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, ông tán thành với việc bổ sung vào phạm vi điều chỉnh dự thảo luật. Chính sách về tổ chức chính quyền, về tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như vậy sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho xây dựng và phát triển chính quyền đô thị, trung tâm của cả nước và hệ thống đô thị vệ tinh lân cận giúp Thủ đô Hà Nội vận hành linh hoạt, nhanh nhạy, có những cơ chế, chính sách đặc thù riêng để có thể huy động nguồn lực đầu tư. Tăng tính hội nhập, tạo sự bứt phá nhưng cũng đảm bảo bảo tồn mạch văn hiến ngàn năm của Thủ đô Hà Nội.

Thứ hai, về danh hiệu công dân danh dự Thủ đô quy định tại Điều 7. Khoản 1 Điều 7 của dự thảo luật quy định: Danh hiệu công dân danh dự Thủ đô được trao tặng cho người nước ngoài có đóng góp đặc biệt trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô, hoặc trong việc mở rộng, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô.

Ông đề nghị bổ sung thêm cụm từ "thiết lập". Cụ thể là: Danh hiệu công dân danh dự Thủ đô được trao tặng cho người nước ngoài có đóng góp đặc biệt trong xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô hoặc trong việc thiết lập, mở rộng, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô. Vì thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế là cơ sở, là xuất phát quan trọng cho việc mở rộng, tăng cường hợp tác sau này.

Có nhiều đơn vị hành chính của các nước khác chưa thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế với Hà Nội nhưng công dân có vai trò là cầu nối thiết lập quan trọng trong quan hệ hợp tác để phát triển Thủ đô thì rất xứng đáng với danh hiệu công dân danh dự Thủ đô.

Thứ ba, về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch quy định tại Điều 20. Ông đặc biệt quan tâm đến các quy định liên quan đến việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, bởi lẽ thông qua các quy định của dự thảo luật chúng ta có thể hình dung được hình hài phát triển của Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới và trong tương lai.

Ông Bùi Văn Cường nhất trí cao với chủ trương không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có, không mở rộng xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giá giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, nhất trí với việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô. Chủ trương này là rất đúng và chúng ta đã đặt ra từ khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội nhưng cần phải triển khai sớm và triển khai quyết liệt.

Thực tế phát triển Thủ đô thời gian vừa qua, nhất là sau khi sự kiện đau lòng cháy nhà riêng lẻ mà người dân vẫn gọi là chung cư mini tại khu Khương Hạ, cùng với việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ khác kiểu chung cư mini cho thấy định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát, ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành năm 2012, tức là cách đây 10 năm.

Thậm chí, trước đó chúng ta đã có Pháp lệnh Thủ đô năm 2000 và chúng ta cũng đặt những chính sách đặc thù cho Thủ đô, rồi các Nghị quyết như Nghị quyết số 97 ngày 27/11/2019 của Quốc hội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Nghị quyết 115 ngày 16/9 năm 2000 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Đó là hệ lụy của việc tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm.

Vấn đề di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và của thành phố đã đặt ra từ rất lâu, tuy nhiên công tác triển khai vẫn rất chậm chạp.

Đối chiếu lại với dự án luật, danh mục, biện pháp và lộ trình di dời được ủy quyền để Thủ tướng Chính phủ quyết định, tuy nhiên với hồ sơ dự án luật, ông chưa thấy có dự thảo quyết định về biện pháp và lộ trình di dời. Đây chính là một dạng văn bản quy định chi tiết mà theo quy định tại Điều 11 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật.

Cần quy định áp dụng cho các địa phương lân cận trong trách nhiệm bảo vệ môi trường chung

Thứ tư, liên quan đến các quy định chi tiết. Dự thảo luật ủy quyền khá nhiều cho các cơ quan quy định chi tiết nhưng chưa thấy có dự thảo nghị định, nghị quyết, quyết định kèm theo. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với thành phố Hà Nội để bổ sung.

Thứ năm, về bảo vệ môi trường Thủ đô quy định tại Điều 29. Chúng ta đều biết bảo vệ môi trường là vấn đề toàn cầu, không phải là vấn đề của riêng quốc gia hay phạm vi của một nước thì càng không thể, chỉ là một vấn đề của địa phương. Để bảo vệ môi trường cho Thủ đô thì không phải chỉ đặt ra các biện pháp xử lý trong phạm vi Thủ đô.

Cũng chính vì thế mà đối với các chính sách liên quan đến Thủ đô được ban hành ở tầm luật, không phải chỉ một nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường. Xung quanh Hà Nội là Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang.

Với quy định như ở Điều 29 của dự thảo Luật thì vấn đề bảo vệ môi trường mới chỉ gói gọn trong phạm vi địa giới hành chính của thành phố Hà Nội, chưa có sự gắn kết mở rộng với các đô thị lân cận của các địa phương xung quanh Hà Nội. Do đó, cần có quy định áp dụng cho các địa phương lân cận trong trách nhiệm bảo vệ môi trường chung của cả nước và đặc biệt là bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của Thủ đô. Ngoài ra, có những quy định tôi cho rằng cũng cần phải cân nhắc, xem xét về tính cần thiết.

Ví dụ, trên địa bàn Thủ đô nghiêm cấm lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng, chặt phá rừng, cây xanh trái phép, xả chất xả thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường, quy định ở khoản 2 Điều 29.

Quy định này áp dụng chung cho cả nước chứ không riêng gì Thủ đô. Tại dự thảo luật này cũng chỉ nên quy định những cái gì riêng có của Hà Nội là đặc thù của Hà Nội gắn với định hướng phát triển quy hoạch của Hà Nội.

Nhật Nam

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tong-thu-ky-quoc-hoi-bui-van-cuong-du-an-luat-thu-do-sua-doi-da-duoc-chuan-bi-rat-ky-luong-rat-cong-phu-353200.html