Tổng thống Putin cảnh báo phá hủy tiêm kích F-16 ngay tại sân bay NATO

Nếu NATO viện trợ tiêm kích F-16 cho Ukraine, nó có thể bị Nga phá hủy ngay từ khi còn nằm trên lãnh thổ một nước thứ ba.

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã tổ chức một cuộc gặp với các phi công quân sự và thành viên của lực lượng phòng không, trong đó việc Không quân Ukraine chuẩn bị nhận tiêm kích F-16 thu hút rất nhiều sự quan tâm.

Ông Putin khẳng định, Liên bang Nga sẽ không tấn công các quốc gia thuộc Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Tuy vậy vẫn có cảnh báo rằng việc cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine sẽ chỉ làm tình hình chiến trường trở nên tồi tệ hơn.

"Nếu họ giao tiêm kích F-16, cũng giống như việc họ đang huấn luyện phi công Ukraine, nó sẽ không thay đổi được tình hình trên chiến trường".

"Và chúng ta sẽ phá hủy máy bay của họ giống như đang tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép, hệ thống tên lửa phóng loạt".

"Tất nhiên, nếu tiêm kích F-16 được sử dụng từ sân bay của các nước thứ ba, chúng sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga, bất kể chúng ở đâu", ông Putin nhấn mạnh.

Tổng thống Nga nhắc lại rằng những chiếc máy bay nói trên có thể mang vũ khí hạt nhân và thực tế này sẽ được Quân đội Nga tính đến.

Cần nhắc lại, theo tuyên bố của một số quan chức châu Âu có mặt tại Hội nghị An ninh Munich, các máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên dự kiến sẽ xuất hiện trên bầu trời Ukraine vào tháng 6/2024.

Thông tin này được Bộ trưởng Quốc phòng Litva Arvydas Anusauskas công bố, khi quan chức trên xác nhận kế hoạch cung cấp các tiêm kích đa năng hạng nhẹ cho Kyiv.

Một quan chức châu Âu khác đề nghị giấu tên cũng đồng ý với khung thời gian này, đồng thời nêu bật sự gắn kết giữa các quốc gia về vấn đề cung cấp viện trợ quân sự lâu dài cho Ukraine.

Theo thông tin sơ bộ, chính quyền Ukraine hy vọng rằng 12 phi công nước này sẽ hoàn thành khóa đào tạo về các máy bay chiến đấu nói trên vào cuối năm tài chính của Mỹ, kết thúc vào tháng 9.

Trước đó có báo cáo cho rằng đợt giao tiêm kích F-16 đầu tiên cho Ukraine có thể diễn ra vào quý 1 năm 2024. Tuy nhiên dữ liệu mới nhất cho thấy tháng 6 là thời hạn chính xác hơn, mặc dù có thể còn điều chỉnh thêm.

Tháng 12 năm ngoái, Hà Lan tuyên bố chuẩn bị chuyển giao 18 tiêm kích F-16 đầu tiên cho Ukraine và sau đó số lượng máy bay hứa hẹn đã tăng lên 24 chiếc.

Không chỉ riêng F-16, Ukraine còn đang tích cực đàm phán với Pháp để nhận được tiêm kích Mirage 2000 do nước này sản xuất, khi Paris đang muốn thay thế chúng bằng Rafale.

Ngoài ra Ukraine còn có khả năng nhận cả tiêm kích JAS-39 Gripen từ Thụy Điển, bởi Stockholm đã hứa sẽ viện trợ cho Ukraine khi nước này có tư cách thành viên NATO, đồng thời việc đào tạo phi công đã diễn ra từ nhiều tháng nay.

Mặc dù vậy, nhiều khả năng các quốc gia thuộc "Liên minh máy bay chiến đấu" mới được thành lập để hỗ trợ Kyvi sẽ vẫn tập trung vào việc cung cấp F-16, bởi số lượng có sẵn rất lớn và tạo thuận lợi cho công tác đảm bảo kỹ thuật.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tong-thong-putin-canh-bao-pha-huy-tiem-kich-f-16-ngay-tai-san-bay-nato-post571802.antd