Tổng thống Nga Putin đến Kyrgyzstan

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Putin kể từ sau khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ ông.

Hãng thông tấn Nga TASS, Interfax và RIA Novosti cho biết, Tổng thống Nga Putin đã tới Kyrgyzstan vào sáng 12/10 (giờ địa phương).

Theo hãng thông tấn Nga TASS, ông Putin có một chương trình bận rộn ở thủ đô Bishkek. Vào ngày 12/10, ông Putin sẽ có cuộc gặp chính thức với người đồng cấp Kyrgyzstan Sadyr Japarov tại Dinh thự Ala-Archa của Tổng thống Kyrgyzstan.

Tổng thống Nga V.Putin

Tiếp theo trong chương trình nghị sự của ngày làm việc đầu tiên là các cuộc đàm phán song phương Nga-Kyrgyzstan.

Tháp tùng Tổng thống Nga là phái đoàn bao gồm Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Phó Thủ tướng Alexey Overchuk, Bộ trưởng Tư pháp Konstantin Chuychenko, Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Alexander Kozlov, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Maxim Reshetnikov, Bộ trưởng Khoa học và Giáo dục Đại học Valery Falkov và người đứng đầu Tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom Alexey Likhachev.

Sau đàm phán, một số văn kiện song phương sẽ được ký kết. Ông Putin và ông Japarov sẽ ra tuyên bố chung và phát biểu trước báo giới. Sau đó cùng ngày, hai nhà lãnh đạo sẽ tham dự gala kỷ niệm 20 năm thành lập căn cứ không quân Kant của Nga ở Kyrgyzstan.

Tổng thống Nga đến thăm Kyrgyzstan vào thời điểm cuộc tập trận chiến lược chung Combat Brotherhood 2023 CSTO đang diễn ra ở quốc gia Trung Á, từ ngày 09-13/10, bước vào giai đoạn tích cực tại thao trường Edelweiss. CSTO là từ viết tắt của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể – một liên minh quân sự bao gồm các nước Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Cũng trong ngày 12/10, Tổng thống Nga dự kiến sẽ hội đàm với nhà lãnh đạo Azerbaijan - Ilham Aliyev. Dự kiến, người đứng đầu 2 nước sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến tình hình xung quanh Nagorno-Karabakh.

Vào ngày 13/10 – ngày làm việc thứ hai, Tổng thống Nga Putin sẽ gặp Tổng thống Tajikistan - Emomali Rahmon tại Bishkek và cùng nhau tham dự cuộc họp của Hội đồng Nguyên thủ Cộng đồng các quốc gia độc lập (gọi tắt là CIS hay SNG), cùng với các Tổng thống của Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.

Liên quan tới lệnh bắt giữ mà ICC đưa ra, Kyrgyzstan đã từ chối thực hiện vì không phải là một bên ký kết Quy chế Rome thành lập ICC, và không có nghĩa vụ thực hiện lệnh bắt giữ nói trên./.

(Tổng hợp)

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tong-thong-nga-putin-den-kyrgyzstan-197317.htm